Rà soát bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn, chấn chỉnh liên quan bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy

Kinh tế - Ngày đăng : 18:05, 05/03/2023

(BKTO) - Khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn; áp dụng thí điểm xây dựng giá gói thầutrang thiết bị y tế; không yêu cầu người dân xuất trình hoặc nộp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy… là những nội dung nổi bật được Chính phủ chỉ đạo, ban hành trong tuần.
2.jpg
Khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: VGP

Hoàn thiện dự kiến phương án phân bổ, thủ tục đầu tư số vốn còn lại

Ngày 4/3/2023 Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Công điện số 95/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Để bảo đảm đáp ứng tiến độ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với số vốn còn lại chưa phân bổ, chưa giao chi tiết của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo quy định Nghị quyết số 69/2022/QH15 ngày 11/11/2022 về dự toán NSNN năm 2023, Thủ tướng yêu cầu:

Các Bộ, địa phương: Công an, Quốc phòng; Quảng Ngãi, Điện Biên, Bình Phước, Ninh Thuận, Lạng Sơn, Phú Thọ, Bình Thuận, Đồng Nai, Khánh Hòa, Lào Cai, TP. HCM, Bình Dương khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được Thủ tướng thông báo danh mục và mức vốn.

Các Bộ, cơ quan trung ương: Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc và các địa phương: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Bắc Giang, Hoà Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Quảng Bình, Khánh Hoà, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Đồng Tháp khẩn trương rà soát, hoàn thiện dự kiến phương án phân bổ, thủ tục đầu tư các dự án đối với số vốn còn lại chưa phân bổ, chưa giao chi tiết của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, đúng quy định tại Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021, Nghị quyết số 69/2022/QH15 và quy định pháp luật có liên quan.

Rà soát tiến độ thực hiện các dự án chuyển tiếp, các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài đã có chủ trương đầu tư, đề xuất bổ sung kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 nếu có nhu cầu.

Gửi dự kiến phương án phân bổ đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trong ngày 6/3/2023 theo đúng quy định, không để chậm trễ hơn nữa.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp danh mục dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương, báo cáo Thủ tướng, Chính phủ ngày 10/3/2023 trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.

6.jpg
Ảnh minh họa. Ảnh: VGP

Cho phép áp dụng thí điểm hướng dẫn về xây dựng giá gói thầu trang thiết bị y tế

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 4/3/2023 về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế (TTBYT).

Theo đó, sửa đổi khoản 4 Nghị quyết số 144/NQ-CP ngày 05/11/2022 của Chính phủ như sau: “Cho phép tiếp tục thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất theo kết quả lựa chọn nhà thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Đấu thầu.

Trường hợp trong hồ sơ mời thầu, chủ đầu tư hoặc bên mời thầu quy định nội dung nhà thầu trúng thầu vật tư, hóa chất có trách nhiệm cung cấp trang thiết bị y tế để sử dụng vật tư, hóa chất thì nhà thầu trúng thầu phải cung cấp trang thiết bị y tế theo yêu cầu của chủ đầu tư.

Chi phí khám bệnh, chữa bệnh của các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất quy định tại khoản này được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán. Trường hợp hết thời hạn hợp đồng thì được tiếp tục thanh toán đến khi sử dụng hết vật tư, hóa chất đã mua.

Cho phép các cơ sở y tế được áp dụng thí điểm hướng dẫn về xây dựng giá gói thầu TTBYT trong năm 2023.

Cho phép các cơ sở y tế được sử dụng các TTBYT đã được cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài hiến, biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ (bao gồm các trang thiết bị y tế liên doanh, liên kết đã hết thời hạn hợp đồng) nhưng chưa hoàn thành thủ tục xác lập sở hữu toàn dân để khám bệnh, chữa bệnh. Các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng TTBYT này được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán…

Trước đó, ngày 3/3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã thay mặt Chính phủ ký ban hành Nghị định số 07/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 08/11/2021 về quản lý TTBYT nhằm khơi thông các vướng mắc giải quyết các tồn tại, hạn chế, bất cập phát sinh trong thời gian vừa qua, đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý và yêu cầu hội nhập trong lĩnh vực TTBYT.

Cũng trongngày 3/3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 172/QĐ-TTg ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ hai.

5.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Không yêu cầu người dân xuất trình hoặc nộp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy

Ngày 28/02/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký ban hành Công điện số 90/CĐ-TTg chấn chỉnh thực hiện quy định liên quan đến bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy.

Công điện chỉ rõ, vẫn còn nhiều địa phương chưa thực hiện nghiêm quy định và chỉ đạo của Chính phủ, nên dẫn đến tình trạng gây phiền hà cho cá nhân, tổ chức, vẫn còn tình trạng yêu cầu người dân xuất trình các loại giấy tờ chứng minh thông tin về cư trú như giấy xác nhận thông tin về cư trú, thông báo số định danh cá nhân.

Một số địa phương đã kết nối với hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đảm bảo điều kiện nhưng vẫn hạn chế khai thác, sử dụng thông tin dân cư trong giải quyết TTHC.

Phó Thủ tướng đã yêu cầu Bộ trưởng các Bộ, thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, khẩn trương hoàn thành kết nối và thực hiện tái cấu trúc quy trình, hoàn thiện quy trình nội bộ để khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ giải quyết TTHC, không yêu cầu người dân xuất trình hoặc nộp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy; khẩn trương hướng dẫn, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức, cá nhân, cơ quan có thẩm quyền được giao tiếp nhận, giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công khai thác thông tin cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư...

Sau khi ký ban hành Công điện, sáng 01/3, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp với một số Bộ, ngành về vấn đề này.

4.jpg
Phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 13-13,5%/năm. Ảnh: Internet

Năm 2030, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 30%

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 165/QĐ-TTg ngày 28/02/2023 phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030.

Mục tiêu tổng quát của Đề án là tái cơ cấu ngành Công Thương nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của ngành.

Tạo lập các động lực tăng trưởng mới gắn với chuyển biến về chất mô hình tăng trưởng của ngành Công Thương cùng một mô hình quản trị nhà nước năng động, hiệu quả, hiện đại và có tính thích ứng cao để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững.

Phấn đấu đến năm 2030 là nước có công nghiệp hiện đại, thuộc nhóm quốc gia có năng lực cạnh tranh công nghiệp cao.

Về mục tiêu cụ thể, Đề án đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân trên 8,5%/năm; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 30% vào năm 2030.

Đảm bảo cân đối cung cầu về năng lượng với tỷ lệ tiêu hao năng lượng tính trên đơn vị GDP giảm 1-1,5%/năm; duy trì thặng dư cán cân thương mại với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu luôn cao hơn nhập khẩu và tăng bình quân khoảng 6-8%/năm.

Tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 13-13,5%/năm…/.

HỒNG NHUNG