Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về lao động, việc làm

Xã hội - Ngày đăng : 17:10, 11/03/2023

(BKTO) - Năm 2023, Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tiếp tục hoàn thiện các văn bản về thị trường lao động, việc làm, bảo hiểm thất nghiệp…
lao-dong-viec-lam.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN

Theo kế hoạch, năm 2023, Cục Việc làm sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan trong và ngoài Bộ LĐTBXH triển khai xây dựng Dự án Luật Việc làm (sửa đổi).

Cục cũng sẽ xây dựng và triển khai thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10/01/2023 của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội; triển khai các hoạt động trong kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển thị trường lao động đến năm 2030; chú trọng hơn tới quản lý lao động gắn với cơ sở dữ liệu về dân cư…

Ngoài ra, Cục sẽ tiếp tục hoàn thiện các văn bản về lao động, việc làm, thị trường lao động, bảo hiểm thất nghiệp và quản lý lao động; hướng dẫn chỉ đạo các địa phương triển khai tốt chính sách việc làm, bảo hiểm thất nghiệp và quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam.

Cùng với đó là việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách; chỉ đạo các cơ quan chức năng và các cấp, các ngành triển khai có hiệu quả chính sách bảo hiểm thất nghiệp; tăng cường kiểm tra giám sát, theo dõi nắm chắc tình hình thực hiện chính sách việc làm, bảo hiểm thất nghiệp và quản lý lao động các địa phương.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ thuộc lĩnh vực việc làm năm 2023 mới đây, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh nhấn mạnh: Lao động - việc làm là một trong các cân đối lớn của nền kinh tế, góp phần đảm bảo cuộc sống và phát triển toàn diện của người dân.

Theo ông Thanh, năm 2023, dự báo thị trường lao động chắc chắn sẽ chịu nhiều rủi ro và thách thức; việc sản xuất, kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng. Sở LĐTBXH các địa phương phải nắm bắt tình hình biến động của thị trường lao động, đặc biệt là tình hình sản xuất, kinh doanh, lao động, việc làm của các doanh nghiệp trên địa bàn để kịp thời có những biện pháp kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh cũng lưu ý các trung tâm dịch vụ việc làm cần tăng cường hoạt động thu thập, cung cấp thông tin, kết nối cung - cầu lao động, giới thiệu việc làm cho người lao động.

Cùng với đó, chủ động phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội nâng cao chất lượng hoạt động vay vốn; lồng ghép hiệu quả các chương trình khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư, chương trình, dự án thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động ở khu vực nông thôn theo hướng phi nông nghiệp...; ưu tiên cho vay đối với lao động là người dân tộc thiểu số, lao động thanh niên, phụ nữ nông thôn...

Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ tạo việc làm, kết nối cung - cầu lao động, việc quản lý sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, hoạt động của các doanh nghiệp dịch vụ việc làm…/.

THÀNH ĐỨC