Ứng dụng AI và Big Data vào hoạt động kiểm toán
Kiểm toán - Kế toán - Ngày đăng : 09:11, 17/03/2023
Những công cụ hỗ trợ đắc lực cho hoạt động kiểm toán
Theo nghiên cứu của TS. Nguyễn Quán Hải (Vụ Pháp chế, KTNN) và TS. Lê Anh Vũ (KTNN chuyên ngành VII), hiện nay, nhiều cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) trên thế giới đã tích cực triển khai ứng dụng Big Data và AI vào hoạt động kiểm toán và coi những sản phẩm công nghệ là một công cụ hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển của cơ quan.
Đơn cử, KTNN Trung Quốc (CNAO) đã cải thiện môi trường chính sách để thúc đẩy kiểm toán dựa trên Big Data, nâng cấp thu thập dữ liệu và xây dựng thư viện tài nguyên Big Data. Để có thể thành công, CNAO cũng dành nhiều thời gian và thực hiện theo từng giai đoạn nhằm giải quyết các thách thức về thu thập, xử lý, quy hoạch, xây dựng trung tâm dữ liệu, đổi mới kỹ thuật phân tích kiểm toán, phân tích rủi ro và kiểm soát chất lượng.
Tương tự, KTNN Canada (OAG) cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nói chung và ứng dụng phân tích Big Data, AI vào công tác kiểm toán thông qua một số công việc: Nhận dạng và kiểm đếm hàng tồn kho, phân tích video và báo những thời điểm có khả nghi, phân tích các hộp thư thoại, cuộc điện thoại, ghi âm cuộc họp. Công nghệ đã giúp OAG thu thập thêm bằng chứng kiểm toán, xác định các trường hợp không tuân thủ điều khoản hợp đồng nhằm đánh giá rủi ro gian lận, xác định sự bất thường của dữ liệu, xem xét dòng tiền giữa các tài khoản.
Kiểm toán dựa trên Big Data không chỉ mang lại thay đổi về kỹ thuật mà còn là lựa chọn chiến lược cho sự phát triển của các cơ quan kiểm toán trong tương lai.
TS. Nguyễn Quán Hải và TS. Lê Anh Vũ
Một SAI khác cũng đã nhanh chóng bắt nhịp chuyển đổi số là KTNN Thái Lan (SAO) với khoản đầu tư 3,6 triệu USD để tạo mối liên kết thông tin với các cơ quan chức năng (năm 2022). Trước đó, SAO phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Công nghệ thông tin và điện tử Thái Lan để đưa AI tích hợp vào hệ thống thông tin của Ủy ban Phòng chống tham nhũng nhằm hỗ trợ các cuộc kiểm toán, phát hiện bất thường trong quy trình, văn bản điện tử của Chính phủ. AI cũng giúp SAO nhận dạng chữ viết, kiểm tra các hợp đồng được ký giữa cơ quan chính phủ và các nhà thầu; đánh giá hiệu quả các dự án của Chính phủ thông qua phần mềm dự báo…
Đi trước một bước so với các SAI, nhóm công ty kiểm toán Big Four đã đầu tư hàng tỷ USD vào công nghệ AI và đào tạo nhân viên để đưa các giải pháp kỹ thuật số tiên tiến vào tất cả các hoạt động tư vấn, kiểm toán.
Điển hình, Deloitte đã tạo ra ứng dụng nhận thức Argus có thể học hỏi các tương tác của con người và tận dụng kỹ thuật máy học để xử lý ngôn ngữ, xác định và trích xuất thông tin kế toán từ bất kỳ loại tài liệu điện tử nào; phát triển Hướng dẫn hỗ trợ cá nhân đánh giá rủi ro (GRAPA) để hỗ trợ kiểm toán viên lập kế hoạch và đánh giá tiêu chuẩn.
Trong khi đó, PwC đã giành được nhiều giải thưởng Sáng tạo kiểm toán với thành tựu công nghệ Cash.ai - tự động hóa việc kiểm tra tiền mặt hay công nghệ GL.ai - hệ thống hỗ trợ AI có thể tái tạo tư duy và kiểm tra tất cả các giao dịch, người dùng, số tiền, tài khoản để phát hiện các giao dịch bất thường trên sổ cái.
