Thông qua Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Địa phương - Ngày đăng : 20:26, 10/03/2023
Tại Kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh đã thảo luận, biểu quyết thông qua Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với 10 nội dung chính.
Quy hoạch xác định phạm vi, ranh giới quy hoạch; quan điểm, mục tiêu và các nội dung đột phá phát triển; phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng; phát triển hệ thống đô thị, tổ chức lãnh thổ nông thôn và khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; phát triển kết cấu hạ tầng; phát triển không gian lãnh thổ; bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, bảo vệ khai thác, sử dụng tài nguyên, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 còn có các nội dung chính về: Phương án phân bổ, khoanh vùng đất đai; danh mục các dự án ưu tiên và các nhóm giải pháp chủ yếu để thực hiện.
Các vị đại biểu HĐND tỉnh đã xem xét và thống nhất thông qua Nghị quyết điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 30 ngày 08/12/2021 của HĐND tỉnh về phê duyệt quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Khánh Hòa, giai đoạn 2011-2022; thông qua chủ trương đầu tư Dự án Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tại xã Diên An (huyện Diên Khánh), với tổng mức đầu tư 160 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong giai đoạn 2023-2024.
Bế mạc Kỳ họp, Ông Nguyễn Khắc Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa - nhấn mạnh: Các nội dung được HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp này có ý nghĩa hết sức cấp thiết cả về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh; là công cụ để hỗ trợ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh trong giai đoạn trước mắt, cũng như định hướng lâu dài.
Ông Toàn đề nghị, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa tiếp thu nội dung góp ý của Ủy ban nhân dân TP. Nha Trang về việc góp ý hệ thống bản đồ Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa, các ý kiến góp ý của đại biểu HĐND tỉnh để hoàn thiện Quy hoạch tỉnh trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; chỉ đạo các cơ quan tham mưu rà soát các văn bản do địa phương ban hành còn hiệu lực, quy định về tổng diện tích rừng trên địa bàn tỉnh để sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế cho phù hợp.
Đồng thời, đảm bảo tính hệ thống, thống nhất, đồng bộ trong các văn bản của địa phương về tổng diện tích rừng. Cùng với đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp cùng chung sức, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và đồng thuận với các chính sách của tỉnh.../.