Thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp môi trường tại Việt Nam

Kinh tế - Ngày đăng : 13:11, 16/02/2023

(BKTO) - Hiện nay, quá trình phát triển kinh tế đã và đang tạo áp lực lớn lên môi trường, hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Trong bối cảnh đó, ngành công nghiệp môi trường (CNMT) trở thành lĩnh vực được quan tâm hàng đầu trong công cuộc phát triển kinh tế quốc gia đi kèm với bảo vệ môi trường.
00.jpg
Việt Nam đã chú trọng xây dựng và phát triển ngành CNMT. Ảnh: TTXVN

Các doanh nghiệp công nghiệp môi trường còn hạn chế về số lượng lẫn quy mô

Theo thống kê, giai đoạn 2017-2020, hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP. Hà Nội được giao cho 20 đơn vị thực hiện thông qua gói thầu Dịch vụ công ích vệ sinh môi trường. Đến nay, hoạt động này đã giao về các địa phương tự tổ chức đấu thầu. Còn tại TP. Hồ Chí Minh, năm 2022, Sở Tài chính Thành phố dự toán chi 3.311 tỷ đồng cho công tác thu gom, vận chuyển rác thải; trong đó chi cho các quận, huyện khoảng 1.604 tỷ đồng, Sở Tài nguyên và Môi trường khoảng 1.707 tỷ đồng… Trong khi đó, Báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2022 cho hay, Việt Nam là một trong những quốc gia phát sinh rác thải nhựa lớn nhất thế giới với ước tính khoảng 3,1 triệu tấn rác thải nhựa ra môi trường mỗi năm. Nghiên cứu cũng dự báo tình trạng sẽ trở nên tồi tệ hơn khi quá trình đô thị hóa cùng sự gia tăng dân số nhanh chóng và sự phát triển kinh tế mạnh mẽ sẽ dẫn đến khối lượng rác thải sinh hoạt ngày càng tăng nhanh. “Đến năm 2030, lượng chất thải phát sinh của Việt Nam dự kiến sẽ tăng gấp đôi từ 27 triệu tấn lên 54 triệu tấn” - Báo cáo nêu.

Những năm qua, Việt Nam đã chú trọng xây dựng và phát triển ngành CNMT. Kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 thực thi, ngành CNMT được nhìn nhận như một ngành kinh tế gồm: Sản xuất, kinh doanh và cung cấp dịch vụ trong các lĩnh vực chính là công nghệ, thiết bị, sản phẩm CNMT; dịch vụ CNMT (thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế chất thải; quan trắc, phân tích…); sử dụng bền vững tài nguyên, phục hồi môi trường. Số liệu thống kê cho biết, ngành CNMT có tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm ở mức trên 15% do nhu cầu xử lý ô nhiễm và các thiết bị môi trường luôn cao trong điều kiện kinh tế tăng trưởng liên tục.

Hiện các hoạt động nhằm phát triển ngành CNMT tại nước ta đang từng bước được cân đối, hài hòa giữa 3 lĩnh vực chính, gồm: Dịch vụ môi trường (phân tích và quan trắc môi trường; quản lý, kiểm soát ô nhiễm, dịch vụ tư vấn quản lý môi trường); phát triển công nghệ và sản xuất thiết bị (nghiên cứu và chuyển giao công nghệ xử lý môi trường; sản xuất thiết bị và vật liệu xử lý môi trường; phát triển công nghệ thông tin chuyên ngành môi trường; sản xuất thiết bị đo lường và kiểm soát ô nhiễm môi trường; công nghệ ngăn ngừa ô nhiễm); phát triển và khôi phục tài nguyên (phát triển các dạng năng lượng mới; phục hồi tài nguyên; các hoạt động tái chế chất thải).

