Kinh nghiệm từ cuộc kiểm toán "chất lượng vàng": Làm tốt việc thu thập thông tin, định hướng hoạt động kiểm toán
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 13:36, 04/03/2023
Nhiều phát hiện kiểm toán nổi bật
Thực hiện kế hoạch kiểm toán, KTNN chuyên ngành VI đã hoàn thành cuộc kiểm toán tại TKV với nhiều phát hiện nổi bật.
Cụ thể, Đoàn kiểm toán phát hiện còn tình trạng quản lý nợ phải thu chưa chặt chẽ để phát sinh nợ đọng, nợ phải thu khó đòi. Tính đến thời điểm ngày 31/12/2021, tổng giá trị nợ phải thu khó đòi tại TKV là 279.157 triệu đồng, trích dự phòng nợ phải thu 238.278 triệu đồng; đối chiếu nợ phải thu, phải trả chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, vẫn còn trường hợp cho khách hàng nợ tiền hàng không đúng quy định theo hợp đồng, dư nợ vượt bảo lãnh thanh toán; chậm hoàn ứng theo quy định của đơn vị...
Về quản lý chi phí, giá thành sản xuất kinh doanh, có đơn vị chưa ban hành đầy đủ các định mức kinh tế - kỹ thuật; chưa xây dựng, ban hành tỷ lệ hao hụt đối với công đoạn vận chuyển than theo từng cung độ vận chuyển, loại phương tiện, độ ẩm thực tế áp dụng; chưa cập nhật, xây dựng định mức tiêu hao nhiên liệu; định mức năng suất thiết bị, tiêu hao nhiên liệu đối với xe ô tô và máy xúc phục vụ công nghệ chưa gắn với năng suất hoạt động...
Đối với việc quản lý các khoản phải nộp NSNN, có đơn vị chưa kê khai thuế giá trị gia tăng đối với hàng biếu tặng; tính thiếu thuế thu nhập cá nhân; trong quản lý các khoản đầu tư tài chính dài hạn, cuộc kiểm toán cũng chỉ ra, công ty mẹ TKV còn một số khoản đầu tư tiềm ẩn rủi ro tài chính, chưa hiệu quả.
Đáng chú ý, trong công tác đầu tư, xây dựng đối với 06 dự án được kiểm toán cho thấy còn tồn tại nhiều hạn chế trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương, dự án đầu tư; công tác lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế - dự toán; lựa chọn nhà thầu và ký kết thực hiện hợp đồng; quản lý tiến độ; quản lý chất lượng đối với 6 dự án.
Qua kiểm toán cho thấy, quá trình thực hiện đầu tư của TKV và đơn vị trực thuộc còn một số hạng mục, công trình thực hiện chậm so với yêu cầu của hợp đồng và so với kế hoạch được phê duyệt, dẫn đến giảm tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả đầu tư -Báo cáo nêu rõ.
Chú trọng thu thập thông tin kiểm toán
Theo lãnh đạo KTNN chuyên ngành VI, để có được những kết quả kiểm toán nêu trên, đơn vị đã bám sát chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước về hướng dẫn mục tiêu, trọng tâm, nội dung kiểm toán, từ đó triển khai đồng bộ các giải pháp, thực hiện đổi mới ngay từ khâu chuẩn bị kiểm toán.
Đáng chú ý, Đoàn kiểm toán được quán triệt rõ về kế hoạch kiểm toán, phương án kiểm toán và được bố trí nguồn lực đảm bảo chất lượng, với sự chuẩn bị từ sớm, từ đó có điều kiện để đi sâu, tập trung vào các nội dung kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động song song với mục tiêu kiểm toán xác nhận báo cáo tài chính.
Xác định vai trò quan trọng của hệ thống cơ sở dữ liệu đầu mối kiểm toán, lãnh đạo đơn vị đã giao cho phòng nghiệp vụ quản lý chuyên sâu về thông tin của đơn vị, thường xuyên cập nhật kết quả kiểm toán hàng năm, tình hình theo dõi thực hiện kiến nghị, tình hình tài chính, hệ thống kiểm soát và môi trường sản xuất của đơn vị.
