Tạo thế “kiềng ba chân” trong đào tạo nguồn nhân lực
Xã hội - Ngày đăng : 18:48, 22/02/2023
Năng suất lao động vẫn ở mức thấp
Với mục tiêu trở thành nước đang phát triển, công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam xác định năng suất lao động chính là yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, từng địa phương và mỗi doanh nghiệp.
Nhận thấy rõ điều này, Việt Nam đã ban hành khung chính sách nền tảng cho việc cải thiện năng suất lao động, hướng tới ổn định kinh tế vĩ mô và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Nhờ đó, ở cấp độ tổng thể nền kinh tế, năng suất lao động của Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể, tăng 2,5 lần, từ 70,3 triệu đồng/lao động năm 2011 lên 171,8 triệu đồng/lao động năm 2021. Tốc độ tăng trưởng năng suất lao động trong 10 năm 2011-2020 đạt 6%, trong đó, giai đoạn 2011-2015 đạt 5,5% và giai đoạn 2016-2020 đạt 6,4%, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra là 5%.
Tuy nhiên, “Báo cáo về Năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn 2011-2020: Thực trạng và giải pháp” được Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố cho thấy, năng suất lao động của Việt Nam năm 2020 chỉ bằng 11,3% mức năng suất của Singapore, 23% của Hàn Quốc, 24,4% của Nhật Bản, 33,1% của Malaysia, 59,1% của Thái Lan, 60,3% của Trung Quốc, 77% của Indonesia và bằng 86,5% của Philippines.
Năng suất lao động của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á chỉ cao hơn năng suất lao động của Campuchia (gấp 2,4 lần), Myanmar (gấp 1,6 lần), Lào (gấp 1,2 lần).
Một trong những nguyên nhân của thực trạng trên là do thể chế, chính sách còn thiếu đồng bộ, chưa đầy đủ và chưa xác định rõ ràng vai trò, trách nhiệm của Bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện hiệu quả các giải pháp cải thiện năng suất lao động.
Cần cơ chế gắn kết ba bên
Để khắc phục hạn chế trên, theo các chuyên gia, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và người lao động phải có sự gắn kết. Sự gắn kết ba bên này đòi hỏi một cơ chế khuyến khích doanh nghiệp cùng tham gia đào tạo nguồn nhân lực.
Thực tế, Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Để tiếp cận được chính sách hỗ trợ này, doanh nghiệp phải đảm bảo 4 điều kiện theo quy định: Giảm doanh thu có chứng minh báo cáo thuế, đóng đủ bảo hiểm cho người lao động, khó khăn do kinh tế và có phương án đào tạo.
Tuy nhiên, theo ông Đào Trọng Độ - Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), 4 điều kiện trên “rất áp lực” đối với doanh nghiệp, doanh nghiệp phải mất cả tháng mới hoàn thành yêu cầu về thủ tục. Điều này khiến không ít doanh nghiệp nản lòng.
TS Abla Safir - Chuyên gia kinh tế cao cấp, Ngân hàng Thế giới (WB) - cũng cho rằng, tăng năng suất lao động là yếu tố quan trọng đối với phát triển kinh tế của Việt Nam hiện nay. Để làm được điều này, cần phải tạo thế “kiềng ba chân”: Cơ sở đào tạo - doanh nghiệp - người lao động, trong đó, việc doanh nghiệp tham gia đào tạo lao động có vai trò rất quan trọng.
Dù cơ chế, chính sách hỗ trợ đã có nhưng yêu cầu vẫn phức tạp, thiếu hướng dẫn cho doanh nghiệp nên chính sách này triển khai chưa hiệu quả. Do đó, chuyên gia WB khuyến nghị cần đơn giản hóa các quy trình cũng như điều kiện hỗ trợ. Điều này sẽ tạo động lực cho cả doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo, tạo mối liên kết hợp tác giữa các bên phù hợp với bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.
Chia sẻ về định hướng sửa Luật Việc làm, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết, lần sửa đổi này sẽ quy định rõ sự tham gia của Nhà nước, người lao động, người sử dụng lao động, cơ sở đào tạo trong phát triển kỹ năng nghề, đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
Luật Việc làm cũng được sửa đổi theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho việc đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ nghề quốc gia, tăng tính mở và linh hoạt trong việc nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động; bổ sung quy định về chính sách thu hút, khuyến khích người người sử dụng lao động tham gia vào hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; quy định nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển kỹ năng nghề.
Theo các chuyên gia, những định hướng sửa đổi Luật Việc làm nêu trên hết sức cần thiết để tạo cơ chế thuận lợi cho cơ sở đào tạo, doanh nghiệp cùng tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, từ đó góp phần cải thiện năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế./.