Giải ngân đầu tư công - Đề cao trách nhiệm người đứng đầu

Góc nhìn - Ngày đăng : 13:20, 16/02/2023

Theo tinh thần chủ đề điều hành năm 2023: “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả” mà Chính phủ đề ra, không chỉ dừng lại ở trách nhiệm của việc giải ngân đầu tư công, cần nhân rộng việc chịu trách nhiệm của người đứng đầu về nhiệm vụ và thời gian cụ thể cần đạt được cho từng vị trí lãnh đạo các cơ quan, các cấp… làm thước đo đánh giá, phân loại chất lượng cán bộ theo kết quả công việc đạt được vào cuối năm…
202181816415_4847.jpeg
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, cần đề cao tinh thần gương mẫu và chủ động sáng tạo của người đứng đầu. Ảnh sưu tầm

Kết thúc năm 2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước ước đạt trên 80,6% kế hoạch, tương ứng gần 540.000 tỷ đồng, đạt chưa đến 93% kế hoạch Thủ tướng giao và thấp hơn năm 2021. Năm 2022, Lào Cai giải ngân tới 95% vốn đầu tư công theo kế hoạch. Một trong những biện pháp làm nên thành công này là quy định của tỉnh kiên quyết không xếp hạng thi đua loại “Hoàn thành tốt nhiệm vụ cả năm” cho người đứng đầu đơn vị nào không giải ngân 100% kế hoạch đầu tư công. Cũng vì lý do đó mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi tự hạ một bậc thi đua, vì tỷ lệ giải ngân đầu tư công năm 2022 của Thành phố này chỉ đạt 68% (thấp hơn chỉ tiêu 95% được giao).

Theo Bộ Tài chính, tổng nguồn vốn kế hoạch đầu tư công từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023 là 756.111,862 tỷ đồng. Trong đó, vốn trong nước là 727.111,86 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 29.000 tỷ đồng và Giao thông vận tải là lĩnh vực được giao vốn đầu tư công nhiều nhất từ trước tới nay với hơn 94.100 tỷ đồng, gấp 1,7 lần năm 2022; tổng vốn đầu tư công của TP. Hồ Chí Minh là hơn 70.000 tỷ đồng bao gồm cả vốn trung ương và vốn địa phương, cao gần gấp 2 lần so với năm 2022. Đến ngày 31/01, tổng số vốn đầu tư công thuộc nguồn NSNN năm 2023 đã phân bổ là 638.613,081 tỷ đồng, đạt 90,32% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao (707.044,198 tỷ đồng). Tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết là 104.611,593 tỷ đồng, chiếm 14,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Việc giải ngân tổng vốn đầu tư công 700.000 tỷ đồng của năm 2023 có ý nghĩa quan trọng trong duy trì động lực tăng trưởng và tạo tác động lan tỏa cho các hoạt động kinh tế chung của cả nước, nâng cao hiệu quả đầu tư công. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ giải ngân số vốn kỷ lục và vốn còn lại của năm 2022 chuyển sang, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp theo tinh thần Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2023 và Chỉ thị số 03/CT-TTg về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Quý Mão 2023. Theo đó, cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân ngay từ đầu năm, tập trung vào tăng cường quản lý chặt chẽ, kỷ luật, kỷ cương, đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng, đề cao tinh thần gương mẫu và chủ động sáng tạo của người đứng đầu, thúc đẩy tiến độ dự án lớn, quan trọng, có tính lan tỏa cao, nhất là công trình giao thông trọng điểm. Các Bộ, ngành và địa phương khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023 theo đúng nguyên tắc, tiêu chí quy định; làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, kiểm tra, rà soát từng dự án, bố trí kế hoạch vốn năm 2023, dự án phải đáp ứng điều kiện bố trí vốn theo quy định của Luật Đầu tư công và Quyết định số 1513/QĐ-TTg ngày 03/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ, cũng như Công văn số 03/BTC-ĐT ngày 03/01/2023 về việc đôn đốc, phân bổ, nhập dự toán Tabmis và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công nguồn NSNN năm 2023 của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Cùng với việc rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách; điều chỉnh quy định pháp lý, giảm thủ tục hành chính quản lý và sử dụng vốn đầu tư công…, các đơn vị và cơ quan chức năng cần thực hiện cơ chế phân công, phối hợp rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án; tập trung xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, có kế hoạch giải ngân từng tháng cho từng dự án, phân công các cán bộ có trách nhiệm bám sát, vừa bám sát kế hoạch, vừa bám sát trên công trường, vừa bám sát công việc cụ thể, thường xuyên kiểm tra giám sát cũng như nắm bắt các vướng mắc, khó khăn có thẩm quyền của các chủ đầu tư để kịp thời giải quyết, đẩy nhanh tiến độ từ hoàn thiện các thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư các dự án khởi công mới; đẩy nhanh tiến độ công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu, tư vấn; thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán; thủ tục quyết toán các dự án; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đang triển khai bảo đảm tiến độ, chất lượng yêu cầu; phối hợp, làm việc với các địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng...

Trong quy định hiện nay, các chức danh cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý cần xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động hằng năm của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, phụ trách, trong đó xác định rõ kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, lượng hóa bằng sản phẩm cụ thể. Kết quả đánh giá, xếp loại này lại là căn cứ quan trọng để bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nâng ngạch hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp, quy hoạch, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên và thực hiện các chính sách khác đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Theo tinh thần chủ đề điều hành năm 2023: “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả” mà Chính phủ đề ra, không chỉ dừng lại ở trách nhiệm của việc giải ngân đầu tư công, cần nhân rộng việc chịu trách nhiệm của người đứng đầu về nhiệm vụ và thời gian cụ thể cần đạt được cho từng vị trí lãnh đạo các cơ quan, các cấp… làm thước đo đánh giá, phân loại chất lượng cán bộ theo kết quả công việc đạt được vào cuối năm…/.

TS. NGUYỄN MINH PHONG