Cần bức tranh tổng thể về đầu tư mua sắm, sử dụng phần mềm công nghệ thông tin

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 19:23, 24/02/2023

(BKTO) - Đó là yêu cầu của lãnh đạo KTNN cũng như đại diện các đơn vị trực thuộc đặt ra khi góp ý cho Dự thảo Đề cương kiểm toán Chuyên đề “Việc đầu tư mua sắm, ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin, các hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin giai đoạn 2020 -2022”.
1quang-canh.jpg
Lãnh đạo KTNN và đại diện một số đơn vị trực thuộc KTNN họp với KTNN chuyên ngành VII để cho ý kiến về Đề cương kiểm toán Chuyên đề. Ảnh: Hồng Nhung

Ngày 24/02, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đã nghe KTNN chuyên ngành VII báo cáo về Dự thảo Đề cương cuộc kiểm toán chuyên đề “việc đầu tư mua sắm, ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin, các hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin giai đoạn 2020-2022”.

Một lĩnh vực kiểm toán khó, cần huy động trí tuệ của toàn Ngành

Đại diện cho đơn vị được giao chủ trì xây dựng Đề cương và tổng hợp kết quả kiểm toán, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VII Vũ Văn Cường khẳng định: Việc kiểm toán hoạt động đầu tư mua sắm (ĐTMS), ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin (CNTT), hoạt động thuê dịch vụ CNTT tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý và sử dụng tài sản nhà nước là cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu của Quốc hội và xã hội, cung cấp bức tranh tổng thể của một xu hướng phát triển, đầu tư mới, đồng thời kịp thời cảnh báo, ngăn chặn hiện tượng lãng phí, kém hiệu quả, tăng tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực của các hoạt động trên.

vu-van-cuong-ktt-cn7.jpg
Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VII Vũ Văn Cường khẳng định sự cần thiết của việc xây dựng, ban hành Đề cương kiểm toán Chuyên đề. Ảnh: Hồng Nhung

Theo Dự thảo Đề cương, việc thực hiện kiểm toán Chuyên đề này nhằm đánh giá việc sử dụng, quản lý kinh phí và tuân thủ pháp luật, chế độ, chính sách tại các dự án/gói thầu CNTT (thông qua chọn mẫu) trong việc ĐTMS, thuê dịch vụ CNTT giai đoạn 2020-2023; đánh giá hiệu quả việc ứng dụng phần mềm CNTT trong hoạt động tại đơn vị.

 Theo báo cáo kết quả giám sát Chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” của Quốc hội, việc quản lý, sử dụng, ĐTMS phần mềm CNTT, thiết lập mới hoặc mở rộng, nâng cấp ứng dụng phần mềm CNTT và các hoạt động thuê dịch vụ CNTT tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý và sử dụng tài sản nhà nước còn nhiều hạn chế, thất thoát, lãng phí, tiêu cực, sử dụng kém hiệu quả.

Việc kiểm toán Chuyên đề này nhằm cung cấp thông tin, số liệu tin cậy, kịp thời cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong lãnh đạo, chỉ đạo, cung cấp cho Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền thực hiện chức năng kiểm tra, điều tra, giám sát quá trình quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công...

Về nội dung kiểm toán chung, các đoàn kiểm toán sẽ kiểm toán tổng hợp: Xây dựng kiến trúc Chính phủ điện tử/CNTT tổng thể, lập và triển khai các kế hoạch phát triển CNTT; thiết lập cơ chế chính sách; chế độ thống kê, báo cáo; hoạt động ĐTMS phần mềm CNTT, thuê dịch vụ CNTT; ứng dụng phần mềm CNTT trong thực tế; việc thiết lập và triển khai hệ thống giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán CNTT.

Các đoàn kiểm toán cũng sẽ kiểm toán chi tiết các nhóm nội dung liên quan tới: Hoạt động đầu tư mua sắm phần mềm CNTT, hoạt động thuê dịch vụ CNTT, việc ứng dụng phần mềm CNTT trong thực tiễn đơn vị.

Phạm vi kiểm toán là hoạt động ĐTMS và ứng dụng phần mềm CNTT, các hoạt động thuê dịch vụ CNTT giai đoạn 2020-2022 và các thời kỳ trước, sau có liên quan.

KTNN dự kiến thực hiện kiểm toán Chuyên đề tại Bộ Tư pháp, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam và các tỉnh Ninh Bình, Bà Rịa - Vũng Tàu.

KTNN tổ chức kiểm toán Chuyên đề lồng ghép với kiểm toán ngân sách bộ, ngành, ngân sách địa phương. Các đơn vị được giao nhiệm vụ kiểm toán Chuyên đề gồm: KTNN các chuyên ngành: II, III, VII và KTNN các khu vực: XI, XIII.

le-anh-vu-cn7.jpg
TS. Lê Anh Vũ - KTNN chuyên ngành VII báo cáo thêm về một số nội dung trong Dự thảo
Đề cương kiểm toán. Ảnh: Hồng Nhung

Để cuộc kiểm toán Chuyên đề được triển khai hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, KTNN chuyên ngành VII kiến nghị lãnh đạo KTNN lựa chọn công chức am hiểu, có kinh nghiệm, năng lực, trình độ cao về CNTT của các đơn vị khác trong Ngành tham gia kiểm toán và huy động thêm một số kỹ sư/chuyên gia CNTT theo hình thức sử dụng chuyên gia.

Tại cuộc họp, các ý kiến đều cho rằng chủ đề của cuộc kiểm toán là lĩnh vực khó, cần huy động trí tuệ của toàn Ngành; đồng thời đánh giá cao sự chuẩn bị Dự thảo Đề cương công phu của KTNN chuyên ngành VII. Dự thảo Đề cương đã được tiếp thu, chỉnh sửa theo ý kiến của các đơn vị tham gia.

