Tính Đảng trong tư tưởng Hồ Chí Minh
Chính trị - Ngày đăng : 13:34, 16/03/2023
Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, tháng 01/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định vai trò quan trọng của tính Đảng. Người viết: “Mỗi cán bộ, đảng viên, cần phải có tính Đảng mới làm được việc. Kém tính Đảng, thì việc gì cũng không làm nên”.
Trả lời câu hỏi: Tính Đảng là gì? Hồ Chủ tịch chỉ rõ:
“Một là: Phải đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết.
Hai là: Việc gì cũng phải điều tra rõ ràng, cẩn thận và làm đến nơi đến chốn. Phải hiểu rằng: Đảng có hiểu rõ tình hình thì đặt chính sách mới đúng. Mà muốn hiểu rõ thì đảng viên và cán bộ phải điều tra và báo cáo rõ ràng tình hình từng xã, từng huyện, từng tỉnh, từng khu. Nếu không biết rõ tình hình mà đặt chính sách thì kết quả là “nồi vuông úp vung tròn” không ăn khớp gì hết.
Ba là: Lý luận và thực hành phải luôn đi đôi với nhau”.
Vào khoảng cuối năm 1949, khi bàn về cách xem xét việc đời và cách tu dưỡng của người cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra: “Bất kỳ bao giờ, bất kỳ việc gì, đều phải tính đến lợi ích chung của Đảng, phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, trước hết, việc của cá nhân và lợi ích của cá nhân phải để lại sau”. Người cho rằng: “Đó là nguyên tắc tối cao của Đảng. Mỗi một đảng viên phải ghi chắc điều đó. Chúng ta gọi nó là Đảng tính”.
Rõ ràng, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tính Đảng có ý nghĩa to lớn, cần phải được xây dựng, giữ gìn, phát triển. Muốn thực hiện được nhiệm vụ quan trọng này thì loại bỏ chủ nghĩa cá nhân là việc hết sức cần thiết.
Đảng viên là người thay mặt Đảng đại biểu cho lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Vì vậy, lợi ích của người đảng viên phải ở trong chứ không thể ở ngoài lợi ích của Đảng, của giai cấp. Đảng và giai cấp thắng lợi và thành công, tức là đảng viên thắng lợi và thành công. Nếu rời khỏi Đảng, rời khỏi giai cấp, thì cá nhân dù tài giỏi mấy, cũng nhất định không làm nên việc gì.
Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong mọi công việc, tính Đảng đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân của mình, thực hiện tốt tinh thần mình vì mọi người. Trong lịch sử của Đảng, đã có biết bao cán bộ, đảng viên sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân, thậm chí cả mạng sống của mình vì Đảng, vì nhân dân.
Nhưng chúng ta cũng cần hiểu rõ ràng lợi ích chung không loại bỏ lợi ích chính đáng của cá nhân. Khi bàn về Đạo đức cách mạng, Hồ Chủ tịch đã từng nói: “Đảng viên là người thay mặt Đảng đại biểu cho lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.
Vì vậy, lợi ích của người đảng viên phải ở trong chứ không thể ở ngoài lợi ích của Đảng, của giai cấp. Đảng và giai cấp thắng lợi và thành công, tức là đảng viên thắng lợi và thành công. Nếu rời khỏi Đảng, rời khỏi giai cấp, thì cá nhân dù tài giỏi mấy, cũng nhất định không làm nên việc gì”.
Chống bệnh quan liêu, mệnh lệnh cũng là giải pháp để Đảng và cán bộ, đảng viên của Đảng, giữ vững tính Đảng, không xa rời dân. Nhưng sâu sát với dân là phải hiểu dân, nghe dân, giúp dân, chủ động sửa chữa khuyết điểm để tiến bộ, nâng cao uy tín của mình.
