Trí tuệ nhân tạo: Cơ hội và thách thức cho báo chí

Xã hội - Ngày đăng : 10:30, 19/03/2023

(BKTO) - Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ hỗ trợ các tòa soạn phân tích dữ liệu độc giả, sáng tạo nội dung, giảm bớt những công việc lặp lại, tốn công sức. Tuy nhiên, việc sử dụng AI cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức đối với nhà báo và cơ quan báo chí.
1.jpg
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: LÊ HÒA

Đó là chia sẻ của các chuyên gia tại Hội thảo AI và quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn, do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức ngày 18/3. Đây là Hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện Hội Báo toàn quốc 2023.

Báo chí phải đồng hành với công nghệ

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Nhà báo Lê Quốc Minh - Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - cho rằng, báo chí truyền thông phải đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Báo chí phải chủ động đổi mới phương thức truyền tải, mang đến những trải nghiệm mới cho bạn đọc thông qua các ứng dụng công nghệ số. Trước sự bùng nổ về cả tốc độ, số lượng và quy mô tiêu thụ thông tin hiện nay, các tổ chức báo chí, truyền thông sẽ dần quá tải, mất ưu thế nếu vẫn duy trì cách truyền thống.

Để giải quyết vấn đề này, nhiều cơ quan báo chí đã sử dụng AI để thay đổi cách sản xuất, tổ chức, phân loại, xuất bản cũng như phân phối nội dung tin tức trên các nền tảng khác nhau, từ đó từng bước thay đổi trải nghiệm người dùng về nội dung bằng các hình thức phong phú, thông minh hơn.

Đầu tư cho AI không phải là mua một chatbot như ChatGPT để viết bài thay phóng viên. AI có nhiều ứng dụng khác nhằm hỗ trợ cho hoạt động của báo chí như việc nắm bắt hành vi người đọc, từ đó khuyến nghị nội dung theo hướng cá nhân hóa để lôi kéo, giữ chân độc giả.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh

Theo ông Lê Quốc Minh, cơ hội của việc sử dụng AI, đặc biệt là ChatGPT hiện rất lớn. ChatGPT có thể tạo ra những nội dung văn bản rất phức tạp chỉ từ những câu lệnh đơn giản của người dùng, giúp tăng tương tác với độc giả và giúp cải thiện trải nghiệm người dùng bằng cách trả lời các câu hỏi cũng như giải đáp thắc mắc của khách hàng.

Trên thực tế, ChatGPT và AI áp dụng trong báo chí không chỉ giới hạn trong việc viết bài hay biên tập nội dung mà có thể sử dụng nhằm nắm bắt hành vi người dùng, từ đó có thể đưa ra các nội dung phù hợp với bạn đọc. Điều này không chỉ giúp độc giả được tiếp cận với nhiều nội dung hơn mà còn giữ chân họ ở lại tờ báo được lâu hơn. Con đường mà báo chí phải đi là đồng hành với công nghệ.

Từ góc độ cơ quan quản lý báo chí, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, quan điểm của Bộ là rất ủng hộ việc ứng dụng các công nghệ mới, đặc biệt là AI trong hoạt động báo chí. Chính sự xuất hiện của AI hay ChatGPT đã cho thấy báo chí hiện đang rất phí sức trong khâu tác nghiệp hằng ngày. Ví dụ, tại một sự kiện mà báo nào cũng đưa tin như nhau thì việc này không tạo ra giá trị khác biệt và AI hoàn toàn có thể thay thế.

2.jpg
Diễn giả đóng góp ý kiến tại Hội thảo. Ảnh sưu tầm

Từ những nghiên cứu trực tiếp, bà Trần Lệ Thùy - học giả nghiên cứu báo chí (Đại học Oxford), Giám đốc Công ty Sáng kiến truyền thông và phát triển MDI - cho rằng, ChatGPT có thể giúp nhà báo các ý tưởng viết bài, thậm chí viết những tin đơn giản. Tuy nhiên, các thông tin, bằng chứng mà Chat GPT đưa ra cần phải được kiểm chứng, các chất liệu thực tế cũng cần tới nhà báo.

