Các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Chậm tiến độ khiến nhiều dự án phải hủy vốn

Kết quả kiểm toán - Ngày đăng : 09:55, 27/02/2023

(BKTO) - Việc xây dựng hiệp định, báo cáo nghiên cứu khả thi chưa sát thực tế; giao vốn và giải ngân vốn chưa kịp thời, hiệu quả sử dụng vốn thấp; tiến độ thực hiện các chương trình, dự án chậm, tỷ lệ giải ngân thấp… là những vấn đề nổi cộm được Kiểm toán nhà nước (KTNN) chỉ rõ qua kiểm toán việc quản lý và sử dụng kinh phí đối với các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA giai đoạn 2015-2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT).
00b533f83b17e149b806.jpg

KTNN chỉ rõ những thiếu sót trong việc quản lý và sử dụng kinh phí đối với các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA giai đoạn 2015-2020 của Bộ GDĐT. Ảnh tư liệu

Quy trình thực hiện kéo dài và còn nhiều sai sót

Theo báo cáo của Bộ GDĐT, giai đoạn 2015-2020, Bộ triển khai thực hiện 24 chương trình, dự án từ nguồn vốn ODA, trong đó có 13/24 dự án đã hoàn thành, 11/24 dự án đang thực hiện. Qua kiểm toán cho thấy, về cơ bản công tác lập, đề xuất chương trình và sử dụng kinh phí dự án theo quy định. Tuy nhiên, quá trình thương thảo, thống nhất ý kiến với nhà tài trợ thường chậm, kéo dài, phải đáp ứng quy trình của cả hai bên nên khi dự án được phê duyệt đã ảnh hưởng lớn tới tính thời sự, cấp thiết của nhiệm vụ. Điển hình như Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (RGEP), lộ trình xây dựng, ban hành chương trình, sách giáo khoa mới đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 nhưng quá trình xây dựng Dự án mất hơn 1 năm, đến ngày 07/7/2016, Hiệp định tài trợ mới được duyệt.

Hằng năm, các ban quản lý dự án lập kế hoạch hoạt động, dự toán kinh phí gửi Bộ GDĐT cân đối và giao dự toán cho các chương trình, dự án. Tuy nhiên, một số nội dung phê duyệt trong Báo cáo nghiên cứu khả thi có sự khác biệt với Sổ tay quản trị chương trình. Một số dự án do khâu thẩm định phải qua nhiều khâu, thời gian thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi kéo dài mới được phê duyệt.

Kết quả kiểm toán chỉ rõ, Bộ GDĐT không thực hiện phê duyệt kế hoạch tổng thể của 23/24 chương trình, dự án, điều này dẫn đến không có cơ sở đánh giá tiến độ và so sánh kết quả, mục tiêu đạt được hằng năm với kế hoạch tổng thể. Bên cạnh đó, việc lập kế hoạch hằng năm của Bộ còn chậm, phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần. Kế hoạch hằng năm đều không bám sát theo tiến độ của Báo cáo nghiên cứu khả thi, có nội dung thay đổi, không thực hiện so với kế hoạch của chương trình.

Giai đoạn 2015-2020, tổng dự toán vốn giao là hơn 11.500 tỷ đồng. Qua kiểm toán cho thấy, tốc độ giải ngân của các dự án ODA không đều nhau, do đó phải điều chỉnh vốn giữa các chương trình, dự án, tuy nhiên, quá trình này mất nhiều thời gian, liên quan đến nhiều cơ quan, Bộ, ngành. Một số chương trình, dự án thiết kế cơ cấu vốn chưa tuân thủ theo Luật Ngân sách nhà nước và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công.

Kiểm tra chi tiết tại Chương trình phát triển giáo dục trung học giai đoạn 2 (khoản vay chương trình chính sách) cho thấy việc xây dựng tiêu chí không phù hợp về nội dung đầu tư để lựa chọn danh mục đầu tư và phân bổ vốn, dẫn đến việc phân bổ vốn cho các đơn vị chưa đúng nội dung được phê duyệt, chưa phù hợp với tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân; phân bổ vốn cho các địa phương khi chưa có quyết định phê duyệt dự án, chưa phù hợp với quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư… Còn Chương trình ETEP (Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông) bố trí nguồn vốn vay theo tỷ lệ phê duyệt Đề án vượt 11,7 tỷ đồng.