Nói chuyện với cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước vào ngày 24/7/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Uy tín của người lãnh đạo là ở chỗ mạnh dạn thực hiện tự phê bình và phê bình, biết học hỏi quần chúng, sửa chữa khuyết điểm, để đưa công việc ngày càng tiến bộ chứ không phải ở chỗ giấu giếm khuyết điểm và e sợ quần chúng phê bình”. Vừa qua, phương châm của Đảng đã được chú trọng, thực hiện hiệu quả là: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu Đảng cần chú ý đến việc xem xét, đánh giá đúng tình hình thực tế để có chủ trương, chính sách, biện pháp đúng đắn, phù hợp, xây dựng, giải quyết tốt mối quan hệ giữa lý luận với thực tiễn.
Ngay từ năm 1924, phát biểu tại Phiên họp thứ 22 Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản vào ngày 01/7, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Đề ra những luận cương dài dằng dặc và thông qua những nghị quyết rất kêu để sau Đại hội đưa vào viện bảo tàng như từ trước vẫn làm thì chưa đủ. Chúng ta cần có biện pháp cụ thể”. Và Người xác định, quan trọng là phải tổ chức thực hiện thành công trong thực tế cuộc sống. Vào ngày 07/9/1957, trong Diễn văn khai mạc lớp học lý luận khóa I Trường Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chủ tịch nêu rõ: “Đảng ta nhờ kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với tình hình thực tế của nước ta, cho nên đã thu được nhiều thắng lợi trong công tác”.
Theo Người, để phát huy được tính Đảng, đòi hỏi Đảng phải bồi dưỡng, giáo dục cán bộ, đảng viên về mọi mặt. Ngày 23/9/1953, Người viết trên Báo Cứu quốc: “Đảng đòi hỏi đảng viên và cán bộ: Học hiểu lý luận, chính sách, tình hình trong nước và trên thế giới để giáo dục cho quần chúng. Phải học hiểu nghề nghiệp chuyên môn mà Đảng và Chính phủ giao cho mình phụ trách. Phải có tinh thần hy sinh cho cách mạng, có tinh thần trách nhiệm để vượt mọi khó khăn”.
Đến tháng 4/1955, Người lại viết: “…Đảng hết sức quan tâm nâng cao trình độ công tác của Đảng, ra sức thực hiện nhiệm vụ của mình, đồng thời Đảng luôn luôn học hỏi chủ nghĩa Lênin để nâng cao sức chiến đấu của Đảng, tính tích cực chính trị, sự đoàn kết về mặt tổ chức và trình độ tư tưởng của đảng viên”.
Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quán triệt và thực hiện tốt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tính Đảng của Đảng. Đảng chủ trương xây dựng, giữ gìn, phát huy tính Đảng và yếu tố hết sức quan trọng là phải kiên trì với tính Đảng, không vì bất cứ lý do gì mà bỏ rơi, xa rời tính Đảng.
Đây là công việc rất khó khăn, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định: “Ghét, bụi còn chải giũa được, nhưng tư tưởng phải đấu tranh gay gắt, không phải dễ dàng”, nhưng là việc rất cần phải làm, kiên quyết phải làm. Muốn vậy, Đảng phải kiên quyết, kiên trì xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về mọi mặt để hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình.
Trong đó, một việc quan trọng là Đảng cần duy trì tốt việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu: “Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có bước phát triển mới, đi vào chiều sâu, gắn kết chặt chẽ giữa phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng”; thường xuyên thực hiện nghiêm minh việc khen thưởng, xử phạt. Đảng cũng cần quan tâm, tạo thuận lợi để quần chúng nhân dân tin tưởng, đồng thuận, hỗ trợ, giúp đỡ, kiểm tra, giám sát, vững bước đi theo Đảng. Đồng thời từng cán bộ, đảng viên chủ động, tự giác xây dựng, giữ gìn, phát huy tính Đảng, luôn tiên phong, gương mẫu, có đủ đức, tài, uy tín để cùng Đảng lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo nhân dân./.