Tăng cường lồng ghép trong thực hiện kiểm toán

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 14:13, 02/03/2023

Trong bối cảnh Kiểm toán nhà nước (KTNN) đẩy mạnh thực hiện đổi mới hoạt động kiểm toán, ưu tiên tập trung nguồn lực cho các nhiệm vụ kiểm toán quan trọng, việc tổ chức lồng ghép các nội dung kiểm toán là yêu cầu được Tổng Kiểm toán nhà nước đặt ra với các đơn vị kiểm toán, từ đó góp phần thực hiện mục tiêu đề ra, cũng như tạo điều kiện cho các địa phương, đơn vị tập trung thực hiện nhiệm vụ được giao.
img_20230302_114042.jpg

Tổ chức lồng ghép kiểm toán là lựa chọn phù hợp

Trong Chỉ thị về tổ chức thực hiện Kế hoạch kiểm toán năm 2023 được Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn ký ban hành vừa qua, nhiều quy định mới đã đặt ra trách nhiệm ngày càng nặng nề cho mỗi đơn vị kiểm toán, trong đó có yêu cầu về việc giảm số cuộc kiểm toán, đầu mối kiểm toán, tăng tổ chức lồng ghép các nội dung kiểm toán, nhất là các cuộc kiểm toán chuyên đề để giảm bớt việc gây ảnh hưởng đến hoạt động của địa phương, đơn vị được kiểm toán; đồng thời phải đạt được mục tiêu kiểm toán đề ra.

Nêu rõ hơn về chủ trương này, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Vũ Ngọc Tuấn cho biết, trong năm 2023, KTNN sẽ thực hiện nhiều cuộc kiểm toán chuyên đề phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội như: Chuyên đề kiểm toán về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; Chuyên đề việc quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư cho lĩnh vực khoa học công nghệ giai đoạn 2020-2022… Các đơn vị kiểm toán cần thực hiện tối đa việc lồng ghép kiểm toán chuyên đề trong các cuộc kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, kiểm toán ngân sách địa phương. “Đây sẽ là định hướng chung của KTNN trong thời gian tới, do đó, các đơn vị cần bám sát chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước, Kế hoạch kiểm toán trung hạn 2023-2025 để triển khai xây dựng kế hoạch kiểm toán năm cho phù hợp” - Vụ trưởng Vũ Ngọc Tuấn cho biết.

Trong khi đó, lãnh đạo KTNN chuyên ngành II cho biết, mỗi mô hình kiểm toán có mặt ưu việt, hạn chế riêng, song tùy vào từng thời điểm để lựa chọn phương án tổ chức phù hợp. Đối với đoàn kiểm toán tổ chức theo mô hình lồng ghép hiện nay, KTNN thực hiện theo phương án chia đoàn kiểm toán thành nhiều đoàn nhỏ, mỗi KTNN chuyên ngành, khu vực thành lập một đoàn kiểm toán riêng. Phương án này một mặt hỗ trợ tốt cho các đoàn kiểm toán trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động của kiểm toán viên, mặt khác, công tác xét duyệt cũng như phát hành báo cáo kiểm toán cũng được tiến hành nhanh chóng.

Khẳng định việc tổ chức kiểm toán lồng ghép, nhất là với các chuyên đề kiểm toán đã được KTNN thực hiện từ nhiều năm nay, lãnh đạo KTNN khu vực II cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc tổ chức theo phương án này là phù hợp. Đơn cử, khi quan tâm đề tài về tài nguyên, khoáng sản, do nguồn lực có hạn, KTNN có thể đẩy mạnh lồng ghép kiểm toán nội dung này vào các cuộc kiểm toán ngân sách; cùng với các cuộc kiểm toán chuyên đề về lĩnh vực này, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả kiểm toán, phục vụ hiệu quả hoạt động giám sát, quản lý điều hành của Quốc hội, Chính phủ trong lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản.

Đòi hỏi quyết tâm, nỗ lực của từng kiểm toán viên

Triển khai thực hiện nhiệm vụ kiểm toán trong bối cảnh yêu cầu, công việc ngày càng lớn đòi hỏi các đơn vị kiểm toán, từng kiểm toán viên phải nêu cao tinh thần quyết tâm, tạo sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động.

