Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình các dự án luật, kiên quyết không chậm, không lùi, không hoãn

Chính trị - Ngày đăng : 08:17, 25/02/2023

(BKTO) - Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính khi chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật tháng 02/2023, ngày 23/02, tại Trụ sở Chính phủ.
1(1).jpg
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Chính phủ

Tại phiên họp, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến về 3 đề nghị xây dựng luật: Luật Thủ đô (sửa đổi), Luật Phòng không nhân dân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; 4 dự án luật gồm: Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi), Luật Viễn thông (sửa đổi), Luật Quản lý công trình quốc phòng, khu quân sự.

Về đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), Thủ tướng và các đại biểu nhấn mạnh yêu cầu cần bám sát để thể chế hóa tối đa các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội liên quan đến Thủ đô Hà Nội, nhất là Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tinh thần chung là rà soát, nghiên cứu, chọn lọc các cơ chế, chính sách đã được cấp có thẩm quyền cho phép áp dụng thí điểm, đặc thù với các tỉnh, thành phố khác, nếu thực tiễn đã chứng minh là đúng và phù hợp với điều kiện của Hà Nội thì đưa vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Có cơ chế, chính sách đặc thù nhưng bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, tạo động lực, xung lực mới cho Thủ đô phát triển, với tinh thần như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo là "Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước", nhất là các cơ chế đầu tư, tài chính để huy động hợp tác công tư, thu hút các nguồn lực...

Về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Thủ tướng và các đại biểu nhấn mạnh yêu cầu cần đánh giá tác động thật kỹ lưỡng vì Luật có tác động rất lớn đến xã hội và toàn dân, liên quan đến quyền hiến định của người dân về quyền sở hữu nhà ở; chính sách phát triển nhà ở; hướng tới tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc trong thực tế đang tồn tại.

Cần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật, đặc biệt là Luật Đất đai đang được sửa đổi; cải cách tối đa thủ tục hành chính, bảo đảm thuận lợi cho người dân tiếp cận, sở hữu, mua bán, chuyển nhượng nhà ở và tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc xây dựng, triển khai các dự án, chuyển nhượng dự án cho phù hợp với thực tiễn.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước về nhà ở, tăng cường vai trò của chính quyền địa phương trong việc chăm lo nhà ở cho người dân, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, nhu cầu của từng địa phương, với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau…

Về dự án Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi), Thủ tướng và các đại biểu nhấn mạnh cần thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về quản lý và phát triển thị trường bất động sản; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể liên quan; vấn đề nào thị trường làm tốt thì Nhà nước không cần can thiệp; cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc, phát triển thị trường an toàn, lành mạnh, bền vững.

Về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), Thủ tướng và các đại biểu nhấn mạnh yêu cầu thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về viễn thông, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cùng với đó, nghiên cứu tiếp thu có chọn lọc các thông lệ quốc tế có liên quan, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam…

Về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Thủ tướng và các đại biểu đề nghị đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với giám sát, kiểm tra và phân bổ nguồn lực hợp lý trong quản lý, tổ chức đấu giá tài sản. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; thúc đẩy công khai, minh bạch, huy động được nguồn lực xã hội nhưng có công cụ để ngăn chặn sai phạm, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thất thoát tài sản. Cần có quy định đặc thù về đấu giá tài sản cho các tài sản đặc biệt.

Kết luận chung về phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian qua, thực hiện các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đã tập trung cao độ, quyết liệt thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá chiến lược về xây dựng và hoàn thiện thể chế.

Năm 2022, Chính phủ đã họp 9 phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật và Thường trực Chính phủ cũng thường xuyên tổ chức các cuộc họp để xử lý, giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan tới thể chế, cơ chế, chính sách.

Năm 2023 là năm bản lề trong thực hiện các mục tiêu Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ của năm 2023 và cả giai đoạn, đòi hỏi chúng ta phải chủ động, tích cực hoàn thành tốt các nhiệm vụ, trong đó có 3 đột phá chiến lược, gồm đột phá chiến lược về xây dựng và hoàn thiện thể chế. Trong chưa đầy 2 tháng đầu năm 2023, Chính phủ đã tổ chức 2 phiên họp chuyên đề pháp luật, xem xét, cho ý kiến 11 dự án luật, đề nghị xây dựng luật.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Về một số nhiệm vụ quan trọng thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh năm 2023, các đồng chí Bộ trưởng khẩn trương chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các đề nghị xây dựng luật; gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp đưa vào Chương trình, hoàn thiện hồ sơ đề nghị, bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Về chuẩn bị các nội dung cho kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, đối với các Bộ, ngành có dự án luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình, bảo đảm tiến độ, chất lượng, kiên quyết không chậm, không lùi, không hoãn, không rút ra khỏi Chương trình.

Đối với các Bộ, ngành có dự án luật trình thông qua tại Kỳ họp, đề nghị các đồng chí Bộ trưởng chỉ đạo phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý, hoàn thiện; chủ động truyền thông chính sách, tạo sự đồng thuận khi trình cấp có thẩm quyền; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định./.

HỒNG NHUNG