“Tiếp sức” cho hộ kinh doanh phát triển thành doanh nghiệp
Kinh tế - Ngày đăng : 09:55, 24/02/2023
Hộ kinh doanh chưa mặn mà chuyển đổi thành doanh nghiệp
Hiện nay, hộ kinh doanh là một trong những chủ thể sản xuất, kinh doanh quan trọng của nền kinh tế. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện cả nước có khoảng hơn 5,5 triệu hộ kinh doanh, là khu vực kinh tế quan trọng, hằng năm đóng góp khoảng 30% trong cơ cấu tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và tạo ra công ăn việc làm lớn cho xã hội. Mặc dù có số lượng lớn, song trên thực tế phần lớn các hộ kinh doanh đều không mặn mà, thậm chí ngại chuyển đổi lên thành DN.
Lý giải nguyên nhân, ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam - cho rằng, theo quy định hiện hành, hộ kinh doanh được áp dụng chính sách thuế khoán, do đó, nếu đăng ký thành lập DN, họ lo lắng nghĩa vụ nộp thuế sẽ lớn hơn. Cùng với đó, khi trở thành DN, cơ sở kinh doanh sẽ phải tuân thủ đầy đủ các quy định liên quan đến kế toán, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường; cũng như phải thực hiện các nghĩa vụ với người lao động về bảo hiểm, an toàn lao động… cao hơn, khiến chi phí hoạt động tăng lên.
Chưa kể, nhiều hộ kinh doanh còn lo lắng khi trở thành DN, quy mô hoạt động lớn hơn, đơn vị sẽ phải đối mặt với áp lực thanh tra, kiểm tra nhiều hơn; cũng như e ngại sẽ phải chi trả chi phí không chính thức lớn. “Theo các kết quả khảo sát về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện và công bố thường niên cho thấy, các DN vẫn thường xuyên phải chi trả những khoản chi phí không chính thức trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, tần suất thanh tra, kiểm tra cũng thường tỷ lệ thuận theo quy mô hoạt động của DN. Đây là một trong những rào cản khiến nhiều hộ kinh doanh không mặn mà với việc chuyển đổi lên thành DN” - ông Nam nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo ông Nam, cũng có một số hộ kinh doanh thực sự có nhu cầu, nguyện vọng mở rộng quy mô, kinh doanh chuyên nghiệp hơn, nhưng lại e ngại vì chưa được trang bị đầy đủ kiến thức pháp luật và kỹ năng quản trị phù hợp, khiến cho chủ hộ kinh doanh cảm thấy thiếu tự tin và lựa chọn tiếp tục chấp nhận hoạt động dưới hình thức hộ kinh doanh.
Chia sẻ từ góc độ một hộ kinh doanh, bà Phạm Thị Lệ - chủ một cơ sở sản xuất tại Hà Nội - cho biết, cơ sở có gần 20 nhân sự, vào những thời điểm đơn hàng nhiều, số lượng nhân sự có thể tăng lên gấp đôi, công việc tương đối bận rộn, tuy nhiên, chúng tôi vẫn khá băn khoăn về việc chuyển đổi lên thành DN. Lý do là bởi những e ngại về việc thủ tục hành chính rườm rà, phải thuê nhân viên để làm sổ sách, giấy tờ về thuế, kế toán... Với những hộ kinh doanh nhỏ, doanh thu hằng năm không quá lớn thì chỉ riêng việc chi phí tăng thêm khoảng 60-70 triệu đồng để thuê kế toán là khoản chi không hề nhỏ. Do đó, khi cân đối bài toán chi phí, nhiều hộ kinh doanh vẫn lựa chọn giữ nguyên mô hình hoạt động mà không chuyển đổi lên thành DN.
Cần tạo lập môi trường kinh doanh công bằng, thông thoáng
Theo các chuyên gia, việc lựa chọn chuyển đổi lên thành DN sẽ đem lại rất nhiều lợi thế cho các hộ kinh doanh. Chẳng hạn, theo quy định tại Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN sẽ được miễn, giảm nhiều loại thuế, phí, lệ phí. Cụ thể như: Được miễn lệ phí đăng ký DN và phí cung cấp thông tin DN lần đầu; miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN lần đầu; miễn, giảm tiền sử dụng đất có thời hạn theo quy định pháp luật về đất đai… Bên cạnh đó, DN trưởng thành từ hộ kinh doanh còn được hỗ trợ công nghệ, thông tin, tư vấn và phát triển nguồn nhân lực… Ngoài ra, khi chuyển đổi lên thành DN, hộ kinh doanh sẽ có tư cách pháp nhân, từ đó có nhiều điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đặc biệt, theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, việc “lớn lên” thành DN là điều kiện cần thiết để các hộ kinh doanh gia tăng được doanh thu, lợi nhuận từ việc mở rộng thị trường. “Trong một ngành nghề, các đối tác thường sẽ ưu tiên lựa chọn “bắt tay” hợp tác với các DN hơn là với hộ kinh doanh; đặc biệt đối với các nhà đầu tư nước ngoài sẽ hiếm có trường hợp họ lựa chọn hộ kinh doanh là bạn hàng. Do đó, muốn lớn mạnh, phát triển hơn, thì tất yếu hộ kinh doanh phải hoạt động theo mô hình DN” - ông Doanh nhấn mạnh.
Mặc dù những lợi ích khi chuyển lên thành DN có thể thấy khá rõ, tuy nhiên, theo các chuyên gia, để thúc đẩy hộ kinh doanh tự nguyện chuyển đổi mô hình kinh doanh, vẫn cần sự đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước. Theo đó, các cơ quan chức năng cần phải tạo ra một “sân chơi” công bằng trong kinh doanh, để các hộ kinh doanh khi chuyển đổi lên thành DN có thể cạnh tranh bình đẳng với các DN có quy mô lớn hơn. Song song với đó, các Bộ, ngành cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, bởi những DN siêu nhỏ đặc biệt nhạy cảm với việc tăng chi phí về thủ tục hành chính. Theo đó, khi chi phí này tăng cao sẽ cản trở nhu cầu, mong muốn chuyển lên thành DN của các hộ kinh doanh.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu thực hiện cải cách các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực kế toán, thuế, để các hộ kinh doanh cảm thấy thuận lợi trong quá trình tuân thủ thủ tục, từ đó mạnh dạn chuyển đổi lên thành DN. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng cần làm tốt hơn nữa công tác vận động, tuyên truyền, trong đó nhấn mạnh vào những điều kiện thuận lợi, lợi ích hộ kinh doanh sẽ nhận được khi chuyển đổi mô hình kinh doanh, để thu hút, khuyến khích hộ kinh doanh đăng ký thành lập DN./.
Nghị quyết số 31/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 đặt ra mục tiêu, đến năm 2025, phấn đấu cả nước có khoảng 1,5 triệu DN. Do đó, nếu thực hiện hiệu quả các giải pháp khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi lên thành DN sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu trên.
Lê Đăng Doanh - Chuyên gia kinh tế