Việc quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước năm 2013 của Bộ Xây dựng Kỳ II: Cần chấn chỉnh việc lập và phân bổ dự toán chi thường xuyên
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 11:30, 14/07/2016
(BKTO)- Báo cáo Kiểm toán việc quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản Nhànước năm 2013 của Bộ Xây dựng cho thấy, tình hình không chỉ dừng lại ở việc dưvốn đầu tư xây dựng cơ bản được giao (Báo Kiểm toán số 27, ra ngày 7/7/2016) màkinh phí chi thường xuyên cũng được Bộ sử dụng không hết. Tuy KTNN đã phân tíchvà chỉ rõ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến thực tế trên, nhưngđây là vấn đề nhiều cơ quan chức năng cần lưu ý trong việc lập dự toán và phânbổ ngân sách, nhất là trong bối cảnh cân đối ngân sách đang còn nhiều khó khăn.
Vẫn lập dự toán tăng…
Bộ Xây dựng đã căn cứ Luật NSNN, Thông tư số 99/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách năm 2013, nhiệm vụ trọng tâm và các nhiệm vụ đột xuất giao năm 2013 và đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ và dự toán năm 2012 để xây dựng dự toán chi NSNN năm 2013. Cụ thể, Bộ Xây dựng lập dự toán chi từ nguồn thu phí, lệ phí và thu khác 149,1 tỷ đồng (học phí 134,6 tỷ đồng, viện phí 10,1 tỷ đồng; phí, lệ phí khác 2,4 tỷ đồng, thu khác 2 tỷ đồng); chi thường xuyên xấp xỉ 871,7 tỷ đồng, tăng 37% so với dự toán được giao.
Ngân sách điều chỉnh Quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 chậm giải ngân trong năm 2013.Ảnh: TS
Qua kiểm toán, KTNN phát hiện có tình trạng giao dự toán không đúng tính chất nguồn kinh phí. Chẳng hạn, Bộ Xây dựng giao dự toán kinh phí miễn giảm học phí cho sinh viên theo Nghị định 74/2013/NĐ-CP vào kinh phí thường xuyên (tự chủ) không đúng quy định tại Nghị định 43/2006/NĐ-CP và Luật NSNN số tiền 1,78 tỷ đồng. Hoặc như Bộ đã giao dự toán kinh phí đào tạo chương trình tiên tiến không đúng quy định của Thông tư liên tịch số 220/2009/TTLT-BTC-BGDĐT của Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Số kinh phí này phát sinh từ năm 2010-2013, Bộ giao kinh phí 2 năm là kinh phí thường xuyên (tự chủ số tiền 6,5 tỷ đồng); 2 năm chi không thường xuyên (không tự chủ số tiền 12 tỷ đồng). Đối với kinh phí đặt hàng đào tạo nghề, Bộ giao dự toán 46 tỷ đồng cho 18 cơ sở đào tạo nghề thuộc các DN, Tổng công ty trực thuộc Bộ là chưa phù hợp với quy định của Luật NSNN. Tuy nhiên, đến thời điểm kiểm toán, Bộ đã được Chính phủ cho phép chuyển 10/18 trường từ DN về trực thuộc Bộ theo Quyết định số 555/QĐ-TTg ngày 18/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Kiểm toán tình hình thu, chi NSNN tại Bộ Xây dựng, KTNN xác định tổng thu từ phí, lệ phí và thu sự nghiệp khác là 1.154 tỷ đồng, trong đó thu phí, lệ phí là 226,3 tỷ đồng; thu sự nghiệp, sản xuất dịch vụ là 725,2 tỷ đồng; thu khác là 202,3 tỷ đồng. Số thu được để lại chi và các khoản chi phí của sự nghiệp có thu là 1.144,6 tỷ đồng, tăng 59% so với dự toán được giao.
