Khơi thông cơ chế, "tiếp sức" hàng không Việt
Kinh tế - Ngày đăng : 14:28, 28/02/2023
Thị trường khôi phục nhanh những vẫn đối diện nhiều bất lợi
Theo công bố của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) trong năm 2022, Việt Nam đứng vị trí số 1 trong danh sách 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới.
Ngay từ tháng 4/2022, thị trường vận chuyển hàng không quốc nội đã ở mức tương đương cùng kỳ năm 2019. Các hãng hàng không tái khai thác, mở mới và tăng tần suất đối với 69 đường bay nội địa. Nhờ vào sự bùng nổ nhu cầu di chuyển trong giai đoạn cao điểm hè, sản lượng khách nội địa đã hồi phục hoàn toàn và tăng trưởng 40-42% so với cùng kỳ năm 2019 trong các tháng 6 - 8/2022.
Ở thị trường quốc tế, các hãng hàng không đã khôi phục 118 đường bay, kết nối từ 9 sân bay Việt Nam đến 24 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, vận chuyển 11 triệu lượt khách quốc tế, gấp 22 lần so với năm 2021.
Tuy nhiên, giữa bức tranh khởi sắc chung của toàn ngành, nhiều ý kiến cho rằng sự phục hồi ở các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng hàng không là chưa đồng đều, đặc biệt khi các hãng bay vẫn phải đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi mới nảy sinh.
Ông Trịnh Ngọc Thành - Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines - cho biết, năm 2022, tổng thị trường vận tải hàng không nội địa tăng 13% so với 2019. Tuy nhiên, tổng sản lượng bay quốc tế chỉ hồi phục đạt 50% của 2019.
"Các hãng bay nội địa bị áp thêm thuế nhập khẩu xăng dầu, thuế bảo vệ môi trường, thuế nhà thầu, dẫn tới đầu vào cao hơn mặt bằng giá quốc tế. Chính sách giá vé quốc tế tự do nhưng nội địa lại bị kiểm soát nên hiệu quả bay quốc tế đang tốt hơn nội địa" - ông Trịnh Ngọc Thành nhấn mạnh.
Nhìn nhận về tình hình khách quan ảnh hưởng đến ngành hàng không nói chung, TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - cho rằng, tình hình thế giới rất bất định và khó dự báo trước, không thể tác động mà chỉ có thể theo dõi. Những biến động nói trên cũng kéo theo giá dầu bất ổn, không dự báo được xu hướng tăng hay giảm. Bối cảnh này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các hãng hàng không, đặc biệt là khi các hãng bay đang phải kết nối với nhiều đối tác quốc tế.
Theo TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, 5 nguyên nhân lớn nhất gây khó khăn tài chính đối với các hãng hàng không bao gồm: Dịch bệnh; suy thoái kinh tế; quá tải các cảng hàng không; cạnh tranh trong ngành ngày càng khốc liệt; giá nguyên nhiên liệu và chi phí đầu vào, tỉ giá, lãi suất tăng cao trong khi cơ chế điều hành chưa theo kịp thị trường.
"Chúng tôi đánh giá sơ bộ khả năng phục hồi của hàng không Việt đến cuối 2023 vẫn còn mong manh và chỉ đạt khoảng 85%. Đến giữa và cuối năm 2024 mới có thể phục hồi 100%. Khả năng cắt lỗ của các doanh nghiệp là rất khó" - ông Cấn Văn Lực nêu quan điểm.
"Hiến kế" để các hãng hàng không phát triển bền vững
Đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hàng không, TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị: Việc duy trì chính sách giảm tiền thuê đất, mặt nước; giãn hoãn tiền thuế; giảm một số loại phí dịch vụ tại các cảng hàng không như năm 2022 là cần thiết. Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải có thể cho phép mức độ giảm phù hợp, đảm bảo hài hòa, chia sẻ khó khăn để vượt qua thách thức, nuôi dưỡng nguồn thu.
