Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát lệnh lễ khởi công đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và Cao tốc Sơn La

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 17:24, 26/02/2023

Sáng ngày 26/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự lễ và phát lệnh khởi công đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và Cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu).
dsc_2239.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc; Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình; Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long dự lễ và phát lệnh khởi công dự án. Ảnh: N.LỘC

Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc; Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình; Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long; lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và tỉnh Hòa Bình.

Đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu) có tổng chiều dài khoảng 50 km gồm 2 đoạn tuyến. Đó là đoạn từ huyện Kim Bôi kết nối với trục cao tốc quy hoạch Hòa Lạc – Hòa Bình và đoạn tuyến phát triển theo tuyến cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu; tổng mức đầu tư hơn 4.120 tỷ đồng, dự kiến khánh thành vào năm 2027.

dsc_2190(1).jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khởi công dự án. Ảnh: N.LỘC

Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương tỉnh Hòa Bình đã tập trung thực hiện 1 trong 3 đột phá chiến lược, đó là đột phá về hạ tầng, cụ thể là hạ tầng giao thông. Tỉnh đã nỗ lực để khởi công dự án; các đơn vị nhà thầu tập trung các điều kiện, thiết bị, máy móc, sẵn sàng tập trung thi công dự án.

Thủ tướng đề nghị nhân dân trong vùng, nhất là người dân bị ảnh hưởng bởi dự án, tiếp tục ủng hộ, tạo điều kiện cho triển khai dự án, qua đó biến tiềm lực của địa phương thành nguồn lực phát triển, tạo không gian phát triển mới. Cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân đoàn kết, thống nhất, giải quyết thỏa đáng di dời, tái định cư theo quy định của pháp luật, đảm bảo cuộc sống, nơi ở mới tốt hơn, ít nhất bằng mức sống và nơi ở cũ.

Đối với các nhà thầu thi công, tư vấn giám sát, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ động, tích cực triển khai các dự án thành phần, bảo đảm đạt tiêu chí mẫu mực về quản lý tiến độ - chất lượng - mỹ quan trong thi công các hạng mục công trình; không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm; thực hiện đúng các quy định pháp luật về quản lý, đầu tư dự án, đảm bảo an toàn lao động và vệ sinh môi trường.

Thủ tướng đề nghị địa phương, doanh nghiệp cần tập trung nguồn lực, nỗ lực cao nhất để phấn đấu hoàn thành Dự án sớm hơn kế hoạch, trên tinh thần “đã nói là làm; đã cam kết phải thực hiện; đã thực hiện phải có hiệu quả đo đếm, nhìn thấy được; nhân dân phải được nhìn thấy, thụ hưởng sản phẩm”.

Thủ tướng tin tưởng dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và Cao tốc Sơn La sẽ sớm được hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng, bảo đảm chất lượng, tiến độ, góp phần quan trọng cho sự phát triển toàn diện của tỉnh Hòa Bình, các địa phương trong vùng và cả nước.

Tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và tỉnh Hòa Bình đã thực hiện nghi thức phát lệnh khởi công xây dựng đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và Cao tốc Sơn La.

dsc_2264.jpg
Đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ đã dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hòa Bình năm 2023. Ảnh: N.LỘC

Tiếp đó, Đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ đã dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hòa Bình năm 2023.

Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hòa Bình năm 2023 là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng, có sức lan tỏa cao, nhằm giới thiệu tiềm năng, lợi thế và thu hút đầu tư, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, các địa phương trong vùng và cả nước.

Tại hội nghị này, tỉnh Hòa Bình đã lựa chọn, trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 16 nhà đầu tư đại diện thực hiện 16 dự án vào tỉnh với tổng vốn đầu tư gần 49 nghìn tỷ đồng (tương đương trên 2 tỷ USD). Đây là lượng vốn đầu tư lớn đối với địa phương, là tin vui, tín hiệu tốt đối với kinh tế - xã hội của Tỉnh và cả nước.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng nhiệt liệt biểu dương, chúc mừng sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Hoà Bình và những thành tích, kết quả phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư của tỉnh đã đạt được, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước.

Đánh giá cao những tiềm năng phát triển của tỉnh, Thủ tướng yêu cầu tỉnh phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và các địa phương liên quan khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Luật Quy hoạch, có căn cứ khoa học và cơ sở thực tiễn, đảm bảo chất lượng, tư duy đổi mới, có tầm nhìn chiến lược, dài hạn, liên kết với các tỉnh, thành phố trong cả nước và quốc tế. Đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả, lấy quy hoạch làm cơ sở quản lý phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

dsc_2403.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương chúc mừng các doanh nghiệp được chấp thuận chủ trương đầu tư tại tỉnh Hòa Bình. Ảnh: N.LỘC

Huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực Nhà nước, tư nhân và các nguồn lực hợp pháp khác để tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, đảm bảo đồng bộ, hiện đại, trong đó ưu tiên đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược, kết nối Hòa Bình với các địa phương trong nước và quốc tế.

Tập trung xây dựng các cơ chế chính sách ưu tiên và bố trí nguồn lực hợp lý cho phát triển vùng động lực; tăng cường hợp tác, liên kết phát triển kinh tế vùng với các tỉnh, thành phố lân cận và cả nước; trước hết với thành phố Hà Nội nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, tiêu thụ hành hóa nông sản và khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển du lịch, dịch vụ và công nghiệp chế biến.

Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, xây dựng Chính quyền điện tử, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư. Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, vi phạm quy định…

Chú trọng kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc theo tinh thần doanh nghiệp, nhà đầu tư phải được hỗ trợ tốt nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất, từ tìm hiểu, lập dự án đầu tư đến cả quá trình sản xuất kinh doanh.... 

* Trước đó, trong chương trình công tác tại tỉnh Hòa Bình, chiều 25/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn công tác của Chính phủ đã tới dâng hương tại Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khuôn viên Nhà máy Thủy điện Hòa Bình; kiểm tra tình hình thi công công trình mở rộng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình; thăm Khu nhà ở xã hội ở phường Quỳnh Lâm và thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng ở thành phố Hòa Bình.

Trong những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền, sự chung sức đồng lòng nỗ lực của quân và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hòa Bình đạt khá cao, năm 2022 đạt 9,03%, cao hơn bình quân cả nước, tình hình an sinh xã hội được ổn định và giữ vững. 

Năm 2022, toàn tỉnh có 75 dự án đầu tư trong nước được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy phép đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 35 nghìn tỷ đồng. Lũy kế đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có tổng số 729 dự án đang hoạt động, trong đó, có 37 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký khoảng 608 triệu USD và 692 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 183 nghìn tỷ đồng.

N.LỘC