… dù kinh phí đã sử dụng không hết
Về chi thường xuyên, số thực hiện năm 2013 là 643,8 tỷ đồng, đạt 98% so với số dự toán được giao. Bên cạnh các khoản chi cho sự nghiệp đào tạo, sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp môi trường, sự nghiệp y tế, quan hệ tài chính với nước ngoài thực hiện đạt 100% dự toán trở lên thì nhiều khoản chi quan trọng như chi Quản lý nhà nước chỉ đạt 98%, chi sự nghiệp khoa học công nghệ chỉ đạt 82% và chi Chương trình mục tiêu Quốc gia chỉ đạt 93%.
Do dư dự toán nên Bộ Xây dựng đã thực hiện chuyển số dư năm 2013 sang 2014 tổng số tiền 155,8 tỷ đồng. Theo Văn bản số 4400/BTC-HCSN ngày 8/4/2014 của Bộ Tài chính, đơn vị đã chuyển số tiền 105,7 tỷ đồng, số còn lại 50,1 tỷ đồng là nguồn kinh phí tự chủ nên được chuyển theo quy định. Trước đó, kết thúc niên độ tài chính 2012, Bộ cũng đã thực hiện chuyển số dư 150,8 tỷ đồng năm 2012 sang năm 2013 theo Văn bản số 7489/BTC-HCSN ngày 12/6/2013 của Bộ Tài chính. Việc chuyển số dư sang năm sau lớn do một số nhiệm vụ cuối năm Bộ Xây dựng mới phân bổ kinh phí; một số nhiệm vụ chậm được triển khai hoặc chưa được giao nhiệm vụ chủ yếu là sự nghiệp khoa học và sự nghiệp kinh tế (năm 2012: sự nghiệp khoa học 11 tỷ đồng, sự nghiệp kinh tế 94,9 tỷ đồng; năm 2013: sự nghiệp khoa học 6,88 tỷ đồng, sự nghiệp kinh tế 94,3 tỷ đồng).
Hơn nữa, Bộ Xây dựng còn có khoản chi kinh phí sự nghiệp kinh tế tại Văn phòng Bộ chưa phân bổ dự toán từ năm 2012, đến năm 2013 vẫn chưa sử dụng và đã được Bộ Tài chính đồng ý cho chuyển nguồn sang năm 2014 số tiền 5 tỷ đồng. Đây là khoản Bộ Xây dựng dự kiến thuê các tổ chức tư vấn, chuyên gia nước ngoài tham gia cùng với tư vấn trong nước để thực hiện các dự án đã có trong danh mục kế hoạch năm 2012 như: Điều chỉnh quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Long An, Quy hoạch chung xây dựng khu du lịch thác Bản Giốc, Quy hoạch xây dựng khu Cao nguyên đá Đồng Văn… Tuy nhiên, do thời gian lập, thẩm định nhiệm vụ dự án và các thủ tục liên quan đến lựa chọn tư vấn nước ngoài bị kéo dài nên năm 2013 số kinh phí này vẫn chưa được giải ngân. Vì vậy, Bộ Xây dựng đã đề nghị Bộ Tài chính xin chuyển nguồn sang năm 2014 để tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ này.
Cũng liên quan đến Văn phòng Bộ, KTNN nhấn mạnh một số nhiệm vụ của Văn phòng chưa hoàn thành trong năm, nhiều nhiệm vụ còn chậm tiến độ, hàng tồn kho, các khoản tạm ứng cá nhân lớn và kéo dài, một số khoản thanh toán chưa đúng định mức, chưa đúng đối tượng và chứng từ thanh toán chưa đầy đủ; kinh phí chưa sử dụng chuyển năm sau lớn cho thấy hiệu quả sử dụng kinh phí NSNN còn hạn chế…
Từ thực tế trên, KTNN đã kiến nghị Bộ Xây dựng khi thẩm định và phân bổ dự toán phải sát với thực tế và chi tiêu theo Luật NSNN đảm bảo nguồn kinh phí NSNN cấp được sử dụng hiệu quả, tránh việc cấp thừa kinh phí phải điều chuyển thực hiện nhiệm vụ khác.
PHÚC KHANG