Dự án Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1: Tăng tổng mức đầu tư và lãng phí hàng triệu USD phí bảo hiểm
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 10:45, 08/06/2018
(BKTO) - Dự án Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư từ thời điểm triển khai. Đến ngày 26/4/2013, Tổng Công ty Phát điện 1 (Genco1) tiếp nhận và đưa công trình vào vận hành phát điện thương mại. Mục tiêu của Dự án là cung cấp điện cho hệ thống điện miền Nam và hệ thống điện quốc gia, đáp ứng chương trình phát triển nguồn điện trong Quy hoạch phát triển điện quốc gia giai đoạn 2006-2015 có xét đến năm 2025. Tổng mức đầu tư (TMĐT) sau hai lần điều chỉnh là hơn 29.245 tỷ đồng. Đến tháng 01/2016, cả hai tổ máy đã hoàn thành phát điện thương mại.
Là một dự án được chú trọng đầu tư nhưng trong quá trình thực hiện, Dự án vẫn xảy ra rất nhiều sai phạm. Chưa kể đến những thiếu sót trong khi đánh giá tác động môi trường, trong việc áp dụng công nghệ nhiệt điện ngưng hơi với nhiều điểm hạn chế như suất đầu tư cao, thời gian xây dựng dài và vận hành không linh hoạt… Những sai sót này đã được KTNN chỉ rõ bên cạnh các kiến nghị cụ thể.
Hàng loạt sai sót làm tăng tổng mức đầu tư
Báo cáo kiểm toán cho biết, ngay từ công tác lập, thẩm định Dự án, Chủ đầu tư đã để xảy ra những sai sót, như: không chỉ đạo thực hiện khảo sát địa chất phục vụ lập thiết kế cơ sở, dẫn đến việc phải thay đổi phương án thi công một số hạng mục cọc bê tông, cọc xi măng đất… Từ đó, công tác lập TMĐT ban đầu cũng không chính xác.
Về vấn đề nguồn vốn, KTNN xác định, Dự án chưa được tổ chức cho vay vốn thẩm định phương án tài chính và phương án trả nợ. Chính vì vậy, khi thương thảo vốn vay nước ngoài, EVN đã không lường hết được các chi phí như: lãi suất vay, chi phí bảo hiểm tín dụng, phí thu xếp… để ghi nhận vào TMĐT. Ngoài ra, Báo cáo kết quả thẩm định của Tổ thẩm định thuộc EVN cũng không đầy đủ các nội dung như: tiến độ thực hiện dự án, phân tích tài chính, hiệu quả kinh tế - xã hội, khả năng huy động vốn, các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường của Dự án...
Nguyên nhân làm TMĐT tăng còn do một số hạng mục, chi phí chưa được tính toán cụ thể, chi tiết, chỉ tạm tính để dự trù vốn đầu tư, đó là: hệ thống thải tro, xỉ theo phương án thải xỉ ướt hoặc khô; chi phí dịch vụ tư vấn nước ngoài; chi phí kiểm tra chất lượng vật liệu, đánh giá hồ sơ dự thầu; chi phí đi vay đối với nguồn vốn vay nước ngoài, chi phí nghiệm thu… Cùng với các sai sót nêu trên, KTNN còn phát hiện thiết kế cơ sở điều chỉnh được phê duyệt tại Quyết định số 333/QĐ-EVN của EVN còn có nội dung móng ống khói không phù hợp giữa thiết kế và dự toán, làm sai giá trị TMĐT.
