Năm 2023 Hưng Yên vào nhóm 45 tỉnh trong bảng xếp hạng PCI cả nước
Kinh tế - Ngày đăng : 11:55, 21/02/2023
Trong thời gian qua, tỉnh Hưng Yên đã đề ra nhiều giải pháp để bảo đảm các điều kiện tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp dễ dàng, tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy đầu tư như: Lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất kịp thời, cải cách thủ tục hành chính, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giới thiệu địa điểm phù hợp và hỗ trợ thủ tục hành chính thông qua các đơn vị xúc tiến đầu tư của tỉnh... Qua đó góp phần nâng cao chỉ số PCI của tỉnh, thúc đẩy quá trình cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong tiếp cận đất đai, trong công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Sở Tài nguyên và Môi trường Hưng Yên đã tham mưu, giúp việc Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh lập Kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2025 cấp tỉnh; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030; thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của 10 huyện, thị xã, thành phố; trong đó bố trí quỹ đất đáp ứng nhu cầu quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và thu hút các nhà đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố công khai theo quy định, bảo đảm các thông tin đất đai công khai, minh bạch. Các nhà đầu tư có nhu cầu tra cứu thông tin về quy hoạch và địa điểm đầu tư có thể tiếp cận dễ dàng.
Công tác cải cách thủ tục hành chính về đất đai được đặc biệt quan tâm, các thủ tục về đất đai được rút gọn: Thủ tục điều chỉnh thời hạn thuê đất đã được thực hiện giảm từ 15 ngày còn 7 ngày; thủ tục giao đất, thuê đất giảm từ 30 ngày còn 20 ngày; thủ tục thẩm định nhu cầu sử dụng đất đồng thời với điều kiện giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất giảm từ 30 ngày còn 15 ngày. Nhờ đó, các nhà đầu tư đã nhanh chóng tiếp cận thủ tục đất đai, sớm có mặt bằng để triển khai dự án.
Việc cung cấp thông tin đối với các thủ tục hành chính về quy trình, cách thức thực hiện lên cổng thông tin điện tử và các kênh thông tin về dịch vụ công được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, giúp người dân, tổ chức, doanh nghiệp dễ dàng tra cứu, khai thác và sử dụng thông tin liên quan đến thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường. 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tài nguyên và Môi trường được tiếp nhận và nhập cơ sở dữ liệu trên phần mềm một cửa điện tử của tỉnh, người dân, doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ trực tuyến trên phần mềm, theo dõi quá trình giải quyết hồ sơ, nhận kết quả trên phần mềm hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích. Việc thực hiện dịch vụ công mức độ 3 đối với 43 thủ tục hành chính (53,1%), mức độ 4 đối với 38 thủ tục hành chính (46,9%).
Với mục tiêu năm 2023 Hưng Yên vào nhóm 45 tỉnh trong bảng xếp hạng PCI cả nước, trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tỉnh tiếp tục cải thiện chỉ số thành phần tiếp cận đất đai; trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như: Tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác trong thực thi nhiệm vụ tại cơ quan; kiên quyết ngăn chặn, xử lý cán bộ, công chức, viên chức gây nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, chậm trễ giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường phối hợp lập quy hoạch tỉnh, trong đó tích hợp đồng bộ thống nhất các hợp phần quy hoạch; hướng dẫn, đôn đốc các huyện, thị xã, thành phố rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện bảo đảm phù hợp với quy hoạch; đẩy mạnh công tác cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai, môi trường, tài nguyên nước khoáng sản.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; phối hợp chặt chẽ, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các huyện, thị xã, thành phố trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch, sớm bàn giao cho các nhà đầu tư.
Tích cực rà soát để kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các thủ tục hành chính không còn phù hợp; rà soát, ban hành văn bản bám sát nội dung các văn bản cấp trên, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường trong thời gian tới./.