Làm chủ công nghệ thay vì lệ thuộc vào nó

Theo Nhà báo Lê Quốc Minh, những ứng dụng AI, đặc biệt là ChatGPT đã, đang đặt ra nhiều cơ hội nhưng cũng mang đến nhiều thách thức, nhất là đối với các nhà báo và các nhà quản lý báo chí. AI được dự báo sẽ bùng nổ trong năm 2023 như: Sản sinh ngôn ngữ tự nhiên, nhận dạng giọng nói, trợ lý ảo, học máy, ChatGPT. Tuy nhiên, AI cũng gây ra nhiều vấn đề đáng quan ngại cần được giải quyết, trước hết là vấn đề quyền sở hữu.

“Không chỉ đối diện nguy cơ xâm phạm bản quyền, khi các tòa soạn xuất bản các sản phẩm dựa trên các thông tin sai lệch được AI cung cấp, nếu không kiểm chứng, cơ quan báo chí sẽ phải chịu trách nhiệm về các nội dung này” - Nhà báo Lê Quốc Minh khẳng định.

Để làm chủ và sử dụng được công cụ số nói chung và các phần mềm ứng dụng AI nói riêng, mỗi nhà báo Việt Nam càng phải trau dồi năng lực và phẩm chất của một nhà báo cách mạng, học hỏi, thảo luận để có thể làm chủ công nghệ, chứ không để công nghệ dẫn dắt và làm chủ chúng ta.

Bà Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam

Đồng tình với quan điểm trên, TS. Khổng Quốc Minh - Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ khoa học và Công nghệ) cho rằng, nhiều tòa soạn có xu hướng đưa nội dung được ChatGPT trả lời vào sản phẩm đăng báo, điều này có khả năng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của bên thứ ba. Đây là điều các cơ quan quản lý báo chí và các tòa soạn cần cân nhắc.

Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam Đỗ Thị Thu Hằng nhận định, các phần mềm ứng dụng AI dù có nhiều tính năng vượt trội, nhưng xét đến cùng, đó cũng chỉ là một công cụ mà nhà báo phải học cách để làm chủ nó, sử dụng nó phục vụ cho hoạt động tác nghiệp của mình nhằm tạo ra sản phẩm báo chí theo nguyên tắc của nghề nghiệp. Không thể coi đây là sự thay thế cho lực lượng phóng viên tác nghiệp thực tế.

Bởi, khác với con người, AI không có nhạy cảm chính trị, không có lý tưởng, không có tính nhân văn, hoàn toàn không có trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí.

Bà Đỗ Thị Thu Hằng đề xuất, với các cơ quan báo chí đang ở bước cơ bản trong chuyển đổi số, cần tập trung các ứng dụng AI trong sáng tạo nội dung và tổ chức sản xuất, nghiên cứu và phân khúc công chúng trên phiên bản báo điện tử, chú trọng an toàn và an ninh thông tin.

Với các tòa soạn đã ứng dụng tốt cả quy trình, có thể triển khai ứng dụng AI cho khối tương tác, quản lý; phát triển dịch vụ giá trị gia tăng để phát triển kinh tế báo chí số, xây dựng chương trình tương tác và ứng dụng tin tức có tính năng vượt trội, giải quyết các vấn đề bản quyền và thực thi các mô hình báo chí số với cả 3 khu vực: Nội dung số - công nghệ số - kinh tế số, phát triển hệ sinh thái số cho cơ quan báo chí.

Cùng chung quan điểm, Nhà báo Ngô Trần Thịnh - Nhóm nghiên cứu của ứng dụng  ChatGPT của Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh - cho biết, Nhóm đã thử nghiệm phóng sự khi trao quyền xây dựng cho ChatGPT. Công cụ AI này đã xây dựng được khung kịch bản và những điều cần làm và phỏng vấn những ai. Tuy nhiên, nội dung mà ChatGPT xây dựng không có tính con người, thậm chí còn phải sửa mất nhiều thời gian hơn việc từ ngồi viết kịch bản.

“AI/ChatGPT sẽ là công cụ gợi ý tưởng cho nhà báo chứ không thể làm thay chức năng, nhiệm vụ sáng tạo nội dung chuẩn chỉ. Do đó, nhà báo chỉ nên tham khảo công cụ này để có những đề tài phong phú, góc nhìn rộng mở hơn trong làm nghề” - Nhà báo Ngô Trần Thịnh khẳng định./.

LÊ HÒA