Theo kết quả kiểm toán, công tác nghiệm thu, thanh quyết toán của Dự án cũng có nhiều sai phạm với tổng giá trị lớn: một số vật tư, thiết bị thay đổi đặc tính kỹ thuật so với hợp đồng EPC dẫn đến chênh lệch số tiền gần 179 tỷ đồng; thanh quyết toán công tác bể chứa nước hạng mục bãi xỉ khi chưa phê duyệt điều chỉnh dự toán cho phù hợp với giá trị hơn 7,9 tỷ đồng; nghiệm thu, thanh quyết toán sai quy định phần xây dựng và quy hoạch 681 triệu đồng…
Lãng phí 3,3 triệu USD phí bảo hiểm tín dụng
KTNN đã xác định, Ban Quản lý Dự án (QLDA) hạch toán chưa đúng nguồn vốn Dự án và chưa giảm một số khoản chi phí với tổng số tiền gần 62 tỷ đồng. Cùng với đó, việc EVN và Genco1 ghi nhận chi phí đầu tư và giải ngân (thanh toán, tạm ứng) gần 35.303 tỷ đồng, vượt TMĐT gần 6.057 tỷ đồng là không tuân thủ đúng theo Nghị định số 112/2009/NĐ-CP của Chính phủ. Đặc biệt, KTNN còn phát hiện Ban QLDA thanh toán một số chi phí đầu tư ngoài TMĐT, với giá trị lên đến hơn 3.308 tỷ đồng.
Dự án Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1 là dự án sử dụng vốn vay ODA đã có bảo lãnh của Chính phủ. Tuy nhiên theo KTNN, Dự án vẫn thực hiện mua bảo hiểm khoản vay với mức phí 5% (tính trên tổng nợ gốc và lãi phải trả) và thanh toán phí bảo hiểm một lần, không theo quá trình giải ngân thực tế. Đến hết thời điểm giải ngân, Chủ đầu tư không rút hết giá trị khoản vay cam kết của hai hợp đồng vay vốn nước ngoài số tiền 99,6 triệu USD, làm lãng phí 3,3 triệu USD phí bảo hiểm tín dụng với Ngân hàng Societe Generale. Mặc dù EVN đã có văn bản đề nghị giảm phí bảo hiểm nhưng đến thời điểm kiểm toán, đơn vị bảo hiểm vẫn chưa có văn bản phúc đáp. EVN cũng chưa đề xuất, trình Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền thống nhất về cơ chế cho vay lại đối với hợp đồng tín dụng của Dự án. Ngoài ra, hơn 86 tỷ đồng phí cho vay lại được Genceo1 trả cho EVN đến 30/6/2016 cũng chưa được phê duyệt trong TMĐT.
Qua kết quả kiểm toán, KTNN cũng đã chỉ rõ sai phạm trong tỷ lệ nguồn vốn theo quy định đầu tư. Cụ thể: EVN phê duyệt điều chỉnh TMĐT tại Quyết định số 145/QĐ-EVN là gần 29.246 tỷ đồng với cơ cấu nguồn vốn vay thương mại trong và ngoài nước là 85% và vốn đối ứng của ENV là 15%. Tuy nhiên, KTNN xác định tỷ lệ cơ cấu nguồn vốn thực tế không đảm bảo, vốn vay thương mại trong và ngoài nước chiếm đến 93,56%, trong khi vốn đối ứng của EVN chỉ đạt 6,43%, thấp hơn rất nhiều so với quy định.
Không đảm bảo yếu tố môi trường
Thông tin từ báo cáo kiểm toán cho thấy, EVN đã phê duyệt, điều chỉnh Dự án khi chưa được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt Báo cáo tác động môi trường. Mặt khác, trong quá trình thẩm định thiết kế cơ sở, EVN cũng không gửi báo cáo đầu tư đến Bộ Công Thương để tham gia ý kiến theo đúng quy định tại Nghị định số 16/2005/NĐ-CP, Nghị định 112/2009/NĐ-CP của Chính phủ và Công văn số 1370/BCT-NL của Bộ Công Thương về ủy quyền thẩm định, phê duyệt đối với các dự án nhiệt điện than.
Theo thiết kế cơ sở và Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Dự án sử dụng phương án thải tro, xỉ ướt. Tuy nhiên, khi thương thảo hợp đồng EPC, Chủ đầu tư lại đồng ý cho nhà thầu thải tro, xỉ khô, đây là phương án chưa được báo cáo với Bộ Tài nguyên và Môi trường. Sau khi dự án hoàn thành, Ban QLDA mới lập hồ sơ điều chỉnh trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường và được Tổng Cục môi trường chấp thuận. Mặc dù vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn chưa chấp thuận các thay đổi này.
