Bước tiến mới để nâng cao chất lượng cán bộ

Công tác xây dựng Đảng - Ngày đăng : 10:02, 24/02/2023

(BKTO) - Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 96-QĐ/TW về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị (Quy định 96). Nhiều chuyên gia nhận định, Quy định này là bước thay đổi mạnh mẽ, quyết liệt, được ví như “lửa thử vàng”, tạo áp lực cần thiết và là thước đo quan trọng để đánh giá năng lực, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý.
3-.jpeg
Các đại biểu lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV. Ảnh: TTXVN

Không còn là kênh thông tin tham khảo

Theo các chuyên gia, Quy định 96 đã có sự kế thừa Quy định số 262-QĐ/TW ngày 08/10/2014 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội (Quy định 262). Đồng thời, Quy định 96 cũng cập nhật tình hình, thể hiện sự đồng bộ, liên thông với Quy định số 41-QĐ/TW ngày 03/11/2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ và Thông báo Kết luận số 20-TB/TW ngày 08/9/2022 của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật.

Điểm mới nổi bật của Quy định 96 là kết quả phiếu tín nhiệm không chỉ được sử dụng để đánh giá cán bộ như Quy định 262 mà còn làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ. Đồng thời, các điều khoản của Quy định 96 được cụ thể hóa, chặt chẽ và nghiêm minh hơn. Theo đó, việc lấy phiếu tín nhiệm là nội dung quan trọng trong đánh giá cán bộ, được thực hiện định kỳ. Đây là bước tiến, khẳng định vai trò của việc lấy phiếu tín nhiệm, bởi trước đó, theo Quy định 262, phiếu tín nhiệm là một trong những kênh thông tin tham khảo quan trọng cho việc đánh giá, bố trí sử dụng cán bộ. Với Quy định 96, việc lấy phiếu tín nhiệm không còn chỉ là kênh thông tin mang “tính chất tham khảo quan trọng” mà đã trở thành nội dung quan trọng trong đánh giá, quy hoạch, sử dụng cán bộ.

Một tiêu chí lấy phiếu tín nhiệm thu hút sự quan tâm của dư luận là xem xét về sự gương mẫu của bản thân, vợ, chồng, con... Thực tế, đây không phải là tiêu chí mới, bởi Quy định 262 đã đề cập đến vấn đề này. Quy định về những điều đảng viên không được làm cũng nêu rõ việc cấm đảng viên để vợ, chồng, con, bố, mẹ, anh, chị... và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác của mình để trục lợi. Tuy nhiên, có lúc, có nơi việc thực hiện các quy định này chưa tốt; một số cán bộ lãnh đạo và người thân chưa nêu gương trong thực hiện các chính sách của Nhà nước, quy định của pháp luật. Do vậy, việc nhấn mạnh tiêu chí “sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước” trong Quy định 96 đã được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đánh giá cao…

Tránh việc lấy phiếu mang tính hình thức

Quy định 96 sẽ trở thành một thước đo quan trọng phản ánh năng lực, hiệu quả hoạt động của cán bộ lãnh đạo, quản lý so với trước đây. Với những nội dung cụ thể, rõ ràng, Quy định này vừa là tiêu chí để từng cán bộ tự phê bình, “tự soi, tự sửa” lại mình, đồng thời cũng là động lực để họ tiếp tục nỗ lực, phấn đấu tự hoàn thiện bản thân. Qua đó, đội ngũ cán bộ các cấp sẽ nâng cao năng lực lãnh đạo, uy tín để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao…

Trao đổi với báo chí, ông Lê Văn Thái - nguyên Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương - cho rằng, bỏ phiếu đánh giá cán bộ đòi hỏi phải có sự cân nhắc kỹ lưỡng, vì thế, càng cụ thể càng tốt. Để phiếu đánh giá cán bộ thực sự phát huy hiệu quả trong việc sử dụng cán bộ, ông Lê Văn Thái cho rằng, cần có những hướng dẫn chi tiết, cụ thể hơn nữa, tránh việc lấy phiếu cho có, hình thức và tránh mọi sự cảm tính. “Với những cán bộ được đưa ra để lấy phiếu tín nhiệm, cần chuẩn bị sẵn một bộ hồ sơ về họ, bao gồm đầy đủ những nhận xét đánh giá của cơ quan, đơn vị có đầy đủ chức năng giám sát tại chỗ có thể nhận xét, đánh giá họ ở cơ quan, nơi cư trú, kể cả đối với vợ chồng, con cái họ” - ông Thái nêu ý kiến.

Để có thể ngăn ngừa, hạn chế việc cảm tính trong lấy phiếu tín nhiệm, PGS,TS. Nguyễn Văn Giang - nguyên Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - đề xuất, trước hết, cần phải tuyên truyền, giáo dục, nâng cao trách nhiệm của những người tham gia bỏ phiếu. Thứ hai, phải làm tốt công tác cung cấp thông tin để những người bỏ phiếu tín nhiệm có căn cứ. Thứ ba, phải thường xuyên củng cố, làm trong sạch tổ chức Đảng cũng như các cơ quan, đặc biệt phải xử lý trường hợp có dấu hiệu mất đoàn kết để đảm bảo khi lấy phiếu tín nhiệm, cán bộ tham gia bỏ phiếu tín nhiệm phải ở trong một tổ chức lành mạnh, không bè phái, chia rẽ, lôi kéo.

Tại Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện các văn bản mới của Trung ương về công tác tổ chức xây dựng Đảng diễn ra mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cho biết, việc thực hiện Quy định 262 đã đạt nhiều kết quả nổi bật song vẫn còn một số hạn chế nhất định. Đó là, một bộ phận người đứng đầu, lãnh đạo, cấp ủy, tổ chức đảng triển khai chưa sâu sắc, chưa nhận thức đầy đủ việc lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng; một số trường hợp chưa phản ánh thực chất kết quả công việc, năng lực, phẩm chất đạo đức của người cán bộ được lấy phiếu tín nhiệm; còn tình trạng nể nang, chưa khách quan, công tâm, cục bộ, lợi ích nhóm… Do vậy, từng cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu cần nhận thức sâu sắc, khắc phục triệt để những hạn chế, để việc lấy phiếu tín nhiệm theo Quy định 96 đi vào thực chất, từ đó đánh giá cán bộ đúng hơn, quy hoạch và đề bạt, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ cũng chính xác hơn…/.

Các cấp ủy, tổ chức Đảng cần phải tiến hành rà soát cán bộ trước khi lấy phiếu tín nhiệm. Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc cần chủ động giám sát việc lấy phiếu tín nhiệm để hoạt động này đạt kết quả thực chất, bảo đảm niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với Đảng.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai

LÊ HÒA