Thuế tối thiểu toàn cầu: Nhiều nước chuẩn bị áp dụng, Việt Nam không thể chần chừ!
Kinh tế - Ngày đăng : 08:24, 10/03/2023
Chậm áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam sẽ chịu nhiều thiệt hại
Cuối năm 2022, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua kế hoạch áp dụng thuế suất tối thiểu 15% từ năm 2024. Quốc hội Hàn Quốc cũng đã thông qua Đạo luật Điều chỉnh thuế, trong đó sẽ áp dụng cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu 15% từ năm 2024. Chính phủ Nhật Bản cũng đã đưa ra Dự thảo Cải cách thuế, tiến tới việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm tài chính 2024... Các nước và vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư như: Indonesia, Malaysia hay Hong Kong cũng đang tích cực chuẩn bị cho việc chính thức áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024.
Theo nhận định của các chuyên gia tài chính, các quốc gia nói trên có nguồn vốn đầu tư nước ngoài lớn vào Việt Nam. Do đó, việc chính thức áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu của các quốc gia này sẽ có nhiều tác động tới các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp ngoài (FDI) tại Việt Nam. Việt Nam có hơn 26.000 DN FDI đang hoạt động, trong đó có khoảng hơn 200 DN có doanh thu 750 triệu Euro sẽ thuộc diện được áp thuế tối thiểu toàn cầu. Với số lượng FDI này, mỗi năm nước ta mất khoảng vài tỷ USD tiền thuế nếu chậm áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, đây là thiệt hại về mặt tài chính nhưng nghiêm trọng hơn là thiệt hại về môi trường đầu tư (nhà đầu tư nước ngoài sẽ dịch chuyển dòng vốn sang các quốc gia áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu).
Thuế suất tối thiểu toàn cầu nằm trong Chương trình hành động chống xói mòn thu ngân sách, trốn tránh thuế toàn cầu (BEPS) có sự tham gia của 141 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam. Theo đó, các công ty lớn có doanh thu hợp nhất toàn cầu hằng năm từ 750 triệu EURO (19.500 tỷ đồng) sẽ bị áp dụng mức thuế suất tối thiểu 15%. Điều này có nghĩa, nếu mức thuế áp dụng tại các quốc gia mà DN này đến đầu tư thấp hơn 15% thì DN sẽ phải nộp số thuế thiếu hụt còn lại cho quốc gia nơi họ có trụ sở chính.
Ông Thomas McClelland - Phó Tổng Giám đốc phụ trách dịch vụ tư vấn thuế, Deloitte Việt Nam - nhận định: Nếu không có những hành động ngay hoặc chậm trễ trong việc triển khai thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội giành quyền đánh thuế vì khi đó, các quốc gia đầu tư thuộc khối EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia khác sẽ thực hiện thu thuế bổ sung, nhiều khả năng bắt đầu từ năm 2024.
Theo TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam, việc triển khai thuế tối thiểu toàn cầu góp phần tăng nguồn thu từ thuế, hạn chế các hiện tượng trốn, tránh thuế, chuyển giá… của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam, góp phần tăng cường hội nhập quốc tế, cải cách hệ thống thuế theo hướng phù hợp thông lệ, chuẩn mực quốc tế. Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực cũng nhận định, dòng vốn đầu tư sẽ có sự dịch chuyển khi một loạt quốc gia áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu 15% từ năm sau và Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Gấp rút chuẩn bị các điều kiện cần thiết
Từ phân tích trên, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, Bộ Tài chính cần rà soát, đánh giá đầy đủ chính sách ưu đãi thuế. Nếu áp dụng mức thuế 15%, đối tượng chịu tác động là ai, mức độ, quy mô ra sao. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất Chính phủ trình Quốc hội sớm ban hành, điều chỉnh các chính sách về thuế, kế toán phù hợp với tiêu chuẩn và các quy định quốc tế; rà soát, thay đổi chính sách thu hút vốn FDI theo hướng tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh từ các yếu tố như: Môi trường đầu tư, kinh doanh, lao động có kỹ năng, cơ sở hạ tầng, hệ thống DN vệ tinh, phụ trợ… thay vì ưu đãi về thuế.
Về giải pháp cụ thể đối với Việt Nam, GS,TSKH. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE) - cho rằng, do đây là cuộc chạy đua với thời gian nên cần phải thực hiện một loạt giải pháp. Đầu tiên, Việt Nam cần nghiên cứu đầy đủ các văn bản của G7, G20, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) có liên quan đến cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu, tham khảo quy định của một số nước lớn như Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước thành viên ASEAN, từ đó chọn lọc những nội dung phù hợp để áp dụng trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, Luật DN và Luật Quản lý thuế. Hai là, cần rà soát các quy định ưu đãi đầu tư của Việt Nam có liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), đối chiếu với các văn bản của G7, G20 và OECD để loại bỏ những quy định không tương thích. Ba là, cần nghiên cứu hoàn thiện chính sách pháp luật về thuế đối với các tổ chức nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam nhưng phát sinh hoạt động kinh doanh và thu nhập tại Việt Nam.
Bốn là, đàm phán lại Hiệp định tránh đánh thuế hai lần để cập nhập, bổ sung các khái niệm về cơ sở thường trú trong bối cảnh Cách mạng công nghệ 4.0 và kinh tế số, thay đổi một số nội dung có liên quan đến việc áp dụng cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu của hai nước. Năm là, đánh giá thiệt hại về số thuế TNDN mà các quốc gia hay vùng lãnh thổ nơi đóng trụ sở chính của các tập đoàn đa quốc gia sẽ hưởng lợi. Sáu là, đàm phán với từng công ty xuyên quốc gia chịu tác động của cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu để thỏa thuận về giải pháp cùng có lợi. Bảy là, cần xác định thời gian thực hiện các công việc có liên quan đến áp dụng cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam. Chậm nhất đến ngày 30/6/2023, phải hoàn thành kiến nghị của Tổ công tác để Bộ Tài chính trình Chính phủ phương án sửa Luật Đầu tư, Luật DN và Luật Quản lý thuế cùng các văn bản dưới luật có liên quan. Sau đó, Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp cuối năm 2023 để các luật sửa đổi này có hiệu lực từ đầu năm 2024.
Ông Lưu Đức Huy - Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) - cho biết, tháng 02/2023, Bộ Tài chính đã thành lập Nhóm giúp việc Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD. Hiện Nhóm đang nghiên cứu để đề xuất giải pháp liên quan đến vấn đề này./.