Trên thực tế, Dự án được đưa vào vận hành từ tháng 01/2016, thế nhưng đến thời điểm kiểm toán (10/2016), Ban QLDA vẫn chưa được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, cấp giấy xác nhận các công trình bảo vệ môi trường trong giai đoạn vận hành như xả thải vào nguồn nước; cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước biển… KTNN cũng phát hiện, trong các ngày 17/02/2016 và 07/3/2016, khi khởi động lò bằng dầu FO, hệ thống xử lý bụi, khí thải chưa được đưa vào vận hành làm phát sinh chất gây ô nhiễm môi trường xung quanh nhà máy. Thiết kế cửa xả nước thải vào hệ thống tiêu thoát cũng ở vị trí không thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
Cần nghiêm túc thực hiện kiến nghị xử lý tài chính và trách nhiệm của tập thể, cá nhân sai phạm
Từ kết quả kiểm toán nêu trên, KTNN đề nghị Ban QLDA xử lý tài chính hơn 4.516 triệu đồng, bao gồm giảm trừ thanh toán hơn 681 triệu đồng và các kiến nghị xử lý khác hơn 4.515 triệu đồng. Ban QLDA cần đẩy nhanh tiến độ đàm phán, thương thảo với nhà thầu EPC về một số vật tư, thiết bị không đúng theo hợp đồng với số tiền gần 179 tỷ đồng; xác định và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt doanh thu chạy thử bù trừ chi phí chạy thử hơn 438 tỷ đồng để làm cơ sở ghi nhận chi phí đầu tư Dự án.
Riêng với EVN, Tập đoàn cần tiếp tục phối hợp, làm việc cùng đơn vị bảo hiểm để giảm phí bảo hiểm tương ứng với số tiền giải ngân, qua đó giảm chi phí đầu tư cho Dự án. Tập đoàn cũng phải nghiêm túc rút kinh nghiệm đối với những tập thể, cá nhân đã vi phạm các nội dung: thanh toán các khoản chi phí đầu tư, chi phí đi vay nước ngoài không nằm trong TMĐT đã được phê duyệt; thẩm định Dự án chưa đầy đủ các nội dung theo quy định; chưa tuân thủ các phương án về đánh giá tác động môi trường; chưa gửi báo cáo đến các đơn vị liên quan theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
KTNN cũng đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo, kiểm tra làm rõ việc EVN và các đơn vị liên quan thanh toán một số chi phí đầu tư, các khoản chi phí đi vay nguồn vốn nước ngoài vượt TMĐT gần 6.057 tỷ đồng; thương thảo, ký hợp đồng tín dụng nước ngoài với phí bảo hiểm cao trong khi khoản vay này đã có bảo lãnh của Chính phủ; chưa báo cáo với Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước về cơ chế cho vay lại đối với Dự án.
Với Bộ Tài nguyên và Môi trường, cần tổ chức thẩm định, phê duyệt và cấp giấy phép hoạt động cho các công trình bảo vệ môi trường trong quá trình vận hành Dự án; chỉ đạo Tổng Cục môi trường kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc chấp thuận phương án điều chỉnh xả thải tro, xỉ ướt sang tro, xỉ khô, không đúng theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt.
Với Bộ Tài chính, cần tăng cường vai trò của cơ quan quản lý bảo lãnh chính phủ trong việc trình Chính phủ các dự án vay vốn nước ngoài được xem xét cấp bảo lãnh chính phủ, nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của người được bảo lãnh. Bên cạnh đó, Bộ cũng cần trình Chính phủ xem xét việc không cấp và thu phí bảo lãnh đối với các dự án vay vốn nước ngoài do chủ đầu tư tự chịu trách nhiệm về khoản vay và có hợp đồng bảo hiểm nhằm giảm nợ công, đồng thời đảm bảo hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm tín dụng.
THÙY LÊ