Mặt khác, do thị trường hàng không Việt ngày càng trở nên cạnh tranh hơn, hội nhập quốc tế sâu rộng hơn nên việc dùng các biện pháp hành chính như: Áp giá trần, giá sàn hay đưa quy định về giá, phí vào Luật Giá sửa đổi cần phải hết sức cân nhắc, hạn chế can thiệp sâu bằng các biện pháp hành chính đối với lĩnh vực này; đồng thời các doanh nghiệp hàng không cần trở nên minh bạch, chuyên nghiệp hơn nữa.
"Hiến kế" để ngành hàng không có những bước đi vững chắc trong việc tháo bỏ cơ chế giá, chuyên gia Trần Thọ Đạt - Thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ - khuyến nghị, Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm các nước về vấn đề này.
“Việt Nam có 90 triệu dân, tầng lớp trung lưu đang gia tăng, thu nhập bình quân đầu người ngày càng cao, nhu cầu di chuyển trong và ngoài nước đều lớn, đầy đủ điều kiện để các hãng bay Việt Nam trở thành thế lực trong khu vực. Muốn làm được điều này, cần đảm bảo cơ chế bình đẳng, minh bạch để các hãng phát triển. Tiếp nữa là phải đảm bảo quyền lợi của người dân Việt Nam được tiếp cận giá dịch vụ chấp nhận được” - ông Trần Thọ Đạt kiến nghị.
Để tháo gỡ khó khăn trước mắt cho các doanh nghiệp hàng không, ông Nguyễn Mạnh Quân - Tổng Giám đốc Bamboo Airways - nêu ra ba nhóm giải pháp: Nâng cao cạnh tranh điểm đến, hỗ trợ ngành du lịch thông qua chính sách visa; bỏ giá trần trong dài hạn; điều chỉnh giá trần trong ngắn hạn.
“Nhiều số liệu cho thấy sự chênh lệch trong các điều kiện đầu vào của giá vé máy bay trong 8 năm vừa qua. Cụ thể, giá nhiên liệu bình quân tăng 45%, tỉ giá tăng 68%, giá phục vụ mặt đất ở nước ngoài tăng hơn 200%, bên cạnh đó là các yếu tố về chi phí, nhân sự. Thêm vào đó, 80% chi phí của các hãng hàng không sử dụng đồng ngoại tệ biến động theo tỉ giá...” - Tổng Giám đốc Bamboo Airways dẫn chứng.
Trong khi đó, ông Bùi Doãn Nề - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam - cho rằng, Nhà nước cần tiếp tục chuẩn bị và sớm triển khai đàm phán với những quốc gia là thị trường có tiềm năng lớn cho ngành hàng không mà hiện Việt Nam chưa khai thác được nhiều để các hãng bay có điều kiện thuận lợi trong việc thâm nhập và khai thác thị trường này.
Ngoài ra, nhiều ý kiến khác cũng đề xuất, các cơ quan có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ về tài chính cho các hãng hàng không nhằm tháo gỡ khó khăn về dòng tiền. Gia tăng mức miễn giảm tại các chính sách hiện hữu như giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ 1.000 đồng hiện tại về mức 0 đồng hay áp dụng các chính sách miễn giảm giá dịch vụ đã từng được áp dụng như giảm 50% giá dịch vụ cất, hạ cánh, điều hành bay.
Mặt khác, cần xem xét ban hành thêm các chính sách miễn, giảm các loại thuế, phí… với thời gian áp dụng đến hết 2025 để các chính sách trên thực sự mang lại sự hỗ trợ hiệu quả cho các hãng hàng không./.
Theo kịch bản lạc quan của Cục Hàng không Việt Nam, ngành hàng không Việt Nam có thể đạt mức hồi phục toàn phần vào cuối năm 2023. Dự kiến, tổng thị trường vận tải hàng không năm 2023 ước đạt xấp xỉ 80 triệu khách và 1,44 triệu tấn hàng hóa, tăng tương ứng 45% về hành khách và 15% về hàng hóa so với năm 2022.