Cần tiếp tục hoàn thiện quy định về tài chính đất đai

Pháp luật - Ngày đăng : 13:33, 16/03/2023

(BKTO) - Tài chính đất đai, giá đất là một trong những nội dung quan trọng trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được Chính phủ lấy ý kiến rộng rãi và dành được nhiều sự quan tâm. Nhiều chuyên gia đánh giá, quy định về tài chính đất đai trong Dự thảo Luật đã có nhiều điểm tiến bộ, hướng đến thể chế hóa các quan điểm, định hướng của Đảng về đất đai. Tuy nhiên, vấn đề này cần tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện để đảm bảo phù hợp và khả thi trong thực tiễn.
3cfcef6829a3f4fdadb2.jpg

Chú thích ảnh: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được lấy ý kiến rộng rãi. Ảnh sưu tầm

Đảm bảo nguồn thu từ cho thuê đất

Tại Phiên họp của Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), TS. Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đánh giá, thể chế hóa các quan điểm, giải pháp của Nghị quyết số 18-NQ/TW, nội dung thay đổi quan trọng trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là giảm các trường hợp cho phép thuê đất trả tiền một lần, thay vào đó là phải thuê đất trả tiền hằng năm. Theo đó, chỉ còn các dự án sản xuất nông nghiệp và khu công nghiệp mới được thuê đất trả tiền một lần, còn các dự án đầu tư sản xuất phi nông nghiệp và các loại dự án khác đều phải chuyển sang hình thức trả tiền hằng năm.

Theo ông Tuấn, đây là bước sửa đổi hợp lý, với mục đích là tránh thất thu ngân sách. Tuy nhiên, điều này có thể đẩy rủi ro cho doanh nghiệp khi bị phá vỡ phương án tài chính kinh doanh do tiền thuê đất bị tăng đột biến. Sự thiếu ổn định của môi trường kinh doanh như vậy rất khó để doanh nghiệp yên tâm đầu tư lớn, tạo việc làm. Do đó, ông Tuấn đề nghị bổ sung quy định về giới hạn tăng tiền thuê đất hằng năm. “Ví dụ, các địa phương được phép quyết định tiền thuê đất hằng năm theo hướng dẫn, nhưng tốc độ tăng tối đa không quá 1, 2 lần tốc độ lạm phát. Như vậy, Nhà nước vẫn có thể tăng tiền thuê đất trong trường hợp cần thiết, nhưng không đẩy hết rủi ro cho doanh nghiệp” - ông Tuấn đề xuất.

Đề cập đến quy định Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê trong trường hợp sử dụng đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, TS. Trương Văn Phước - Thành viên Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia - chỉ ra rằng, thực tế các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao có thời hạn hoạt động (thuê đất) thường rất dài và trong thời gian này, giá trị thị trường của đất biến động rất nhiều (thường là theo xu hướng tăng lên). Vì vậy, nếu quy định như Dự thảo thì nguồn thu từ cho thuê đất sẽ bị hạn chế hơn rất nhiều so với việc quy định Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm hoặc giới hạn thời gian thu tiền thuê đất một lần (không cho cả thời gian cho thuê mà xác định lại sau một thời gian). “Nếu muốn áp dụng các biện pháp ưu đãi cho các nhà đầu tư thì cũng chỉ nên giới hạn các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao tại một số địa bàn (vùng kinh tế trọng điểm) hoặc trong một số ngành nghề, lĩnh vực cụ thể thay vì áp dụng đại trà như quy định tại Dự thảo” - TS. Trương Văn Phước nêu quan điểm.

Trong khi đó, PGS,TS. Ngô Thanh Hoàng (Học viện Tài chính) cho rằng, hiện nay, các địa phương triển khai rất nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp và khu đô thị công nghiệp, do đó có thể dẫn đến tình trạng chuyển đổi hình thức đầu tư dự án hoặc chuyển nhượng lại dự án và sử dụng đất với nhiều mục đích khác nhau. Vì vậy, cần xem xét, cân nhắc lại đối với đất xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp kết hợp với đất đô thị.

Xây dựng nguyên tắc, tiêu chí điều tiết nguồn thu từ đất

Cũng liên quan đến các khoản thu từ đất đai, nhiều ý kiến chỉ ra, Dự thảo Luật quy định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền thuế tăng thêm đối với các dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng nhưng chưa có quy định thế nào là dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng, cũng như những trường hợp nào sẽ áp dụng (do nguyên nhân chủ quan từ người sử dụng), trường hợp nào sẽ không áp dụng (do nguyên nhân khách quan).

Theo các chuyên gia, nếu không quy định rõ hai trường hợp này, thì khi áp dụng vào thực tiễn mà xảy ra trường hợp dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng do nguyên nhân khách quan (do công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao chậm so với tiến độ hay do quá trình ban hành, điều chỉnh quy hoạch…) thì sẽ xảy ra xung đột lợi ích giữa chủ đầu tư và cơ quan thuế. Ngoài ra, đối với trường hợp này, cần áp thuế lũy tiến để kiểm soát hành vi của cá nhân và tổ chức sở hữu nhiều nhà đất mà không dùng để ở hay sản xuất kinh doanh.

Nhiều chuyên gia cũng có chung nhận định, việc bổ sung quy định về điều tiết nguồn thu từ đất giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cũng như trong nội bộ từng địa phương là điểm mới, có tính tiến bộ của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). PGS,TS. Ngô Thanh Hoàng nhấn mạnh, các quy định này sẽ hạn chế các địa phương tận thu nguồn lực từ đất đai (là nguồn thu một lần, không có tính bền vững), đồng thời khuyến khích các địa phương quan tâm hơn tới việc phát triển, nuôi dưỡng các nguồn thu có tính bền vững khác. Việc điều tiết này cũng sẽ giúp cho việc phân bổ, sử dụng nguồn thu từ đất đai trở nên hiệu quả hơn, công bằng hơn giữa các vùng, miền, khu vực.

Tuy nhiên, Dự thảo chưa quy định nguyên tắc, tiêu chí điều tiết, dễ dẫn đến việc điều tiết mang tính chủ quan, dễ sản sinh “cơ chế xin - cho” trong việc điều tiết nguồn thu từ đất đai. PGS,TS. Ngô Thanh Hoàng kiến nghị nên xem xét bổ sung một số quy định về các nguyên tắc, tiêu chí cần tuân thủ khi thực hiện điều tiết nguồn thu từ đất giữa các tỉnh, thành phố hay trong nội bộ từng địa phương. Điều này vừa đảm bảo tính công khai, minh bạch cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc dự báo, lập kế hoạch tài chính của từng địa phương./.

Đ. KHOA