KTNN Indonesia - Chủ tịch Nhóm công tác về kiểm toán môi trường của INTOSAI

Kiểm toán quốc tế - Ngày đăng : 09:25, 11/06/2018

(BKTO) - Trải qua 71 năm thành lập và phát triển, KTNN Indonesia (BPK) đã không ngừng lớn mạnh, đóng góp tích cực cho cộng đồng các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) khu vực và quốc tế. Hiện BPK là Chủ tịch Nhóm Kiểm toán môi trường (WGEA) của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI), với nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm toán môi trường, kiểm toán hoạt động... và có mối quan hệ hợp tác lâu dài với KTNN Việt Nam.


SAI có nhiều kinh nghiệm kiểm toán

BPK được thành lập ngày 01/01/1947, có trụ sở đặt tại thủ đô Jarkata, Indonesia và là cơ quan hoàn toàn độc lập với Chính phủ trong việc thực thi các nhiệm vụ, không chịu sự chi phối của bất kỳ một cơ quan hay tổ chức nào.

Tính đến năm 2016, BPK có khoảng hơn 6.000 cán bộ bao gồm cả kiểm toán viên và cán bộ hỗ trợ. Việc điều hành hoạt động BPK được thực hiện bởi một Hội đồng gồm 9 thành viên do Quốc hội lựa chọn và tiến cử để Tổng thống bổ nhiệm.

BPK có nhiệm vụ kiểm toán đối với việc quản lý tài chính và trách nhiệm giải trình của chính quyền T.Ư, chính quyền địa phương, các cơ quan nhà nước khác, Ngân hàng Indonesia, DNNN, các cơ quan dịch vụ công, các DN của Chính phủ tại địa phương và các cơ quan, đơn vị khác liên quan đến quản lý tài chính nhà nước.

Đoàn cán bộ cấp cao của BPK trong chuyến thăm, làm việc với USAID và KTNN Việt Nam vào tháng 4/2018 - Ảnh: Ngọc Quỳnh

BPK báo cáo các phát hiện kiểm toán với Quốc hội, Hội đồng đại biểu cấp vùng và Hội đồng lập pháp địa phương tùy từng trường hợp. Các báo cáo kiểm toán gửi tới các cơ quan lập pháp cũng được công khai rộng rãi. BPK cũng trình báo cáo kiểm toán của mình lên Tổng thống, người đứng đầu các tỉnh/quận/thành phố tùy từng trường hợp. Nếu phát hiện các bằng chứng phạm tội trong quá trình kiểm toán, BPK sẽ gửi báo cáo tới cơ quan có thẩm quyền trong vòng 1 tháng kể từ khi thu thập được bằng chứng phạm tội.

Để đảm bảo chất lượng kiểm toán công tác quản lý tài chính nhà nước, trong thực hiện nhiệm vụ, BPK có quyền tìm kiếm thông tin hoặc tài liệu từ tất cả mọi người, mọi cơ quan T.Ư và địa phương có liên quan…; tiến hành điều tra, kiểm tra tại chỗ lưu giữ tiền và tài sản nhà nước, nơi diễn ra hoạt động kế toán và quản trị tài chính nhà nước; đánh giá, xác định nguyên nhân thất thoát và trách nhiệm bồi thường của người quản lý quỹ, của DN T.Ư hoặc địa phương và các cơ quan, đơn vị khác liên quan đến quản lý tài chính nhà nước. Đồng thời, BPK cũng có quyền kiến nghị phương pháp bồi thường thất thoát và cung cấp chuyên gia làm bằng chứng trong các phiên tòa để đưa ra quan điểm về vấn đề này.

Giai đoạn 2016-2020, BPK ưu tiên kiểm toán: phát triển con người và xã hội, phát triển lĩnh vực dẫn đầu cũng như phát triển vùng. Việc thực hiện các lĩnh vực kiểm toán này được hỗ trợ bởi 4 điều kiện tiên quyết gồm: thi hành pháp luật, an ninh và trật tự, chính trị và chế độ dân chủ, quản trị tốt và cải cách bộ máy quan liêu.

BPK thực hiện 3 loại hình kiểm toán (kiểm toán tài chính, kiểm toán hoạt động, kiểm toán cho các mục đích đặc biệt) và có thế mạnh về kiểm toán hoạt động, kiểm toán môi trường, kiểm toán công nghệ thông tin, phòng, chống tham nhũng.

Hợp tác lâu dài với KTNN Việt Nam

BPK và KTNN Việt Nam thiết lập quan hệ hợp tác vào năm 1999 và ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác kiểm toán lĩnh vực công vào ngày 15/11/2011 tại Bali, Indonesia. Kể từ đó, hằng năm, hai cơ quan đều tổ chức trao đổi nhiều đoàn lãnh đạo các cấp, các hội thảo chung nhằm chia sẻ kinh nghiệm về nghề nghiệp.

Cụ thể, giai đoạn 1999-2005, KTNN Việt Nam đã cử nhiều đoàn cán bộ sang khảo sát, nghiên cứu, tìm hiểu về mô hình, cơ cấu tổ chức, chuyên môn kiểm toán của BPK. Từ năm 2012 đến năm 2015, hai bên cũng đã phối hợp tổ chức, tham dự và đồng chủ trì nhiều cuộc hội thảo tại Hà Nội: Hội thảo “Địa vị pháp lý của KTNN và Tổng Kiểm toán Nhà nước trong Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam”; Hội thảo “Phương pháp xác định tiêu chí đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực đối với các đơn vị quản lý tài chính công”; Hội thảo về “Kiểm toán hoạt động đối với Chương trình/ Dự án ODA”. BPK cũng đã chia sẻ kinh nghiệm trong khóa đào tạo về kiểm toán môi trường tại KTNN Việt Nam vào năm 2016. Cơ quan kiểm toán hai nước thường xuyên trao đổi chuyên môn về các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm như: kiểm toán công nghệ thông tin, kiểm soát chất lượng kiểm toán, kiểm toán môi trường, kiểm toán hoạt động.

Với vai trò là Chủ tịch WGEA của INTOSAI, BPK luôn ủng hộ KTNN Việt Nam tổ chức Đại hội ASOSAI 14 năm 2018 và đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASOSAI. Trong đó, BPK đã chấp thuận cùng với SAI Trung Quốc và KTNN Việt Nam đồng chủ trì Hội nghị chuyên đề lần thứ 7 với chủ đề “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững” trong khuôn khổ Đại hội ASOSAI 14 để thể hiện những đóng góp thiết thực của cộng đồng ASOSAI vì mục tiêu phát triển bền vững của thế giới nói chung và giải quyết thách thức về môi trường toàn cầu nói riêng.
NGỌC QUỲNH
(Theo BPK và ASOSAI)