“Nhờ có sự thay đổi trong cách tiếp cận kiểm toán, cũng như nhìn nhận rõ vao trò của cơ sở dữ liệu, đơn vị đã thường xuyên cập nhật để đảm bảo có đủ thông tin phục vụ lập kế hoạch kiểm toán được chất lượng, hiệu quả” - lãnh đạo đơn vị cho biết.
Ngoài ra, ngay sau khi phương án kiểm toán được phê duyệt, đơn vị đã chủ động nghiên cứu, xây dựng hệ thống mẫu biểu đề cương khảo sát, thu thập thông tin và khẩn trương gửi đến đơn vị, đầu mối kiểm toán để cập nhật, thu thập bổ sung thông tin, nhờ đó giúp rút ngắn thời gian khảo sát, cũng như nâng cao tính chủ động trong việc xây dựng kế hoạch kiểm toán.
“Xác định khảo sát, thu thập thông tin là bước quan trọng, là tiền đề quyết định chất lượng kiểm toán, lãnh đạo đơn vị đã tập trung nhân lực và thời gian cho công tác này” - lãnh đạo Đoàn kiểm toán nói và cho biết, đơn vị tiếp tục cải tiến việc tổ chức thu thập thông tin với nhiều hình thức, bao gồm cả việc khảo sát trực tiếp tại các đơn vị, đầu mối được kiểm toán; khai thác dữ liệu đã lưu trữ và thu thập thông tin liên quan trên phương tiện thông tin đại chúng... để phục vụ cho việc lập kế hoạch kiểm toán.
Kết quả cuộc kiểm toán đã cung cấp thông tin về tính đúng đắn trung thực của báo cáo tài chính, xác định nghĩa vụ với NSNN; cũng như có ý nghĩa trong việc quản trị doanh nghiệp và việc hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật của nhà nước có liên quan...
"Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo KTNN, đơn vị cũng đặc biệt chú trọng áp dụng phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu ngay từ khâu chuẩn bị kiểm toán" - lãnh đạo đơn vị cho biết, đồng thời khẳng định, nhờ thực hiện tốt các nội dung này nên trong quá trình kiểm toán, Đoàn kiểm toán ít gặp những phát sinh, vướng mắc ngoài phương án được duyệt.
Bên cạnh đó, công tác phối hợp với đơn vị được kiểm toán trong quá trình kiểm toán cũng được thực hiện tốt, ý kiến phản hồi của đơn vị về kết quả kiểm toán được nắm bắt từ giai đoạn chuẩn bị kiểm toán đến xuyên suốt quá trình kiểm toán, từ đó tạo sự đồng thuận cao của đơn vị về đánh giá, kết luận, kiến nghị kiểm toán.
Qua thực tiễn kiểm toán, lãnh đạo đơn vị đã rút ra bài học kinh nghiệm để tổ chức thực hiện tốt hơn đối với các cuộc kiểm toán sau này. Theo đó, nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng kiểm toán, KTNN chuyên ngành VI cho rằng cần phải chú trọng nâng cao nhận thức cũng như trách nhiệm của kiểm toán viên trong việc thu thập thông tin, tập trung khai thác, phát hiện, lưu trữ bằng chứng kiểm toán, từ đó giúp đưa ra xét đoán nghề nghiệp để hình thành các kết luận, kiến nghị kiểm toán một cách đúng đắn, phù hợp và hợp pháp.
"Đoàn kiểm toán cũng phải chú trọng trao đổi, thảo luận với đơn vị được kiểm toán nhằm thu thập thông tin và xem xét một cách kỹ lưỡng các bằng chứng liên quan” - lãnh đạo đơn vị cho biết thêm; đồng thời khẳng định tất cả những yêu cầu này cần phải đặt ra từ trước khi tiến hành kiểm toán, bởi sự chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm sẽ giúp hoạt động kiểm toán được thuận lợi và đảm bảo bảo chất lượng, ít phát sinh rủi ro.