Thúc đẩy hoạt động hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và Lào

Đầu tư - Ngày đăng : 15:00, 28/02/2023

Chiều 27/2, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản sang Lào nhằm tìm cách thúc đẩy hoạt động hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và Lào.
hoi-nghi-thuc-day-hop-tac-vn-lao-27022023.jpg
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Bộ Nông nghiệp

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nêu ra vấn đề để các doanh nghiệp cho rằng, các doanh nghiệp nên coi hợp tác nông nghiệp là không gian kinh tế giữa hai nước cũng như không gian địa giới hành chính trải rộng trên đất nước. Dù biết Lào là thị trường nhỏ và có nhiều rào cản về hệ thống nhà nước, ở góc độ nào đó, chúng ta làm kinh tế, nhưng ở một góc độ khác chúng ta cũng làm cho đất nước an toàn hơn trong một thế kỷ nhiều cạnh tranh như hiện nay.

Ông Bùi Văn Quỳ - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (SNP), kiêm Chủ tịch Hiệp hội cảng biển Việt Nam chia sẻ, Tân Cảng Sài Gòn là nhà đầu tư đầu tiên mạnh dạn đầu tư xây dựng trung tâm logistics tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với hai cảng hiện nay là cảng Cao Lãnh và Sa Đéc. Với quan điểm hội nhập quốc tế sâu rộng là bảo vệ Tổ quốc từ sớm từ xa, nếu giao thương Việt Nam – Lào càng mạnh, càng gắn bó thì chúng ta được bảo vệ vững chắc. SNP tiên phong trong thị trường Lào, Đông bắc Thái Lan.

“SNP sẵn sàng chung tay cùng các doanh nghiệp dưới sự chỉ đạo của các Bộ, ban ngành để với vai trò vừa là quốc phòng an ninh vừa là kinh tế, SNP rất mong được hợp tác để tìm ra chiến lược và giải pháp logistic để thúc đẩy thương mại Việt Nam – Lào”, ông Quỳ khẳng định.

Với vai trò quản lý nhà nước, ông Vũ Văn Chung – Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ quan điểm rằng mục tiêu thúc đẩy hợp tác đầu tư sang Lào để tận dụng cơ hội phát triển.

Hoạt động đầu tư tại Lào hiện đang đứng đầu trong số 80 quốc gia, vùng lãnh thổ có quan hệ đầu tư với Việt Nam. Gần 240 dự án tại Lào có vốn đầu tư gần 5,4 tỷ đô la, trong đó nông nghiệp có 49 dự án và vốn đầu tư khoảng 1 tỷ đô la.

Hai Bên đã ký và triển khai Hiệp định thương mại và Hiệp định thương mại biên giới. Đối với các dự án đầu tư, ngày 24/7/2009 Chính phủ hai nước đã ký Hiệp định về hợp tác đầu tư trồng cao su tại Lào với diện tích 100.000 ha. Đến thời điểm hiện nay, diện tích trồng cây cao su của Việt Nam tại Lào khoảng 45.000 ha. Đối với các cây trồng khác cũng thu được nhiều thành công như trồng cây ăn quả, cây mía trên 15.000 ha,…


Ông Chung đánh giá với diện tích đất nông, lâm nghiệp ở Lào vào khoảng 7 triệu ha, hiện nay canh tác phần lớn theo thủ công là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư sang Lào. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý còn nhiều khó khăn bởi Lào là nước đang phát triển, hạ tầng cơ sở còn nhiều thiếu thốn cả về nguồn nhân lực và kỹ thuật, các doanh nghiệp Việt Nam sang Lào phải thích ứng với môi trường và cố gắng tận dụng cơ hội tốt nhất để phát triển.


“Với tiềm năng còn bỏ ngỏ, chúng ta cần làm tốt theo hướng tư duy hai bên cùng có lợi. Nếu doanh nghiệp không nhìn ra cơ hội thì sẽ chậm chân. Nếu đầu tư theo tâm thế đó thì sẽ bền vững hơn nhưng chắc chắn sẽ khó khăn hơn. Nhân cơ hội này, tôi muốn các doanh nghiệp có thêm góc nhìn nhiều chiều để có động lực, tư duy đi cùng nhau để cùng phát triển” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Theo www.mard.gov.vn