Bám sát 2 mục tiêu kiểm toán đầu tư mua sắm, ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 09:48, 03/03/2023
Chiều 02/3, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung đã chủ trì cuộc họp về Dự thảo Đề cương kiểm toán việc ĐTMS, ứng dụng phần mềm CNTT, các hoạt động thuê dịch vụ CNTT giai đoạn 2020-2022 tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Đây là cuộc họp lần thứ hai về Dự thảo Đề cương kiểm toán. Trước đó, ngày 24/02, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đã chủ trì cuộc họp đầu tiên về Dự thảo Đề cương kiểm toán.
Theo KTNN chuyên ngành VII - đơn vị được lãnh đạo KTNN giao chủ trì xây dựng Dự thảo Đề cương kiểm toán, thực hiện chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước, đồng thời tiếp thu các góp ý tại cuộc họp đầu tiên, KTNN chuyên ngành VII đã chỉnh sửa, hoàn thiện nội dung Dự thảo Đề cương theo hướng: Bổ sung đầu mối kiểm toán là Bộ Thông tin và Truyền thông, lược bỏ một số nội dung mang tính chất tiểu tiết, làm gọn hơn các mẫu biểu.
KTNN chuyên ngành VII cũng đã cụ thể hóa nội dung kiểm toán chi tiết tại Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước và 2 tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Ninh Bình. Bộ phận xây dựng Đề cương cũng đã bổ sung thêm việc tổ chức thu thập và đối chiếu dữ liệu tại Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Vấn đề thu hút sự quan tâm của đại diện các đơn vị chính là các nội dung đánh giá chi tiết. Góp ý cho Dự thảo Đề cương kiểm toán, TS. Lê Đình Thăng - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II - cho rằng: Để đảm bảo tính khả thi, Dự thảo Đề cương cần cân nhắc lược bỏ một số nội dung đánh giá. Đồng thời, cần tập trung đánh giá việc thực hiện các giải pháp để đảm bảo an toàn hệ thống.
Đối với việc nâng cấp phần mềm, cần đánh giá hiệu quả, lợi ích của việc đầu tư kinh phí để nâng cấp các phần mềm, khả năng liên kết, kết nối của các phần mềm với hệ thống phần mềm quốc gia. Dự thảo Đề cương cần bổ sung việc xác định trọng yếu kiểm toán là xây dựng cấu trúc tổng thể, cần đánh giá được việc ĐTMS có phù hợp với cấu trúc tổng thể không.
Giám đốc Trung tâm Tin học Phạm Thị Thu Hà cho rằng, đoàn kiểm toán cần nhận định được những khó khăn, vướng mắc của quá trình ĐTMS phần mềm. Với Bộ Thông tin và Truyền thông, nên đánh giá cơ chế, chính sách, quá trình hướng dẫn thực hiện gắn với vai trò, chức năng của Bộ.
Với các bộ, ngành khác, cần đánh giá việc đầu tư bao nhiêu kinh phí, gắn với chức năng nhiệm vụ của từng đơn vị, việc đầu tư đã góp phần cải thiện công tác cải cách hành chính như thế nào, đặc biệt là lợi ích mang lại cho người dân, doanh nghiệp. Từ dữ liệu đơn vị cung cấp, đoàn kiểm toán cần đánh giá hiệu quả của việc thực hiện cung cấp dịch vụ công theo các tiêu chí mà đơn vị đề ra.
Kiểm toán trưởng KTNN khu vực XIII Trần Minh Khương đề nghị bổ sung một số nội dung đánh giá như: Việc kiểm soát quy trình vận hành các phần mềm, việc thực hiện chiến lược CNTT tại các bộ, ngành, địa phương; đồng thời sửa đổi một số nội dung đánh giá rủi ro cho phù hợp.