Hướng đến những yêu cầu của Quốc hội

Góp ý vào Dự thảo Đề cương kiểm toán, TS. Lê Đình Thăng - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II - cho rằng: Việc tổ chức cuộc kiểm toán phải bám sát những vấn đề lớn mà Quốc hội đặt ra đối với KTNN. Đó là phải phác thảo được một bức tranh tổng thể trên toàn quốc về sử dụng kinh phí cho việc ĐTMS, ứng dụng phần mềm, hoạt động của các phần mềm này trong thực tế, tính đồng bộ và tính hệ thống như thế nào.

le-dinh-thang-2.jpg
TS. Lê Đình Thăng: Việc tổ chức cuộc kiểm toán phải bám sát những vấn đề lớn mà Quốc hội đặt ra đối với KTNN. Ảnh: Hồng Nhung

Chung quan điểm trên, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Hoàng Phú Thọ kỳ vọng bức tranh tổng thể này phải có cả “điểm sáng” và “điểm tối”, phải có “đậm” “nhạt”. Cụ thể hơn, bên cạnh việc chỉ ra những điểm bất cập, cuộc kiểm toán cần đánh giá được phần mềm nào có khả năng ứng dụng cao, Bộ, ngành nào đã thực hiện hiệu quả hoạt động này.

Nhấn mạnh yêu cầu của Quốc hội đặt ra đối với KTNN, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung nhấn mạnh cuộc kiểm toán Chuyên đề này phải phác thảo được bức tranh tổng thể về quản lý, phân bổ, sử dụng kinh phí cho việc ĐTMS các phần mềm, mức độ ứng dụng CNTT.

ha-thi-my-dung-2.jpg
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung nhấn mạnh cách tư duy, tiếp cận kiểm toán. Ảnh: Hồng Nhung

“Để thực hiện mục tiêu này, chúng ta phải có cách tư duy, tiếp cận từ các nghị quyết, quyết định liên quan của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ” – Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung lưu ý, đồng thời yêu cầu không đi vào quá sâu việc kiểm toán các dự án chi tiết cụ thể, cân nhắc bổ sung đơn vị được kiểm toán là Bộ Thông tin và Truyền thông.

Để phác thảo được bức tranh tổng quát với các yêu cầu nêu trên, nhiều ý kiến đã đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tổng hợp số liệu một cách có hệ thống trên phạm vi toàn quốc.

Một đề xuất quan trọng được đại diện các đơn vị nhấn mạnh tại cuộc họp là phải đánh giá việc thiết lập chính sách về CNTT có đảm bảo tính đồng bộ, hệ thống, trọng tâm, trọng điểm không; trách nhiệm của các Bộ, ngành trong việc thiết lập chính sách; việc thiết kế chính sách có phù hợp với mục tiêu chung của quốc gia không. Đơn vị được kiểm toán có ban hành chính sách kịp thời, đảm bảo quản lý, vận hành phần mềm chưa. Đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của cuộc kiểm toán.

Ngoài ra, đại diện các đơn vị cũng đã cho ý kiến tập trung vào các vấn đề: Mục tiêu, phạm vi, phương pháp kiểm toán; vấn đề chọn mẫu; việc sử dụng đội ngũ chuyên gia về CNTT, học hỏi kinh nghiệm quốc tế về kiểm toán CNTT; xây dựng tiêu chí đánh giá để tổng hợp bức tranh tổng thể của quốc gia...

Đánh giá hiệu quả đầu tư đối với người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế

Tổng Kiểm toán Ngô Văn Tuấn đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trí tuệ tại cuộc họp; đồng thời nhấn mạnh thêm một số vấn đề.

Cụ thể, Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu kiểm toán Chuyên đề này cần đánh giá được việc đầu tư cho CNTT có tương xứng không, trong quá trình đầu tư có thất thoát không; tính hiệu quả của việc ĐTMS, mua sắm có đúng và trúng không, người dân, DN hưởng lợi gì từ việc đầu tư này.

Nhất trí với ý kiến của Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ, Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh: “Cuộc kiểm toán Chuyên đề cần đánh giá xem việc đầu tư cho CNTT của Việt Nam tương đồng với các nước trong khu vực và thế giới như thế nào, việc đầu tư này mang lại hiệu quả như thế nào đối với tăng trưởng GDP”.

sep-tuan-02.jpg
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn lưu ý kiểm toán để đánh giá tính hiệu quả của việc đầu tư cho CNTT tại Việt Nam. Ảnh: Hồng Nhung

Theo Tổng Kiểm toán nhà nước, việc đánh giá tính hiệu quả phải dựa trên các văn bản quy phạm pháp luật, các đề án mua sắm CNTT. Một vấn đề quan trọng nữa là phải định hình được những nội dung cần báo cáo với Quốc hội để từ đó lựa chọn lại đầu mối kiểm toán, yêu cầu địa phương cung cấp tài liệu, báo cáo liên quan.

Để thực hiện tốt cuộc kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước cũng lưu ý vấn đề xây dựng đề cương kiểm toán cho từng đầu mối, thu thập số liệu có hệ thống, xây dựng cơ chế đánh giá các phần mềm, sử dụng chuyên gia để hỗ trợ việc đánh giá. Cuối cùng, cần xây dựng kịch bản điều hành khoa học trên cơ sở đề cương chi tiết, có phân công nhiệm vụ rõ ràng, lộ trình và bước đi cụ thể để đảm bảo tổ chức thực hiện tốt cuộc kiểm toán./.

THÀNH ĐỨC - HỒNG NHUNG