Theo đó, Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu các đơn vị kiểm toán quán triệt, trao đổi rộng rãi trong toàn đơn vị về những thay đổi trong định hướng công tác kiểm toán của Ngành; tạo tâm thế sẵn sàng, chủ động thay đổi, thích ứng trong từng công chức, kiểm toán viên để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới.

Qua kinh nghiệm chủ trì thực hiện nhiều cuộc kiểm toán chuyên đề lồng ghép toàn Ngành, đại diện KTNN chuyên ngành III cho biết, để thực hiện tốt nhiệm vụ này, đòi hỏi công tác chuẩn bị cho hoạt động kiểm toán phải được tiến hành từ sớm. Tiếp đó, trong các giai đoạn xây dựng đề cương, kế hoạch kiểm toán cần có sự phối hợp thường xuyên giữa đơn vị chủ trì với các đơn vị kiểm toán… Về phía KTNN khu vực, chuyên ngành, cần chủ động kế hoạch khảo sát, thu thập thông tin cũng như lưu trữ cơ sở dữ liệu về đối tượng kiểm toán, dựa trên hướng dẫn kiểm toán của Ngành.

“Cần đặc biệt chú trọng khảo sát thu thập đầy đủ thông tin về chuyên đề kiểm toán, từ đó nghiên cứu phương án tổ chức kiểm toán phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương” - lãnh đạo KTNN chuyên ngành III nói và cho rằng, việc tăng cường đánh giá, rút kinh nghiệm sau mỗi đợt kiểm toán để nhân rộng các phát hiện kiểm toán cũng là giải pháp hay giúp nâng cao chất lượng kiểm toán…

Lưu ý thời gian thực hiện kiểm toán các nội dung, lĩnh vực khi tổ chức lồng ghép trong các cuộc kiểm toán ngân sách địa phương thường ngắn nên việc thực hiện kiểm tra, đối chiếu bị hạn chế. Các ý kiến cũng đề nghị, để khắc phục tình trạng này, các đoàn kiểm toán, kiểm toán viên phải bám sát kế hoạch kiểm toán, đề cương, hướng dẫn kiểm toán; đặc biệt là phải triệt để áp dụng phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu ngay từ khâu khảo sát, thu thập thông tin để lựa chọn các đơn vị, vấn đề trọng yếu, có tính điển hình khi kiểm tra, đối chiếu.

Đại diện KTNN chuyên ngành V cho rằng, xu hướng lồng ghép không chỉ diễn ra đối với hoạt động kiểm toán, mà còn áp dụng với hoạt động kiểm tra thực hiện kiến nghị, theo phương án lồng ghép hoạt động kiểm tra thực hiện kiến nghị với đoàn kiểm toán để giảm bớt thời gian tiếp xúc với địa phương, đơn vị. “Qua thực tế triển khai cho thấy, việc tổ chức lồng ghép như vậy đã mang lại hiệu quả, đáp ứng đúng theo yêu cầu, định hướng của Ngành” - lãnh đạo đơn vị cho biết.

Khẳng định việc tổ chức thực hiện theo phương án lồng ghép là phù hợp với tình hình hiện nay, song còn nhiều thách thức, các ý kiến đã nhấn mạnh vai trò của công tác chuẩn bị, đặc biệt là nhân sự tham gia kiểm toán phải đảm bảo chất lượng, giàu kinh nghiệm. Đồng thời, để chuẩn bị cho định hướng kiểm toán lâu dài, các đơn vị kiểm toán cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cho kiểm toán viên nhằm nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn, nhất là đối với các loại hình, lĩnh vực kiểm toán mới, khó./.

Các đơn vị kiểm toán thực hiện tối đa việc lồng ghép kiểm toán chuyên đề trong các cuộc kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, kiểm toán ngân sách địa phương, qua đó giảm bớt áp lực cho đơn vị, địa phương được kiểm toán cũng như tạo cơ hội để tập trung nâng cao chất lượng kiểm toán.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn

N.LỘC