Về bổ sung các đơn vị được kiểm toán, TS. Lê Đình Thăng đề nghị không đưa Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào, chỉ lấy số liệu tổng thể qua Kho bạc Nhà nước. Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, KTNN Vũ Ngọc Tuấn cũng đồng tình với đề xuất của TS. Lê Đình Thăng và nhấn mạnh thêm, việc lấy thông tin số liệu ở đây là con số chi tổng thể cho CNTT, còn số chi cho ĐTMS phần mềm thì phải đi vào từng đơn vị cụ thể mới có thể bóc tách được số liệu này.
Một nội dung được quan tâm là việc bổ sung đầu mối kiểm toán: Bộ Thông tin và Truyền thông. TS. Lê Đình Thăng cho rằng, cần cân nhắc việc bổ sung này. Với Bộ Thông tin và Truyền thông, nhiệm vụ chủ yếu là thiết kế chính sách, do vậy, nên rà soát lại những thông tin cần thu thập từ Bộ này.
Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II Nguyễn Xuân Khải cũng cho rằng, cần rà soát lại các nội dung đánh giá tại Bộ Thông tin và Truyền thông để đảm bảo tính khả thi.
Trong khi đó, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Vũ Ngọc Tuấn cho rằng, đối với Bộ Thông tin và Truyền thông, cần xác định xem đoàn kiểm toán sẽ đánh giá ở góc độ quản lý nhà nước về CNTT hay kiểm toán chi tiết việc ĐTMS phần mềm của Bộ, phải làm rõ vấn đề chỉ lấy thông tin số liệu về quản lý nhà nước hay kiểm toán chi tiết và việc đưa ra những nội dung đánh giá cần đảm bảo khả thi.
Góp ý cho Dự thảo Đề cương, các ý kiến đều cho rằng việc xác định mục tiêu kiểm toán phải đảm bảo phù hợp, bám sát chủ đề của cuộc kiểm toán.
Đồng thời, để hoàn thiện hơn Dự thảo Đề cương kiểm toán, đại diện các đơn vị cũng có ý kiến thêm về phạm vi, giới hạn kiểm toán, việc bổ sung nhân sự có chuyên môn về CNTT cho các đoàn kiểm toán, sắp xếp lại thứ tự một số nhiệm vụ cần thực hiện, rà soát các mẫu biểu…
Kết luận cuộc họp, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung đánh giá cao sự nỗ lực của KTNN chuyên ngành VII trong việc tiếp thu kết luận của lãnh đạo KTNN và các góp ý để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo Đề cương.
Định hướng thêm một số vấn đề, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước đặc biệt lưu ý tới việc bám sát 2 mục tiêu của cuộc kiểm toán. Đó là: Đánh giá việc sử dụng, quản lý kinh phí và tuân thủ pháp luật, chế độ, chính sách trong việc ĐTMS, thuê dịch vụ CNTT; đánh giá hiệu quả việc ứng dụng phần mềm CNTT trong hoạt động tại đơn vị kiểm toán trực tiếp. Với việc ĐTMS, các đoàn kiểm toán sẽ đánh giá khi kiểm toán chi tiết tại 3 bộ, ngành và 2 địa phương.
Về số liệu, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị số liệu tổng hợp là từ ngân sách nhà nước, còn số liệu chi tiết liên quan đến từng nội dung sẽ thu thập ở 5 đơn vị kiểm toán chi tiết.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh việc bổ sung Bộ Thông tin và Truyền thông vào đơn vị được kiểm toán là cần thiết bởi để có được bức tranh tổng thể về vấn đề này, chúng ta phải đánh giá trách nhiệm ban hành cơ chế chính sách.
Khẳng định chủ đề của cuộc kiểm toán là nội dung khó, cần trí tuệ tập thể và sự đồng lòng của toàn Ngành để thực hiện tốt nhiệm vụ Quốc hội giao, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu các đơn vị tham gia cuộc kiểm toán rà soát các nội dung để đảm bảo tính khả thi, gửi góp ý bằng văn bản để KTNN chuyên ngành VII tổng hợp, chỉnh sửa và hoàn thiện Đề cương./.