Quản lý tài nguyên nước bằng các công cụ kinh tế
Đối nội - Ngày đăng : 18:01, 16/03/2023
Bổ sung các công cụ kinh tế, cơ chế tài chính
Theo Tờ trình của Chính phủ, một trong những mục tiêu sửa đổi Luật Tài nguyên nước là hướng tới chuyển dần từ quản lý bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng công cụ kinh tế thông qua các chính sách về: giá nước, thuế, phí, lệ phí, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; đẩy mạnh xã hội hoá.
Trong đó, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, Dự thảo Luật đã bổ sung mới Điều 68 về thuế, phí về tài nguyên nước theo hướng quy định về đối tượng áp dụng thuế tài nguyên liên quan đến tài nguyên nước; giá tính thuế tài nguyên.
Đồng thời, sửa đổi, bổ sung Điều 69 về tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo hướng quy định các đối tượng phải nộp tiền cấp quyền khai thác nước (trong đó bổ sung mới quy định thu tiền cấp quyền đối với mục đích sinh hoạt, nông nghiệp và có lộ trình) và quy định tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước được ưu tiên sử dụng cho các hoạt động về bảo vệ, phát triển nguồn nước và được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, giao Chính phủ quy định cụ thể các trường hợp khai thác tài nguyên nước phải nộp tiền, được miễn, giảm tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
Dự thảo Luật bổ sung quy định về dịch vụ bảo vệ, phát triển, tích trữ nước và phục hồi nguồn nước, trong đó quy định cụ thể các dịch vụ về bảo vệ, phát triển, tích trữ nước và phục hồi nguồn nước; nguyên tắc chi trả dịch vụ; quy định trách nhiệm tổ chức, cá nhân trong cung cấp dịch vụ bảo vệ, phát triển, tích trữ nước và phục hồi nguồn nước và được chi trả dịch vụ hệ sinh thái.
Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về tích hợp hoạt động tài nguyên nước, trong đó làm rõ mục đích, ý nghĩa về tích hợp tài nguyên nước và trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các cấp và các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tham gia thực hiện tích hợp tài nguyên nước.
Dự thảo Luật quy định chính sách ưu đãi, hỗ trợ về bảo vệ, phát triển và phục hồi nguồn nước; các hoạt động bảo vệ, phát triển và phục hồi nguồn nước được ưu đãi, hỗ trợ; bổ sung quy định về nguồn lực cho bảo vệ, phát triển tài nguyên nước, trong đó quy định rõ các nguồn lực để thực hiện các hoạt động bảo vệ và phát triển nguồn nước; làm rõ các hoạt động ưu tiên xã hội hoá, chính sách xã hội hoá trong bảo vệ, phát triển tài nguyên nước.
Dự thảo cũng bổ sung quy định về đầu tư phát triển, tích trữ nước và phục hồi nguồn nước ưu tiên thực hiện theo hình thức xã hội hóa theo hướng quy định cụ thể hoạt động phát triển, tích trữ nước và phục hồi nguồn nước…
Cần quy định thống nhất về đối tượng thu, cách tính thuế tài nguyên
Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (KH,CN&MT) thống nhất việc bổ sung quy định liên quan đến cơ chế tài chính nhằm làm rõ giá trị kinh tế của tài nguyên nước trong phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu bổ sung công cụ kinh tế, cơ chế tài chính liên quan đến phân bổ nguồn thu cho các đối tượng thụ hưởng từ hoạt động bảo vệ nguồn sinh thủy; đối chiếu, rà soát quy định giá tính thuế tài nguyên nước theo quy định của pháp luật về thuế, giá và phải căn cứ các yếu tố về mục đích sử dụng, mức độ khan hiếm của tài nguyên nước, điều kiện khai thác và đặc điểm kinh tế-xã hội của khu vực, lưu vực sông.
Ngoài ra, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đề nghị quy định dẫn chiếu tới các điều, khoản của Luật chuyên ngành và các văn bản quy phạm pháp luật về thuế, phí phải đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Trong đó, về tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, cơ quan thẩm tra đề nghị cần làm rõ đối tượng phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; làm rõ việc bổ sung, lộ trình thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vì hiện nay lĩnh vực này do các công ty khai thác công trình thủy lợi (doanh nghiệp nhà nước) thực hiện và thủy lợi phí đang được Nhà nước hỗ trợ.
Cùng với đó, nghiên cứu thống nhất đối tượng thu, cách tính thuế tài nguyên và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. “Hiện nay chưa thống nhất cách tính lưu lượng cũng như đối tượng thu nên gây ra sự khó khăn trong quá trình giám sát, triển khai; việc tính tiền cấp quyền khai thác hiện nay dựa chủ yếu vào báo cáo của chủ đầu tư, cơ quan chuyên môn thiếu công cụ để tính đúng, tính đủ” - Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Lê Quang Huy nhấn mạnh.
Về dịch vụ bảo vệ, phát triển, tích trữ nước và phục hồi nguồn nước, Ủy ban KH,CN&MT đề nghị làm rõ loại hình dịch vụ hỗ trợ ra quyết định vận hành hồ chứa, liên hồ chứa; cơ quan, tổ chức nào cấp phép kinh doanh cho loại hình dịch vụ này; việc hoạt động được thực hiện theo pháp luật nào…/.