Tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả phục vụ nhân dân
Xã hội - Ngày đăng : 13:15, 16/02/2023
Tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã
Theo Bộ Nội vụ, thời gian qua, chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong giai đoạn 2019-2021 theo Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị đã được triển khai rộng rãi trong phạm vi cả nước. Mặc dù còn nhiều khó khăn, song kết quả sắp xếp bước đầu đã đáp ứng yêu cầu đề ra, như khẳng định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV: “Với quyết tâm chính trị rất cao, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống và đặc biệt là sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân nên quá trình sắp xếp đã đạt được nhiều kết quả tích cực, thuận lợi”.
Nêu cụ thể về kết quả này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, qua việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện và xã thời gian qua đã giảm được 8 đơn vị cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã; giảm gần 450 cơ quan cấp huyện và 4.300 cơ quan cấp xã; giảm hơn 700 cán bộ, công chức cấp huyện và 9.700 cán bộ, công chức cấp xã. Qua đó giảm chi ngân sách hơn 2.000 tỷ đồng, từ đó bổ sung vào nguồn tăng lương, đổi mới sáng tạo trong sự nghiệp công.
Những kết quả bước đầu đạt được cũng là cơ sở để Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, thống nhất đi đến quyết nghị tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã theo Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022. Mới đây nhất, Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã cũng nhấn mạnh chủ trương tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2030, với yêu cầu “Tổng kết những vấn đề đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng trong giai đoạn 2019-2021 để hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức thực hiện hiệu quả việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã”.
Nhìn lại kết quả sắp xếp giai đoạn vừa qua, TS. Nguyễn Viết Chức - nguyên đại biểu Quốc hội - cho biết, đây thực sự là bước đột phá, không chỉ bởi kết quả qua những con số tinh giản, tiết kiệm mà quan trọng là khai phá tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm, đưa chủ trương của Trung ương thành hành động. “Sắp xếp đơn vị hành chính là một việc làm mới và rất khó, rất phức tạp. Bởi vì, trong lịch sử nước ta suốt một giai đoạn trước đó, từ Trung ương đến địa phương chỉ thực hiện việc chia tách, tăng nhiều, giảm ít. Do đó, chủ trương tiếp tục sắp xếp đơn vị, tinh giản biên chế của Trung ương là rất đúng đắn” - TS. Nguyễn Viết Chức nhận định.
Tinh giản biên chế, giảm số lượng, tăng chất lượng
Một trong những yêu cầu đặt ra đối với việc sắp xếp các đơn vị hành chính là tinh giản được biên chế. Bên cạnh đó, với nguồn lực được tiết kiệm cho phép địa phương, các cơ quan trong hệ thống chính trị có điều kiện để quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức sau sắp xếp, từ đó giúp nâng cao hiệu quả công việc, phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương.
Kết luận số 48-KL/TW đưa ra các yêu cầu, mục tiêu cụ thể như: Đến năm 2025 hoàn thành sắp xếp đối với đơn vị hành chính cấp huyện, xã có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% quy định... Đến năm 2030, hoàn thành sáp nhập huyện, xã còn lại có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% quy định. Việc sắp xếp huyện, xã phải xác định rõ lộ trình, bảo đảm đồng thuận của nhân dân.
Liên quan đến việc tinh giản biên chế do sắp xếp đơn vị hành chính, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) Phan Trung Tuấn cho hay, bên cạnh những kết quả đạt được, thì quá trình sắp xếp vừa qua vẫn còn có những bất cập cần khắc phục. Điều này đã được Quốc hội, Chính phủ thảo luận sâu rộng và mới đây, trong Kết luận số 48-KL/TW cũng nêu rõ, đó là chưa thực hiện tốt công tác bố trí, sắp xếp và giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư; chất lượng đô thị sau sáp nhập chưa được bảo đảm; việc sắp xếp, tinh giản biên chế một số nơi còn thiếu linh hoạt... “Đây là những hạn chế các địa phương cần phải khắc phục trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính thời gian tới” - ông Tuấn nhấn mạnh.
Nhấn mạnh đội ngũ cán bộ, công chức là trung tâm của việc sắp xếp, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, phải minh bạch, khách quan trong việc sàng lọc, tinh giản cán bộ, công chức với mục tiêu giảm số lượng, nâng chất lượng. “Việc đảm bảo tinh giản biên chế được hay không phụ thuộc rất lớn vào vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu. Vì vậy, Bộ Chính trị coi kết quả thực hiện nhiệm vụ được phân công trong công tác sắp xếp đơn vị hành chính là căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền” - TS. Trần Anh Tuấn - Chủ tịch Hội Khoa học hành chính Việt Nam lưu ý và cho biết thêm, sau sắp xếp, các địa phương cần mau chóng ổn định tình hình và quan tâm hơn nữa về mọi mặt để đội ngũ cán bộ, công chức tập trung công tác tốt.
Với mục tiêu tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, hướng đến việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy để phục vụ nhân dân tốt hơn, Kết luận số 48-KL/TW, Bộ Chính trị đề ra các giải pháp trong quá trình tổ chức thực hiện, đặc biệt là nguồn cán bộ, công chức để việc đưa chủ trương của Trung ương vào cuộc sống đạt được hiệu quả cao nhất. Trong đó, cần “quy định rõ việc sử dụng và lộ trình sắp xếp số lượng biên chế cán bộ, công chức và số lượng cấp phó của các đơn vị hành chính dôi dư sau sắp xếp; về thời gian hưởng các chế độ, chính sách hỗ trợ đặc thù đối với các đơn vị sau khi thực hiện sắp xếp” - Kết luận nêu rõ./.