Trong công tác thanh, quyết toán vốn ODA, kiểm toán chi tiết 4 dự án, cho thấy một số gói thầu nghiệm thu, thanh toán khối lượng còn sai sót so với thiết kế, bản vẽ hoàn công; KTNN phát hiện, giảm trừ giá trị thanh toán, quyết toán hơn 9,1 tỷ đồng.

Hầu hết các hoạt động bị chậm tiến độ

Về tiến độ thực hiện các chương trình, dự án, kết quả kiểm toán cho thấy, hầu hết các hoạt động của các dự án bị chậm tiến độ, dẫn đến 7 dự án phải xin gia hạn từ 1-5 năm. Nhiều hoạt động phải điều chỉnh, cắt giảm, dẫn đến một số chương trình, dự án phải hủy vốn như: Dự án RGEP hủy 43,03 triệu USD, Chương trình ETEP đề nghị cắt giảm vốn vay 19 triệu USD, Dự án Nâng cao chất lượng giáo dục đại học (SAHEP) đề nghị hủy 54,8 triệu USD, Dự án Xây dựng Trường Đại học Việt Đức đề nghị hủy 11,5 triệu USD.

Tỷ lệ giải ngân của các dự án cũng đạt tỷ lệ thấp. Cụ thể, đối với nguồn vốn vay ODA chi đầu tư phát triển (ĐTPT) giải ngân đạt 81%, chi sự nghiệp đạt 78%; đối với nguồn vốn đối ứng trung ương, chi ĐTPT đạt 97%, chi sự nghiệp đạt 91%. Trong đó, có một số chương trình, dự án tỷ lệ giải ngân rất thấp như: Dự án SAHEP chi ĐTPT giải ngân được 22% đối với vốn vay và 37% đối với vốn đối ứng trung ương; Dự án Nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu khoa học, khám và chữa bệnh tại Trường Đại học Y dược và Bệnh viện Trường Đại học Y dược, Đại học Huế, đối với vốn vay ODA chi ĐTPT chỉ giải ngân được 7%, chi sự nghiệp giải ngân đạt 23%; đối với nguồn vốn đối ứng, chi ĐTPT và chi sự nghiệp đều giải ngân được 24%.

Tính đến thời điểm kiểm toán (tháng 4/2021), có 10 dự án nằm trong giai đoạn 2015-2020 phải làm thủ tục điều chỉnh, sửa đổi chủ trương đầu tư, văn kiện, hiệp định dự án hoặc giãn tiến độ theo quy định; có 4 chương trình, dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư do cắt giảm một số hoạt động không cần thiết, không có tính khả thi, một số hoạt động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 nên không triển khai được, một số dự án bổ sung thêm hoạt động theo yêu cầu của nhà tài trợ.

Cũng tại thời điểm kiểm toán, Bộ GDĐT đang thực hiện thủ tục gia hạn, tái cấu trúc 4 chương trình, dự án vay ODA, vay WB, tổng vốn IDA (vốn vay ưu đãi) dư 142,9 triệu USD, Bộ đã báo cáo cấp có thẩm quyền và thực hiện thủ tục hoàn trả lại ngân sách nhà nước theo quy định. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do thời hạn thực hiện dự án ODA cho giáo dục và đào tạo thường kéo dài nên thiết kế dự án ban đầu dễ trở nên lạc hậu, trong khi quy trình thủ tục điều chỉnh dự án còn phức tạp, mất nhiều thời gian. Mặt khác, do phạm vi triển khai rộng, chủ yếu tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, năng lực quản lý dự án còn yếu, dẫn đến việc triển khai còn chậm trễ; công tác quản lý tài chính và giải ngân phức tạp do phải chấp hành cả hai hệ thống quy định của Việt Nam và nhà tài trợ…/.

 Từ kết quả kiểm toán, KTNN kiến nghị Bộ GDĐT chủ động đề xuất và phối hợp với các đơn vị liên quan và nhà tài trợ giải quyết kịp thời các vướng mắc nảy sinh. Đồng thời rà soát, xây dựng và trình kế hoạch tổng thể, xây dựng kế hoạch hằng năm sát thực tế để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân; rút kinh nghiệm trong khâu thiết kế chương trình, dự án để tránh phải điều chỉnh hoặc hủy vốn, làm giảm hiệu quả, hiệu lực trong quản lý, sử dụng vốn ODA.

Đ. KHOA