Bài 3: Tính dân tộc trong văn hóa không ngừng vận động để đưa đất nước phát triển trường tồn, hội nhập

Xã hội - Ngày đăng : 13:45, 07/03/2023

Dân tộc hóa là một trong ba nguyên tắc (dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa) xây dựng văn hóa được xác định trong Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943. Đây là nguyên tắc đầu tiên và quan trọng trong việc hình thành nên một nền văn hóa độc lập. PGS,TS. Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khẳng định, đến nay, nguyên tắc này còn nguyên giá trị và vận động không ngừng để thích ứng trong tình hình mới, tạo điều kiện phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước
dsc_0135-1600x1200-.jpg
Nguyên tắc dân tộc hóa trong văn hóa đã tạo sức mạnh tinh thần, thúc đẩy công cuộc giải phóng dân tộc thành công. Ảnh tư liệu

Dân tộc hóa - tạo nguồn sức mạnh tinh thần để giải phóng dân tộc

Theo PGS,TS. Bùi Hoài Sơn, văn hóa trong Đề cương bao gồm cả tư tưởng, học thuật và nghệ thuật. Đặt trong bối cảnh năm 1943, tức là khi đất nước ta còn đang chịu ách nô lệ, đô hộ của ngoại xâm thì mục tiêu quan trọng nhất của toàn dân tộc là giành được độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Ngay những ngày tháng đầu tiên khi đất nước độc lập, một trong những hoạt động sớm nhất của chúng ta là thành lập các hội văn hóa cứu quốc ở các tỉnh. Ngày 16/11/1946, trong thư của đồng chí Trường Chinh gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhiệm vụ văn hóa Việt Nam trong công cuộc cứu nước và xây dựng nước, xác định văn hóa và cách mạng giải phóng dân tộc như sau: “1. Trước cuộc cách mạng, văn hóa cách mạng đóng một vai trò khá quan trọng là tuyên truyền giác ngộ, cổ động nhân dân khởi nghĩa giành độc lập; 2. Trong cuộc cách mạng, văn hóa cách mạng phải kích thích tinh thần khởi nghĩa, làm sôi nổi nhiệt huyết cách mạng của nhân dân, thôi thúc nhân dân nổi dậy tất cả giành lấy chủ quyền; kháng chiến giữ vững chủ quyền ấy. 3. Sau cuộc cách mạng, văn hóa cách mạng phải động viên mọi lực văn hóa của dân tộc, hăng hái tham gia kiến quốc; gây đời sống mới, gột rửa những tư tưởng, tập quán hủ bại, giáo dục nhân dân, làm cho dân tộc có một nền văn hóa tiến bộ”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu khẩu hiệu Tổ quốc trên hết như một cách để huy động nhân dân, lấy lợi ích của Tổ quốc để liên kết mọi người. “Như vậy, dân tộc hóa chính là cách chúng ta huy động tình yêu nước thông qua nhận thức về những giá trị chung, nguồn gốc tổ tiên chung của dân tộc, từ đó hình thành nên sức mạnh của tình đoàn kết” - PGS,TS. Bùi Hoài Sơn gợi nhắc.

Đất nước ta trải qua nhiều cuộc chiến tranh. Kết quả, chúng ta đều chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Theo Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn, vũ khí lớn nhất của chúng ta không phải là khí tài quân sự hiện đại mà chính là lòng yêu nước, tinh thần dân tộc. Mọi người đều thuộc và hiểu nội dung của những bài Nam quốc sơn hà, Hịch tướng sĩ, hay Bình Ngô đại cáo, các câu ca dao, tục ngữ về lòng yêu nước, những câu chuyện gắn bó con người với đất nước như về Hùng Vương, Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Quang Trung...

Không phải ngẫu nhiên, năm 1954, trước khi về Thủ đô, Bác Hồ đến thăm Đền Hùng và để lại câu nói truyền cảm hứng và niềm tin cho toàn dân tộc: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Những bài hát ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi lãnh tụ chính là một kết quả tất yếu của tư tưởng dân tộc hóa. Những bài hát với lời ca như “đường ra trận mùa này đẹp lắm”, “ta tự hào đi lên ôi Việt Nam”, “Đảng đã cho ta cả mùa xuân của cuộc đời. Đảng truyền cho ta một niềm tin ở tương lai”... đã là niềm cảm hứng cho bao thế hệ thanh niên tình nguyện, vui vẻ ra trận; Những bài hát về Chủ tịch Hồ Chí Minh như “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người”, “Người là niềm tin tất thắng”... đến nay vẫn là nguồn cổ vũ, động viên mọi người về tấm gương đạo đức, luôn đem lại biết bao xúc động trong lòng nhân dân cả nước.

“Đây chính là sức mạnh tinh thần quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và giải phóng đất nước về sau này để văn hóa trở thành cột mốc chủ quyền của đất nước” - PGS,TS. Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Đặt trong mối quan hệ với hai nguyên tắc còn lại là đại chúng hóa và khoa học hóa, chúng ta càng thấy rõ hơn ý nghĩa của nguyên tắc dân tộc hóa. Một dân tộc mạnh phải dựa trên sức mạnh của quần chúng. Quan tâm đến quần chúng nhân dân, khối đại đoàn kết toàn dân tộc, dựa trên sự phát triển của khoa học, giáo dục sẽ giúp dân tộc ta vững vàng và tự tin hơn trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.

