Thiết kế lại thị trường xăng dầu

Góc nhìn - Ngày đăng : 13:25, 09/03/2023

Để tiến tới xây dựng thị trường xăng dầu cạnh tranh lành mạnh, cần có lộ trình và bước đi hợp lý. Hiện các cơ quan chức năng đang xây dựng dự thảo bổ sung hoàn thiện các quy định về quản lý, kinh doanh xăng dầu nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia vào chuỗi kinh doanh xăng dầu.
z3390928076117_5929a6d1dc07f85fede51b3edcd23f5e.jpg
Nghị định mới về quản lý, kinh doanh xăng dầu cần hướng tới thiết lập một thị trường xăng dầu cạnh tranh lành mạnh. Ảnh tư liệu

Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP về quản lý, kinh doanh xăng dầu đang được các cơ quan chức năng xây dựng dự thảo bổ sung hoàn thiện tập trung vào thẩm quyền và nội hàm xây dựng giá cơ sở đảm bảo tính đúng, tính đủ và kịp thời các chi phí liên quan đến kinh doanh xăng dầu nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia vào chuỗi kinh doanh xăng dầu, khắc phục tình trạng đứt gãy nguồn cung do thua lỗ ở một số khâu như trong thời gian vừa qua.

Nghị định mới về quản lý, kinh doanh xăng dầu cần hướng tới thiết lập một thị trường xăng dầu cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, cùng có lợi, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng trên cơ sở khẳng định kinh doanh xăng dầu là ngành kinh doanh có điều kiện, song các điều kiện đó phải phù hợp với các nguyên tắc thị trường, đồng thời giảm dần sự can thiệp trực tiếp của Nhà nước vào sự vận hành của thị trường. Chỉ có như vậy mới có thể đảm bảo an ninh năng lượng trong lĩnh vực xăng dầu một cách vững chắc trong bối cảnh thị trường xăng dầu quốc tế thường xuyên biến động khó lường. Dĩ nhiên để tiến tới xây dựng thị trường xăng dầu cạnh tranh lành mạnh thì cần có lộ trình và bước đi hợp lý, theo đó, trước mắt cần tập trung vào các nội dung chủ yếu sau:

Thứ nhất, xóa bỏ xung đột lợi ích giữa thương nhân đầu mối với thương nhân phân phối và thương nhân bán lẻ như đã xảy ra trong thời gian gần đây thông qua sửa đổi các nội dung khắc phục tình trạng bất bình đẳng liên quan đến quyền mua bán, quyền định giá, tính chiết khấu... khiến cho không ít thương nhân phân phối và bán lẻ đã lâm vào cảnh thua lỗ nặng nề, đứt gãy nguồn cung, thậm chí đối mặt nguy cơ phá sản và hệ lụy lan đến cả một số thương nhân đầu mối, gây nguy cơ mất an ninh năng lượng cục bộ và bất thường.

Thứ hai, hệ thống kinh doanh xăng dầu trong phạm vi điều chỉnh của Nghị định về quản lý, kinh doanh xăng dầu mới chỉ đề cập đến 3 bộ phận trong chuỗi cung ứng hàng chục triệu tấn xăng dầu hằng năm là thương nhân đầu mối, phân phối và bán lẻ nhưng chưa điều chỉnh hai nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Dung Quất vốn đã chiếm tới 70% nguồn cung xăng dầu cho cả nước, còn xăng dầu do thương nhân đầu mối nhập khẩu chỉ còn chiếm 30%. Căn cứ vào thực trạng và dự báo tương lai ngành xăng dầu nước ta thì văn bản pháp lý về quản lý, kinh doanh xăng dầu cần điều chỉnh hành vi của cả 3 đối tượng tham gia chuỗi cung ứng xăng dầu là nhà máy lọc dầu, thương nhân đầu mối mua từ nhà máy lọc dầu và nhập khẩu, thương nhân phân phối bao gồm cả bán buôn và bán lẻ.

Thứ ba, quy định hiện hành về chiết khấu, lợi nhuận và chi phí định mức trong giá cơ sở vô hình trung coi thương nhân phân phối và bán lẻ nằm trong chuỗi của thương nhân đầu mối, phụ thuộc hoàn toàn vào thương nhân đầu mối nên mức chiết khấu vừa chưa hợp lý, vừa mang tính ban phát không phù hợp với kinh tế thị trường. Đặc biệt, khi nguồn cung eo hẹp thì mức chiết khấu về không, thậm chí âm. Mặc dù luật pháp cho phép thương nhân phân phối và bán lẻ có thể tiếp cận nhiều đầu mối nhưng thủ tục thay đổi thực tế rất phức tạp, khó thực hiện nên thực chất vẫn là mô hình đại lý độc quyền. Rõ ràng, thị trường xăng dầu chỉ có cạnh tranh lành mạnh khi đảm bảo được tính độc lập của thương nhân phân phối với thương nhân đầu mối thông qua cơ chế mua bán với giá trần do Nhà nước quy định trước khi tiến tới theo giá thị trường sau khi đã xây dựng được thị trường xăng dầu cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng thay vì cơ chế đại lý và chiết khấu như hiện nay. Bên cạnh đó, văn bản pháp lý cần quy định rõ và đảm bảo khả năng thực thi trong thực tế quyền gia nhập thị trường, quyền cạnh tranh chống độc quyền và quyền rời khỏi thị trường của các thương nhân kinh doanh xăng dầu có đủ điều kiện.

Thứ tư, quan điểm của cơ quan quản lý là quy định giá bán lẻ như mức giá trần để các thương nhân cạnh tranh với nhau song thực tế những năm qua không có cạnh tranh về giá cả. Nhằm thúc đẩy các thương nhân xăng dầu cạnh tranh về giá thì một mặt, giá cơ sở cần tính đúng, tính đủ, tính chính xác và kịp thời các biến động của mỗi yếu tố cấu thành, phù hợp với diễn biến của thị trường các yếu tố đó. Mặt khác, trong khi chưa thể để giá cho thị trường quyết định thì giá do Nhà nước công bố chính là giá trần và không chỉ có giá trần bán lẻ mà cần có cả giá trần bán buôn và giá trần từ nhà sản xuất trong nước lẫn nhập khẩu từ nước ngoài. Hơn nữa, các loại giá trần xăng dầu do Nhà nước quy định nên thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương thay vì liên Bộ Công Thương và Tài chính như hiện nay./.

TS. VŨ ĐÌNH ÁNH