Làm rõ các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán quản lý quy hoạch và cấp phép xây dựng
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 19:27, 10/03/2023
ThS. Trần Kim Lộc - Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán - làm Chủ tịch Hội đồng. Đề tài do ThS. Đỗ Thị Thu Phương và CN. Nguyễn Thị Quỳnh (KTNN khu vực I) - đồng chủ nhiệm.
Theo Ban Đề tài, những năm vừa qua, công tác quản lý quy hoạch và cấp phép xây dựng luôn được chính quyền các địa phương và các cấp, các ngành quan tâm, chú trọng và đã đạt được những kết quả nhất định.
Tuy vậy, vẫn còn không ít những hạn chế làm cho công tác quản lý quy hoạch và cấp phép xây dựng chưa thực sự phát huy hiệu quả. Thậm chí, việc quy hoạch không hợp lý, thiếu đồng bộ tại một số khu vực đô thị trên địa bàn thủ đô còn là nguyên nhân gây quá tải về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, ảnh hưởng xấu tới môi trường, gây lãng phí nguồn lực, bức xúc trong nhân dân.
Trước yêu cầu của xã hội, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 82/2019/QH14 ngày 14/6/2019 về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai đô thị. Trong đó, Khoản 3 Điều 2 của Nghị quyết này có giao nhiệm vụ cho KTNN: “Tăng cường kiểm toán các nội dung có liên quan đến hoạt động quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai tại đô thị khi xây dựng chương trình kiểm toán hằng năm”.
Trước thực trạng đó, với vị thế là đơn vị được Tổng Kiểm toán nhà nước giao nhiệm vụ kiểm toán trên địa bàn khu vực I, KTNN khu vực I đã luôn quan tâm, chú trọng đến công tác kiểm toán việc quản lý quy hoạch và cấp phép xây dựng. Các nội dung về quy hoạch và cấp phép xây dựng luôn được xác định là trọng tâm trong các cuộc kiểm toán chuyên đề về quản lý, sử dụng đất đai khu đô thị hoặc quản lý, sử dụng đất doanh nghiệp cổ phần hóa.
Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN khu vực I đã phát hiện nhiều hạn chế trong công tác quản lý quy hoạch và cấp phép xây dựng tại các địa phương và các dự án, đồng thời đưa ra các kiến nghị kiểm toán quan trọng, có giá trị đối với các địa phương nhằm nâng cao tính hiệu lực và hiệu quả trong công tác quản lý quy hoạch và cấp phép xây dựng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc kiểm toán công tác quản lý quy hoạch và cấp phép xây dựng tại các đô thị của KTNN khu vực I vẫn còn nhiều hạn chế về chất lượng như: Phạm vi kiểm toán chưa bao quát; kết quả kiểm toán chưa cao; chưa có nhiều kiến nghị mang tính vĩ mô và các kiến nghị về cơ chế, chính sách; hiệu lực một số kiến nghị kiểm toán chưa đảm bảo; việc áp dụng mẫu biểu hồ sơ kiểm toán và việc tổ chức thực hiện kiểm toán còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Điều này làm cho việc thực hiện nhiệm vụ kiểm toán công tác quản lý quy hoạch và cấp phép xây dựng trên địa bàn của KTNN khu vực I chưa ngang tầm với yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Do đó, việc nâng cao chất lượng và hoàn thiện công tác kiểm toán việc quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng tại các đô thị là yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với KTNN khu vực I. Bởi vậy, Ban Đề tài đã lựa chọn nghiên cứu Đề tài này.
Đề tài gồm 2 chương. Chương 1: Cơ sở lý luận và thực trạng công tác kiểm toán việc quản lý quy hoạch và cấp phép xây dựng tại các đô thị do KTNN khu vực I thực hiện giai đoạn 2016-2021; Chương 2: Các giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán việc quản lý quy hoạch và cấp phép xây dựng tại các đô thị do KTNN khu vực I thực hiện.
Tại buổi nghiệm thu, các thành viên Hội đồng đánh giá Đề tài có ý nghĩa thiết thực cả về lý luận và thực tiễn, đề xuất được các giải pháp cụ thể, có tính khả thi, góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán.
Để Đề tài hoàn thiện hơn, Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban Đề tài cần thống nhất giữa khoảng thời gian thuộc phạm vi nghiên cứu và các cuộc kiểm toán được sử dụng để phân tích, đánh giá thực trạng; nghiên cứu bổ sung thông tin về các quy định pháp luật, bộ máy thực hiện công tác quản lý quy hoạch đô thị và cấp phép xây dựng; đánh giá cụ thể về các kết quả đạt được của công tác quản lý quy hoạch đô thị và cấp phép xây dựng thời gian qua.
Bên cạnh đó, cần phân tích cụ thể hơn để làm rõ yêu cầu và các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán công tác quản lý quy hoạch và cấp phép xây dựng, từ đó có cơ sở đánh giá thực trạng và đề xuất kiến nghị; nêu khái quát nội dung chính của Đề cương hướng dẫn kiểm toán chuyên đề việc quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng tại các đô thị giai đoạn 2017-2020, lưu ý làm nổi bật được sự gia tăng về số lượng, chất lượng phát hiện, kiến nghị kiểm toán sau khi có Đề cương.
Ngoài ra, Đề tài cần bổ sung: Thông tin, đánh giá khái quát về các nội dung kiểm toán, các nhóm phát hiện kiểm toán chủ yếu; thông tin cụ thể từ các cuộc kiểm toán để minh họa cho các nhận định, đánh giá về thực trạng kiểm toán; hạn chế về mẫu biểu hồ sơ làm căn cứ đề xuất giải pháp liên quan; chú ý tách “kiến nghị” ra khỏi giải pháp.
Kết luận buổi nghiệm thu, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu Trần Kim Lộc đánh giá cao sự nỗ lực của Ban Đề tài. Đề tài đã được nghiên cứu công phu, tiếp cận có hệ thống, kết cấu phù hợp.
Chủ tịch Hội đồng đề nghị Ban Đề tài tiếp thu tối đa (có chọn lọc, hợp lý) ý kiến của các thành viên trong Hội đồng; phần giải pháp tách thành 2 nội dung là giải pháp và kiến nghị; làm rõ các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán quản lý quy hoạch và cấp phép xây dựng; biên tập đảm bảo logic, bổ sung trích nguồn dữ liệu.
Đề tài được Hội đồng nghiệm thu xếp loại Khá./.