Tuy vậy, theo khảo sát, đánh giá của Bộ Công Thương, đến nay, ngành CNMT Việt Nam mới đáp ứng 2-3% nhu cầu xử lý nước thải đô thị; 15% nhu cầu xử lý chất thải rắn, 14% nhu cầu xử lý chất thải nguy hại. Các doanh nghiệp CNMT còn hạn chế về số lượng lẫn quy mô, vốn điều lệ thấp. Các doanh nghiệp CNMT chủ yếu tập trung ở lĩnh vực dịch vụ, trong khi rất thiếu các doanh nghiệp mạnh để giải quyết những vấn đề lớn, quan trọng của đất nước. Sản phẩm, thiết bị cung cấp ra thị trường chủ yếu là các sản phẩm cơ khí, chế tạo đơn giản, trình độ thấp, doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư cho nghiên cứu phát triển, hoàn thiện sản phẩm, sáng tạo công nghệ.

Ngành CNMT tại Việt Nam là bước đi còn tương đối dài vì đây không chỉ ở một ngành, một lĩnh vực mà nó tác động tới tổng thể nền kinh tế cũng như trong sản xuất.

Trần Văn Lượng - Chủ tịch Hiệp hội CNMT Việt Nam

Ngoài ra, giới phân tích nhận định, chúng ta chưa có các chính sách hỗ trợ nhằm tạo động lực cho các doanh nghiệp CNMT tham gia và chuyển đổi sang sản xuất các sản phẩm đạt chất lượng công nghệ cao. Hạ tầng đáp ứng cho phát triển CNMT chưa hoàn thiện, đầy đủ và phù hợp với bối cảnh Việt Nam. Nguồn nhân lực và cơ cấu nguồn nhân lực cho ngành này vẫn hạn chế, chưa đủ cả về lượng và chất.

Tiếp tục xây dựng Chương trình phát triển ngành công nghiệp môi trường

Theo “Đề án phát triển ngành CNMT Việt Nam đến năm 2025”, ngành CNMT Việt Nam cơ bản đáp ứng về bảo vệ môi trường trong nước; từng bước tiến tới xuất khẩu các công nghệ, thiết bị, dịch vụ và sản phẩm bảo vệ môi trường có lợi thế cạnh tranh.

Để phát triển ngành CNMT đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ được giao trong tình hình mới, tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục cụ thể công nghệ, thiết bị, sản phẩm ngành CNMT làm cơ sở để Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển, nhằm đáp ứng yêu cầu xử lý các vấn đề môi trường quan trọng, lâu dài, quy mô cấp vùng, quốc gia, quốc tế ảnh hưởng đến phát triển bền vững của đất nước; ngăn ngừa ứng phó sự cố, thảm họa môi trường.

Hiện, Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục cụ thể công nghệ, thiết bị, sản phẩm ngành CNMT đã được Bộ Công Thương gửi lấy ý kiến góp ý cụ thể của các Bộ, ngành và các đối tượng chịu tác động. Dự thảo quy định về 12 nhóm công nghệ, thiết bị, sản phẩm ngành CNMT liên quan đến hoạt động xử lý khí thải; xử lý, tái sử dụng nước thải; xử lý, tái chế chất thải; phá dỡ phương tiện giao thông; bảo vệ, khắc phục sự cố, đo lường, giám sát môi trường; bảo tồn đa dạng sinh học.

Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Bộ Công Thương - ông Tô Xuân Bảo - cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục xây dựng Chương trình phát triển ngành CNMT để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tiếp tục tuyên truyền, phổ biến cho các DN trong ngành để sử dụng, áp dụng, đặc biệt để nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm trong các danh mục được ban hành; chú trọng phát triển thị trường; huy động và tận dụng tối đa các nguồn lực trong nước và quốc tế; đào tạo nhân lực, nâng cao nhận thức, năng lực; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao có hiệu quả các công nghệ mới, sản phẩm mới để thúc đẩy thị trường sản phẩm hàng hóa cho ngành này phát triển, từng bước phát triển ngành CNMT trở thành một ngành kinh tế không chỉ đáp ứng các yêu cầu về xử lý các vấn đề môi trường mà còn đóng góp cho sự phát triển chung của nền kinh tế./.

HỒNG NHUNG