Phân định nhiệm vụ, phối hợp hiệu quả hơn trong kiểm toán tại Kho bạc Nhà nước
Kinh tế - Ngày đăng : 13:38, 17/03/2023
Đề tài do Cử nhân Vũ Mỹ Thuần - Vụ Pháp chế và ThS. Nguyễn Thị Vân - KTNN chuyên ngành II đồng Chủ nhiệm.
TS. Vũ Thanh Hải - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành IV - làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.
Ban Đề tài cho biết, trong một năm kiểm toán, KTNN chuyên ngành và KTNN khu vực cùng thực hiện kiểm toán tại một số KBNN tỉnh. Ví dụ: Năm 2021, cùng kiểm toán tại KBNN TP. Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hậu Giang, Hà Giang, Sơn La.
Tuy thời gian và mẫu chọn kiểm toán không trùng nhưng nội dung kiểm toán bị trùng (đặc biệt công tác kiểm soát chi).
Nguyên nhân là do ngân sách nhà nước (NSNN) có sự giao thoa giữa ngân sách trung ương (NSTƯ) và ngân sách địa phương (NSĐP): NSTƯ bổ sung kinh phí cho NSĐP (bổ sung cân đối và bổ sung có mục tiêu), NSĐP có hỗ trợ kinh phí cho một số đơn vị của cơ quan trung ương đóng trên địa bàn.
Cơ cấu tổ chức của KBNN được tổ chức theo ngành dọc từ trung ương đến địa phương, trong đó, KBNN cấp tỉnh được cấp kinh phí và chịu sự quản lý của KBNN trung ương và Bộ Tài chính còn hoạt động của KBNN cấp tỉnh gắn liền với việc điều hành, quản lý và sử dụng ngân sách của các cấp chính quyền địa phương, có chế độ báo cáo và chịu sự giám sát của ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Đồng thời, tại KTNN, chức năng, nhiệm vụ của KTNN chuyên ngành và KTNN khu vực có sự giao thoa.
Do đó, cần phân định nhiệm vụ kiểm toán tại KBNN giữa KTNN chuyên ngành và KTNN khu vực nhằm xác định rạch ròi phạm vi kiểm toán của mỗi bên để phối hợp hiệu quả hơn trong việc kiểm toán tại KBNN.
Từ đó, Ban Đề tài đề xuất giải pháp phân giao nhiệm vụ kiểm toán tại KBNN giữa KTNN chuyên ngành và KTNN khu vực.
Theo đó, KTNN cần sửa đổi, bổ sung Hướng dẫn kiểm toán ngân sách bộ, ngành và Hướng dẫn kiểm toán NSĐP đối với nội dung kiểm toán tại KBNN, trong đó, bổ sung Hướng dẫn kiểm toán nghiệp vụ KBNN đối với kiểm toán ngân sách bộ, ngành như: Nghiệp vụ quản lý thu, kiểm soát chi, quản lý ngân quỹ nhà nước, các quỹ tài chính khác thuộc NSNN, nghiệp vụ xử lý khóa sổ NSNN cuối năm, huy động vốn phát hành trái phiếu chính phủ và nghiệp vụ kế toán NSNN.
Nhóm tác giả đã đề xuất nguyên tắc, tiêu chí phân công nhiệm vụ kiểm toán khi lập kế hoạch kiểm toán; tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin giữa KTNN chuyên ngành và KTNN khu vực; tạo hành lang pháp lý cho việc truy cập dữ liệu điện tử của KBNN, đào tạo cho kiểm toán viên về nghiệp vụ KBNN...
Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao kết quả nghiên cứu của Đề tài. Đề tài có ý nghĩa lý luận và thực tiễn đối với hoạt động kiểm toán của KTNN.
Đề tài đã chỉ ra những bất cập trong hoạt động kiểm toán, đề xuất một số giải pháp trong đó có đề xuất Hướng dẫn kiểm toán nghiệp vụ KBNN, giải pháp phối hợp giữa KTNN và KTNN khu vực và một số giải pháp khác.
Để Đề tài có tính ứng dụng cao trong hoạt động kiểm toán của KTNN, Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban Đề tài nghiên cứu kỹ các ý kiến của thành viên Hội đồng để chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện.
Hội đồng nghiệm thu thống nhất Đề tài xếp loại Khá./.