Kiểm toán nhà nước đóng góp trách nhiệm, giàu thực tiễn vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 11:45, 12/03/2023

(BKTO) - Thực tiễn hoạt động kiểm toán cho thấy, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã có nhiều góp ý, kiến nghị nhằm khắc phục vướng mắc, bất cập, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực đất đai. Đặc biệt, những ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm và giàu thực tiễn của KTNN vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này chính là cơ sở quan trọng để cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện Dự thảo Luật.
Các đại biểu tham dự Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do KTNN tổ chức. Ảnh: D. THIỆN

Nhiều bất cập, hạn chế trong cơ chế, chính sách về đất đai

Những năm qua, KTNN luôn xác định kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai và các vấn đề liên quan là nội dung trọng tâm hàng đầu trong các cuộc kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công của các Bộ, cơ quan trung ương, các địa phương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và các cuộc kiểm toán chuyên đề.

Trong giai đoạn từ năm 2013 đến nay, KTNN đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ 21 văn bản quy phạm pháp luật và 7 văn bản khác do các cơ quan Trung ương ban hành; kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ 34 văn bản quy phạm pháp luật và 18 văn bản khác do các địa phương ban hành liên quan đến lĩnh vực đất đai.

Thực hiện Nghị quyết 671/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 23/12/2022 và Nghị quyết số 170/NQ-CP ngày 31/12/2022 của Chính phủ, KTNN đã tổ chức triển khai lấy ý kiến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Đặc biệt, tại Hội thảo Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do KTNN tổ chức sáng 10/3, các chuyên gia, kiểm toán viên giàu kinh nghiệm và có chuyên môn sâu trong lĩnh vực đất đai của KTNN đã cùng trao đổi, đưa ra những phân tích sâu sắc, toàn diện về những vướng mắc, bất cập trong lĩnh vực đất đai được phát hiện qua thực tế kiểm toán của KTNN.

Các tham luận tại Hội thảo đã nêu rõ những bất cập về cơ chế, chính sách trong giao đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chính sách miễn giảm tiền thuê đất trong ưu đãi đầu tư; về phương pháp xác định giá đất; vướng mắc trong thực hiện chính sách thuê đất; những hạn chế, bất cập trong thực hiện dự án theo hình thức BT...

Các đại biểu cũng cho rằng, việc định giá đất theo 5 phương pháp do Chính phủ quy định còn nhiều bất cập, việc xác định đơn giá đất tại các địa phương chưa bao quát hết các vấn đề của thực tiễn, khó thực hiện, dẫn đến giá đất được xác định chưa phù hợp với thị trường, chưa ngăn chặn được việc thao túng giá đất để trục lợi, tiêu cực, tham nhũng.

Đáng chú ý, nhiều ý kiến tại Hội thảo chỉ rõ, quy định về kiểm toán đất đai trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) không thống nhất với quy định về chức năng, nhiệm vụ của KTNN trong Hiến pháp 2013 và Luật KTNN… Một số quy định trong Dự thảo Luật cũng chưa bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với một số Luật khác như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kháng sản, Luật Đầu tư…

Trân trọng những ý kiến đóng góp quý báu của Kiểm toán nhà nước

Ông Vũ Tuấn Anh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết, qua các bài tham luận của các đơn vị cho thấy, KTNN đã đúc rút ra được rất nhiều kinh nghiệm trong thực tiễn hoạt động kiểm toán; đã chỉ ra những vướng mắc, hạn chế từ luật, các nghị định, thông tư để đưa ra những khuyến nghị trong quá trình sửa đổi Luật lần này.

binh-1.jpg
Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Lê Văn Bình đánh giá cao những ý kiến đóng góp giàu tính thực tiễn của KTNN vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: T. THIỆN

“Các nội dung tham luận tập trung vào vấn đề tài chính đất đai, giá đất - là những nội dung mà Ủy ban Tài chính - Ngân sách được giao thẩm tra. Vì vậy, kết quả của Hội thảo có nhiều tác dụng giúp cho Ủy ban Tài chính - Ngân sách tham khảo trong quá trình thẩm tra và phối hợp với Ủy ban Kinh tế thẩm tra Dự án Luật Đất đai (sửa đổi)” - ông Vũ Tuấn Anh nhấn mạnh.

Từ góc độ cơ quan soạn thảo, ông Lê Văn Bình - Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - chia sẻ, trong quá trình thực hiện quản lý nhà nước về đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường thường xuyên nhận được những thông tin, kết luận kiểm toán của KTNN. Có những kiến nghị của KTNN đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiêm túc tiếp thu và đã đưa vào Dự án Luật lần này; đồng thời có định hướng để sửa đổi Nghị định số 44/2014/NĐ-CP và Thông tư 36 /2014/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường để thực hiện hiệu quả hơn.

Đánh giá cao KTNN đã tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) rất quy củ, chuyên nghiệp, chất lượng, ông Lê Văn Bình cho rằng, các bài tham luận tại Hội thảo là những vấn đề được đúc rút từ hoạt động kiểm toán qua rất nhiều năm.

“Chúng tôi rất trân trọng những kinh nghiệm của KTNN đóng góp vào lĩnh vực tài chính đất đai, giá đất. Đây cũng là những ý kiến đóng góp rất quý báu cho Cơ quan soạn thảo Dự án Luật Đất đai (sửa đổi)” - Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai nhấn mạnh.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh đánh giá cao các tham luận, các ý kiến phát biểu sâu sắc, tâm huyết, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, với kinh nghiệm thực tiễn phong phú và kiến thức trình độ lý luận sâu sắc của các chuyên gia trong và ngoài ngành.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, các ý kiến tại Hội thảo sẽ được tổng hợp vào báo cáo kết quả lấy ý kiến của KTNN về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gửi Chính phủ và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội./.

Đ. KHOA - D.THIỆN - X.HỒNG