Hoàn thiện hệ thống Big Data gắn với các mảng nghiệp vụ
Tại Việt Nam, năm 2021, KTNN đã triển khai dự án xây dựng kiến trúc cơ sở dữ liệu. Đây là bước đi mang tính đột phá, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, giúp KTNN có cái nhìn tổng thể hơn về kiến trúc dữ liệu và quản trị dữ liệu, hướng tới kiểm toán thông minh.
Cùng với đó, KTNN đã tích hợp, kết nối liên thông dữ liệu giữa các phần mềm nội bộ, quản lý người dùng tập trung; xây dựng mã định danh và hệ thống danh mục hơn 70.000 đơn vị được kiểm toán phân thành 4 cấp hành chính. KTNN đang triển khai kết nối, trao đổi dữ liệu điện tử với các Bộ, ngành, địa phương, tạo nền tảng để triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu trên diện rộng.
Tuy nhiên, việc ứng dụng Big Data và AI tại KTNN còn chậm so với yêu cầu thực tiễn, nhất là về cơ sở dữ liệu kiểm toán tập trung, tri thức kiểm toán, hạ tầng tích hợp dữ liệu của hệ thống KTNN với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, doanh nghiệp…
Từ thực tiễn hoạt động và kinh nghiệm ứng dụng các công nghệ hiện đại vào hoạt động kiểm toán của các SAI trên thế giới, Nhóm tác giả cho rằng, KTNN cần xây dựng hạ tầng kỹ thuật tập trung, tích hợp, chuyển đổi sang nền tảng điện toán đám mây và hình thành Trung tâm điều hành xử lý tập trung đa nhiệm.
Đồng thời, đẩy mạnh việc đồng bộ, thống nhất, chia sẻ, liên thông dữ liệu với các đơn vị được kiểm toán và các tổ chức có liên quan đến hoạt động kiểm toán để tạo lập hệ thống Big Data, hướng đến thực hiện kiểm toán số và ứng dụng các công nghệ số trong hoạt động kiểm toán.
Mô hình tổng thể ứng dụng phân tích Big Data phục vụ hoạt động kiểm toán dựa trên nền tảng AI của KTNN cần đáp ứng được hai yêu cầu: Xác định được các mảng nghiệp vụ của hoạt động kiểm toán để ứng dụng AI và Big Data; đánh giá, đo lường mức độ ứng dụng AI và Big Data với các mảng nghiệp vụ.
Trong đó, các mảng nghiệp vụ sẽ được phân theo nhóm như: Thu thập, tìm kiếm trên dữ liệu số; phân tích, tính toán, đối chiếu các nguồn dữ liệu số khi kiểm toán; rà soát, đối chiếu giữa các văn bản hồ sơ kiểm toán khác nhau nhằm đảm bảo sự thống nhất, logic giữa mục tiêu, nội dung, kế hoạch, phát hiện, kiến nghị kiểm toán của cuộc kiểm toán... Việc hoàn thiện hệ thống Big Data của KTNN gắn liền với các mảng nghiệp vụ nêu trên nhằm đảm bảo dữ liệu cập nhật đến đâu có thể áp dụng ngay vào thực tiễn.
Về phát triển, đào tạo nguồn nhân lực, KTNN cần hình thành đội ngũ chuyên gia về thu thập, làm sạch, phân tích dữ liệu để tạo ra nguồn dữ liệu cơ bản cho kiểm toán viên. Cùng với đó, đào tạo kiến thức, kỹ năng chung về phân tích dữ liệu lớn trên nền tảng AI cho toàn bộ kiểm toán viên nhà nước. Từ đó, phân loại, tổ chức đào tạo nâng cao kiến thức chuyên môn sâu cho kiểm toán viên theo 3 nhóm: Nhóm kiểm toán trong môi trường công nghệ thông tin, Nhóm kiểm toán công nghệ thông tin và Nhóm kiểm toán dữ liệu./.