Đảm bảo quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác

Kinh tế - Ngày đăng : 08:22, 10/03/2023

(BKTO) - Quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác đã được quy định trong Luật Khoáng sản năm 2010. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những đóng góp của hoạt động khoáng sản đối với tái đầu tư cơ sở hạ tầng cho địa phương cũng như đảm bảo mức sống, thu nhập, cơ hội việc làm của người dân vùng có khoáng sản còn nhiều hạn chế...
z4167787507453_e807dee2ca5ab1d2f633b66457abc262.jpg
Khai thác khoáng sản cần song hành với mục tiêu giảm nghèo bền vững. Ảnh: TTXVN

Cơ chế đầu tư cơ sở hạ tầng chủ yếu trên tinh thần tự nguyện của doanh nghiệp

Điều 5, Luật Khoáng sản năm 2010 quy định: Địa phương nơi có khoáng sản được khai thác được Nhà nước điều tiết khoản thu từ hoạt động khai thác khoáng sản để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, Điều Luật này cũng quy định rõ các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trên địa bàn có trách nhiệm: Hỗ trợ chi phí đầu tư nâng cấp, duy tu, xây dựng hạ tầng kỹ thuật sử dụng trong khai thác khoáng sản và xây dựng công trình phúc lợi cho địa phương nơi có khoáng sản được khai thác theo quy định của pháp luật; kết hợp khai thác với xây dựng hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ, phục hồi môi trường theo dự án đầu tư khai thác khoáng sản; nếu gây thiệt hại đến hạ tầng kỹ thuật, công trình, tài sản khác thì tùy theo mức độ thiệt hại phải có trách nhiệm sửa chữa, duy tu, xây dựng mới hoặc bồi thường theo quy định của pháp luật; ưu tiên sử dụng lao động địa phương vào khai thác khoáng sản và các dịch vụ có liên quan; cùng với chính quyền địa phương bảo đảm việc chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân có đất bị thu hồi để khai thác khoáng sản.

Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam Nguyễn Văn Nguyên thừa nhận, thực tế số lượng các doanh nghiệp khai thác khoáng sản quan tâm hỗ trợ người dân và địa phương nơi có khoáng sản được khai thác còn khiêm tốn. Số liệu tổng hợp từ báo cáo của 63 tỉnh/thành phố giai đoạn 2012-2020 cho thấy, các tổ chức hoạt động khoáng sản mới hỗ trợ cho người dân số tiền hơn 126 tỷ đồng. Đây là con số rất nhỏ và hạn chế. Trong khi đó, người dân, địa phương nơi có khoáng sản được khai thác là đối tượng chịu tác động trực tiếp từ hoạt động khoáng sản. Quyền lợi của họ là được hưởng một phần từ nguồn thu hoạt động khoáng sản; được doanh nghiệp khai thác hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; được chuyển đổi nghề nghiệp, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án khai thác khoáng sản…

Theo ông Nguyên, cơ chế, chính sách đảm bảo thực thi quyền lợi cộng đồng hiện nay được đánh giá là chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ, còn chồng chéo. Nhiều chính sách chưa phát huy được vai trò trong quản lý cũng như điều tiết lợi ích các bên liên quan trong hoạt động khoáng sản, chưa đảm bảo thực hiện được các mục tiêu phát triển bền vững đã đặt ra. Bất cập về chính sách cũng thể hiện qua việc các quy định hiện hành không quy định rõ về tỷ lệ lao động địa phương tối thiểu doanh nghiệp phải sử dụng, về trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc đảm bảo quyền lợi của người lao động. Cơ chế đầu tư cơ sở hạ tầng trong khu vực cũng chủ yếu dựa trên tinh thần tự nguyện, hỗ trợ của doanh nghiệp mà chưa có quy định cụ thể.

Điều đáng nói, địa phương nơi có khu vực khoáng sản khai thác chịu ảnh hưởng nặng nề do hoạt động khai thác nhưng không được đầu tư đúng mức trong vấn đề thiết yếu như: Khắc phục ô nhiễm môi trường, nước sạch hay an sinh xã hội... Chưa kể, vai trò của người dân trong hoạt động khoáng sản chưa thể hiện rõ, vẫn mang tính hình thức. Người dân chưa thực sự được tham gia, giám sát hoạt động khoáng sản đang diễn ra. Nguồn hỗ trợ, đền bù từ việc thu hồi đất đai còn hạn chế, chưa đảm bảo được sự phát triển bền vững trong tương lai. Môi trường sống của người dân ở những khu vực khai thác khoáng sản chưa thực sự được đảm bảo…

Xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản

Ngày 10/02/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đáng chú ý, giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đã nhấn mạnh yêu cầu: Rà soát, quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khai thác khoáng sản; việc tái đầu tư nguồn thu từ khai thác khoáng sản để đầu tư phát triển giáo dục, y tế, hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội... cho địa phương và người dân nơi khai thác khoáng sản.

Để tháo gỡ những bất cập của Luật Khoáng sản năm 2010 nói chung, cũng như đảm bảo quyền lợi của địa phương nơi có khoáng sản được khai thác nói riêng, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì xây dựng dự án Luật Địa chất và Khoáng sản. Mới đây, Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 09/02/2023 Phiên họp Chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 01/2023 của Chính phủ đã thống nhất đưa dự án Luật Địa chất và Khoáng sản vào Chương trình năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).

Là đơn vị trực tiếp xây dựng dự án, Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam Mai Thế Toản cho biết, Cục Khoáng sản Việt Nam đã chủ trì, phối hợp với Cục Địa chất Việt Nam và Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và Môi trường dự thảo quyết định thành lập các Tiểu ban chuyên đề giúp việc Tổ biên tập xây dựng dự án Luật Địa chất và Khoáng sản. Đơn vị đã tổ chức rà soát và lập bảng tổng hợp các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Khoáng sản năm 2010 theo từng nhóm tiêu chí: Tính đồng bộ về chính sách và với luật khác, sự phù hợp với các điều ước/cam kết quốc tế; các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành; đề xuất phương án giải quyết cụ thể cho từng vấn đề.

Giới chuyên gia kỳ vọng, Luật Địa chất và Khoáng sản mới sẽ có những quy định cụ thể, chi tiết hơn về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trong việc hỗ trợ địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác, đặc biệt, khai thác khoáng sản cần song hành với mục tiêu giảm nghèo bền vững./.

HỒNG NHUNG