Đề cao văn hóa dân tộc chính là cách chúng ta xác định chủ quyền quốc gia về văn hóa, cũng như đưa văn hóa trở thành sức mạnh để gìn giữ chủ quyền ấy, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Tôi mong chúng ta đem văn hóa lãnh đạo quốc gia để thực hiện độc lập, tự cường và sáng tạo”. 

Vai trò lĩnh xướng, khơi nguồn sáng tạo, phát triển của văn hóa

Trong bối cảnh hiện nay, phát triển văn hóa cần phải tạo tác động lan tỏa sang các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực chính trị, kinh tế. Chủ trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa chính là một trong những nhiệm vụ đột phá, thực hiện theo đúng xu thế và hoàn cảnh đất nước.

Theo đó, Đại biểu Bùi Hoài Sơn cho rằng, các ngành công nghiệp văn hóa, dựa vào tài năng sáng tạo, nguồn lực văn hóa, công nghệ và kỹ năng kinh doanh để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ văn hóa, không chỉ đưa những giá trị văn hóa vào các sản phẩm kinh tế để tạo ra lợi thế cạnh tranh, lợi ích vật chất, mà còn mang đến những hình ảnh đẹp về đất nước, văn hóa, con người Việt Nam, qua đó giúp chúng ta hình thành nên sức mạnh mềm, sức mạnh nội sinh của dân tộc.

Tuy nhiên, “chúng ta đang ở trong một bối cảnh xã hội rất phức tạp. Những tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học công nghệ, của các phương tiện truyền thông mới với internet và mạng xã hội, đã khiến sự phát triển văn hóa đang gặp những khó khăn hơn bao giờ hết” - PGS,TS. Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

le-ky-niem-va-chuong-trinh-nghe-thuat-dac-biet-ky-niem-80-nam-ra-doi-de-cuong-van-hoa-viet-nam13-1677599930118638743023-copy.jpg
Dân tộc hóa giúp dân tộc vững vàng vượt qua mọi thách thức, loại bỏ những ảnh hưởng xấu, đưa đất nước hội nhập. Ảnh: Toquoc.vn

Ví dụ như quá trình hội nhập quốc tế tạo ra rất nhiều điều kiện thuận lợi cho các quốc gia trong phát triển kinh tế - xã hội. Song, chúng ta đang gặp phải những vấn đề nhất định trong quá trình hội nhập đó, đặc biệt là việc chúng ta tiếp thu văn hóa nghệ thuật nước ngoài quá nhiều, chưa thực sự chọn lọc, trong khi đó, việc giới thiệu văn hóa nghệ thuật của Việt Nam ra thế giới còn hết sức hạn chế.

Tức là chúng ta đang thua trên chính sân nhà của mình trong “cuộc đua” chiến lược “quảng bá sức mạnh mềm văn hóa”. Điều này dẫn đến nguy cơ bị xâm lăng văn hóa khi người dân, đặc biệt là giới trẻ say mê với những bộ phim, câu chuyện, bài hát, thời trang hay các phong cách sống của nước ngoài, mà quên đi những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.

Đây là xu thế hết sức đáng báo động khi chúng ta biết điều này không chỉ dẫn đến việc xao nhãng văn hóa dân tộc, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021: “Văn hóa còn thì dân tộc còn”, với thông diệp được truyền đi: chính việc thất thế trong mặt trận văn hóa nghệ thuật sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển chung của đất nước, trong nỗ lực xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc mà chúng ta đang theo đuổi.

Do đó, từ việc nhận diện rõ thực trạng này, ông cho rằng, đảm bảo nguyên tắc dân tộc hóa, song cần tránh bảo thủ để lựa chọn được tinh hoa văn hóa thế giới, tránh lập dị, bi quan, thần bí, duy tâm để hình thành nên một môi trường tích cực, văn minh, thuận lợi cho sự phát triển đất nước. “Đây cũng chính là một trong những lý do quan trọng để chúng ta có thêm quyết tâm xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa tạo nên sức mạnh tổng hợp cho đất nước, tạo nên bản lĩnh cho cả dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế” - PGS,TS. Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Từ những nhận định, đánh giá nêu trên, Đại biểu Bùi Hoài Sơn đúc kết: Trải qua thời gian, cùng với những chặng đường phát triển từ mục tiêu giành lại độc lập cho dân tộc, xây dựng đất nước, và hội nhập quốc tế, nguyên tắc dân tộc hóa đã giúp định hướng đất nước trong việc giải phóng dân tộc, xác định chủ quyền quốc gia, tạo sức mạnh nội sinh cho dân tộc. Do đó, “chúng ta rất cần bổ sung những thông điệp, nội dung mới phù hợp với thời đại cho nguyên tắc dân tộc hóa, để từ đó hình thành nên sức mạnh nội sinh, hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam từ nguyên tắc quan trọng này” - ông lưu ý.

N.LỘC