Doanh nghiệp cần tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 14:11, 02/03/2023

(BKTO) - Trong thời gian qua, việc thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã mang lại những tác động tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp (DN), tuy nhiên, cũng còn nhiều cơ hội kỳ vọng từ các FTA bị bỏ lỡ, nhiều lợi ích tiềm tàng chưa được hiện thực hóa. Do đó, các DN cần đẩy mạnh khai thác hiệu quả các FTA để tạo động lực tăng trưởng mới trong năm 2023.
z4149132125439_53055ca8b8e9f192048a7e200686ee84.jpg
Lợi ích của các FTA đã và đang lan tỏa tới nhiều lĩnh vực, ngành nghề trong nền kinh tế. Ảnh sưu tầm

Kim ngạch xuất nhập khẩu gia tăng nhờ thực thi các hiệp định

Hội nhập kinh tế quốc tế theo chiều sâu thông qua tham gia các FTA là một định hướng lớn của Đảng, Nhà nước ta. Theo đó, tính đến đầu năm 2023, Việt Nam đã có 15 FTA có hiệu lực với tổng cộng 53 đối tác thương mại ở 4 châu lục.

Đánh giá về những kết quả trong việc thực thi các FTA, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho biết, đối với một nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Việt Nam, việc mở rộng thị trường xuất nhập khẩu là một trong những tác động được kỳ vọng nhất từ việc tham gia các FTA. Trên thực tế, quá trình thực thi các FTA trong những năm qua đã hiện thực hóa phần nào kỳ vọng này.

Cụ thể, về kết quả xuất nhập khẩu, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với các thị trường đối tác FTA đạt 480 tỷ USD, tăng 22,5% so với năm 2020 và chiếm gần 72% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với toàn thế giới. Như vậy có thể thấy, phần lớn dòng chảy thương mại hàng hóa của Việt Nam là với các đối tác FTA và thương mại với các thị trường này là một trong các động lực lớn cho tăng trưởng sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế nước ta.

Về mức độ tận dụng các ưu đãi thuế quan, số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, năm 2021, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu sử dụng ưu đãi thuế quan của các FTA đạt 69,1 tỷ USD, chiếm 32,7% tổng kim ngạch xuất khẩu đi các thị trường này. So sánh với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, đây là tỷ lệ khá lạc quan. Như vậy, lợi ích của các FTA đã và đang lan tỏa tới nhiều lĩnh vực, ngành nghề trong nền kinh tế.

Chia sẻ từ góc độ ngành hàng, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam - cũng khẳng định việc thực thi các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới, đã giúp gia tăng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam. Bên cạnh việc tác động tích cực đến kim ngạch xuất khẩu, hoạt động nhập khẩu cũng được hưởng lợi từ các FTA, giúp các DN tự tin hơn trong việc đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, đa dạng hóa mặt hàng để cạnh tranh với nhiều đối tác trên thế giới.

Đẩy mạnh tận dụng tối đa lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do

Các chuyên gia đánh giá, mặc dù kết quả thực thi các FTA thu được trong thời gian qua khá tích cực, tuy nhiên cũng còn nhiều cơ hội kỳ vọng từ các FTA bị bỏ lỡ, các DN vẫn chưa tận dụng được tối đa các lợi ích mà các FTA mang lại.

Chia sẻ cụ thể, bà Nguyễn Thị Thu Trang cho biết, về xuất khẩu, thống kê cho thấy tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trung bình đi các thị trường FTA luôn thấp hơn tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 2 năm 2020-2021 (giai đoạn mà các FTA với tất cả 53 đối tác đã có hiệu lực), tăng trưởng xuất khẩu trung bình đi các thị trường FTA là 10,3%/năm, thấp hơn so với mức 13%/năm tăng trưởng trung bình của xuất khẩu đi toàn thế giới. Nói cách khác, với động lực từ các FTA, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đi các thị trường FTA là khá cao, nhưng vẫn chưa bằng tốc độ tăng trưởng trung bình ở các thị trường chưa có FTA (đặc biệt là Hoa Kỳ).

Về tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan, theo các kết quả khảo sát của VCCI cho thấy, tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan trong các FTA đang có xu hướng giảm (từ mức kỷ lục 39,7% vào năm 2017 giảm dần xuống mức 32,7% vào năm 2021) và diễn biến không ổn định đối với từng hiệp định. Điều này cho thấy các DN dường như chưa có chiến lược ổn định cho việc tận dụng các ưu đãi. “Khảo sát năm 2022 của VCCI cho thấy, trong số các DN từng ít nhất được hưởng ưu đãi thuế quan với 1 lô hàng, có tới trên 34% DN cho biết là nhờ hàng hóa, quy trình sản xuất của họ may mắn đã đáp ứng các quy tắc xuất xứ FTA mà không phải là do chủ động chuyển đổi để đáp ứng các điều kiện về xuất xứ này” - bà Trang thông tin thêm.

Trước thực trạng việc tận dụng lợi ích từ các FTA của DN còn hạn chế, cũng như trong bối cảnh năm 2023 dự báo sẽ có nhiều khó khăn, thách thức đối với DN, các chuyên gia cho rằng, việc đẩy mạnh tận dụng tối đa cơ hội từ các FTA sẽ góp phần tạo ra lợi thế cạnh tranh để DN có thể tiếp tục giữ và mở rộng thị phần ở các thị trường. Theo đó, để hiện thực hóa điều này cần sự chung sức cả từ hai phía Chính phủ, các Bộ, ngành và cộng đồng DN.

Về phía DN, ông Phạm Ngọc Thạch - Phó Trưởng Ban Pháp chế VCCI - cho rằng, các DN cần tích cực chủ động tận dụng hiệu quả hơn nữa các cơ hội do các FTA mang lại để tạo ra những động lực tăng trưởng mới. Muốn vậy, các DN cần tìm hiểu sâu về các cam kết trong các FTA, đồng thời cần thường xuyên cập nhật và đáp ứng các thay đổi trong chính sách thương mại của các nước đối tác; nâng cao khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng cao của các nước, qua đó tận dụng tốt hơn các cơ hội mà các FTA mang lại.

Về phía Nhà nước, các chuyên gia cho rằng, để hỗ trợ DN tận dụng tốt hơn các FTA, các cơ quan chức năng cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách để thực hiện đầy đủ các cam kết theo lộ trình các FTA đã đề ra. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến cam kết trong các FTA một cách chuyên sâu, theo từng lĩnh vực, ngành hàng cụ thể, để DN có thể nắm vững quy định của các FTA liên quan đến lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của mình. Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan tới các hoạt động thực thi FTA, nhất là các thủ tục xuất nhập khẩu, kiểm tra chuyên ngành... Song song với đó là tăng cường các biện pháp hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để tạo điều kiện cho các DN đáp ứng được các cam kết, tiêu chuẩn của các FTA./.

Ngày 31/8/2022, Chính phủ đã phê duyệt Đề án Xây dựng Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các FTA hằng năm của các địa phương (FTA Index). FTA Index được kỳ vọng sẽ giúp các địa phương xây dựng, điều chỉnh các chính sách hỗ trợ DN hợp lý, từ đó giúp DN có thể tận dụng hiệu quả hơn những cơ hội mà các FTA mang lại.

THIỆN TRẦN