80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam: Khởi nguồn và động lực phát triển

Chính trị - Ngày đăng : 17:11, 27/02/2023

(BKTO) - Ngày 27/02, Hội thảo khoa học cấp quốc gia "80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển" đã chính thức khai mạc tại Hà Nội theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 63 điểm cầu ở các tỉnh, thành phố.

vh-1.jpg
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: TTXVN

Sự kiện do Ban Tuyên giáo Trung ương (T.Ư); Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Hội đồng Lý luận T.Ư và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam (1943-2023).

Hội thảo có sự tham dự của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư Nguyễn Xuân Thắng. Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa. Các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản Đoàn Minh Huấn…

Một văn kiện mang tầm cương lĩnh

Hội thảo tập trung vào hai nội dung chính: Giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam; Văn hóa con người Việt Nam - Nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

vh-3-mr-xuan-thang.jpg
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng phát biểu đề dẫn Hội thảo. Ảnh: TTXVN

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: Hội thảo là hoạt động có ý nghĩa để tôn vinh, nhận thức rõ hơn về giá trị lịch sử, chính trị, khoa học và tầm vóc thời đại về sự ra đời của Đề cương về văn hóa Việt Nam trong tiến trình phát triển của nền văn hóa và sự nghiệp cách mạng của dân tộc, góp phần triển khai thắng lợi quan điểm, định hướng, mục tiêu và nhiệm vụ phát triển văn hoá, con người trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và kết luận của Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, quán triệt sâu sắc bài phát biểu quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị này.

“Nhìn lại chặng đường 80 năm qua, được thấm nhuần, kết tinh trong những chủ trương, đường lối của Đảng, được kiểm chứng bằng những thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, Đề cương về văn hóa Việt Nam đã tỏa sáng những giá trị cốt lõi của một văn kiện mang tầm cương lĩnh” - đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.

Tham luận tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định: Bên cạnh những giá trị quý báu về nền tảng lý luận, nguyên tắc cốt lõi, những nội dung của Đề cương về văn hóa Việt Nam còn có giá trị thực tiễn lớn lao trong phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong suốt 8 thập niên qua.

Theo Bộ trưởng, trong thời gian tới, chúng ta cần phải nỗ lực vận dụng các nguyên tắc của Đề cương nhằm khơi thông, tối ưu hóa các nguồn lực cho phát triển văn hóa, xây dựng toàn diện con người Việt Nam thông qua hệ thống các giải pháp cải thiện khung khổ thể chế, hoàn thiện chính sách hiện hành; có chính sách phù hợp tại Luật quản lý, sử dụng tài sản công, nhằm phát huy, sử dụng có hiệu quả tài sản kết cấu hạ tầng, thiết chế văn hóa, tài sản đặc thù của văn hóa.

Đồng thời, tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa nhằm chấn hưng văn hóa; hoàn thiện hệ thống chính sách, điều chỉnh xây dựng Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đặt trọng tâm nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập của thị trường văn hóa…

Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản Đoàn Minh Huấn cho rằng, ra đời trong bối cảnh cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc nước ta chuyển biến nhanh chóng, Đề cương về văn hóa Việt Nam không chỉ mang ý nghĩa kiến tạo xây dựng nền văn hóa cách mạng mà còn hiện thân cho tinh thần đấu tranh chống lại chính sách văn hóa thực dân, phát xít, chống lại các tư tưởng phản động hoặc những luận thuyết, trào lưu văn nghệ không có lợi cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc lúc bấy giờ. Các nguyên tắc và tư tưởng tiến bộ trong Đề cương đã mở đường cho cách mạng văn hóa, làm cho nền văn hóa mới nảy nở và phát triển. 

vh-2.jpg
Hội thảo thu hút sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học. Ảnh: TTXVN

Động lực để phát triển đất nước trong giai đoạn mới

Mở đầu phiên chuyên đề thứ hai với chủ đề: Văn hóa, con người Việt Nam - Nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, thực hiện theo chủ trương, quan điểm của Đề cương về văn hóa Việt Nam, văn hóa dân tộc đang có bước phát triển mạnh mẽ, nhất là trong thời kỳ chuyển đổi số. Với tinh thần đại chúng hóa, Việt Nam đang nỗ lực đưa văn hóa phát triển trên đa nền tảng, đến được với mọi tầng lớp nhân dân.

"Chưa bao giờ chúng ta có cơ hội đại chúng hóa văn hóa; thu hẹp khoảng cách tiếp cận, hưởng thụ văn hóa như hiện nay"- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, một trong những xu hướng tiếp cận văn hóa phổ biến hiện nay là hỏi - đáp. Tức là cần thông tin gì sẽ đặt câu hỏi. Vì lẽ đó, chúng ta cần xây dựng được công cụ trợ lý ảo, chẳng hạn như ChatGPT chuyên về văn hóa Việt Nam. Từ đó, mọi công dân Việt Nam, thậm chí là bạn bè quốc tế có cơ hội được vào đối thoại, học hỏi, mở mang hiểu biết mọi lúc, mọi nơi. Đây là cách thức truyền bá văn hóa Việt Nam nhanh, hiệu quả.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, văn hóa muốn phát triển thì cần một ngành công nghiệp, thị trường văn hóa đủ mạnh. Công nghiệp văn hóa Việt Nam sẽ phát triển hơn khi có càng nhiều người tham gia sáng tạo văn hóa. Điều này là khả thi khi Việt Nam đang cung cấp nhiều công cụ sáng tạo số để người dân tham gia, có cơ hội sáng tạo văn hóa.

Ngoài các nền tảng sẵn có, Việt Nam có thể nghiên cứu, cho ra đời thêm một sàn thương mại điện tử chuyên cung cấp các sản phẩm văn hóa; giúp phát triển các ngành công nghiệp, thị trường văn hóa. 

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Như Khuê nhận định, Đề cương ra đời đã bắt đúng mạch nguồn tư tưởng, có sức mạnh hiệu triệu đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, các tầng lớp nhân dân Việt Nam; khơi dậy khát vọng tự do của dân tộc, chuẩn bị tinh thần và lực lượng cho Cách mạng Tháng Tám, năm 1945 thành công, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Những tư tưởng chủ đạo mà Đề cương về văn hóa Việt Nam nêu ra: Dân tộc, khoa học, đại chúng không chỉ là đường lối văn hóa trong bối cảnh bị chủ nghĩa thực dân, đế quốc, phát xít nô dịch mà còn là tư tưởng vạch đường cho sự phát triển của văn hóa Việt Nam sau đó, đi qua 2 cuộc kháng chiến giành độc lập tự do và thống nhất nước nhà, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

vh-4-mr-trong-nghia.jpg
Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu kết luận Hội thảo. Ảnh: TTXVN

Phát biểu kết luận Hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, Hội thảo đã thống nhất đánh giá ý nghĩa lịch sử, giá trị to lớn mang tầm thời đại và sức sống lâu dài, bền vững của Đề cương văn hóa Việt Nam. Đặc biệt, các đại biểu đã tập trung làm rõ các vấn đề cần bổ sung, hoàn thiện trong quá trình vận dụng giá trị của Đề cương trong thực tiễn xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm phát huy hiệu quả giá trị của văn kiện này vì mục tiêu phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước./.

LÊ HÒA