Doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ thúc đẩy tăng trưởng xanh
Kinh tế - Ngày đăng : 08:22, 19/03/2023
Tại phiên họp kỹ thuật của Diễn đàn với sự tham dự của gần 300 đại biểu trong nước và quốc tế, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là một trong những trọng tâm của nhiều quốc gia.
Là một nước có trách nhiệm cộng đồng, Việt Nam đã tiếp cận với mô hình tăng trưởng xanh từ sớm. Quốc hội đã ban hành nền tảng pháp luật, trong đó, sửa đổi và bổ sung các văn bản pháp lý để tạo nền tảng cho phát triển tăng trưởng xanh, khẳng định tầm quan trọng của tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững.
Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh trong giai đoạn 2011-2020 tầm nhìn đến năm 2050. Là cơ quan tham mưu cho Chính phủ ban hành Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, Bộ KHĐT chú trọng lựa chọn nhiệm vụ và hành động đóng góp cho tăng trưởng xanh cao, những giải pháp có tính khả thi và phù hợp năng lực. Đồng thời có khả năng thực hiện và đẩy mạnh triển khai các cam kết của Việt Nam tại hội nghị COP26, thay vì chỉ tính đến các giải pháp có tính khả thi về kinh tế.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chính phủ Việt Nam xác định cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh.
Vì vậy, những thông tin hữu ích và thẳng thắn, kinh nghiệm thực tế, phản ánh trực diện những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp tại Diễn đàn sẽ là cơ sở để cộng đồng doanh nghiệp, cùng cơ quan quản lý chung tay tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Với việc xác định kinh tế xanh, chuyển đổi xanh là động lực tăng trưởng quan trọng trong dài hạn, Việt Nam đang tích cực triển khai lộ trình sửa đổi, bổ sung khuôn khổ pháp lý nhằm huy động nguồn tài chính xanh, công nghệ xanh và khuyến khích hoạt động sản xuất và đầu tư xanh, thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển dịch năng lượng, chuyển sang nền kinh tế tuần hoàn, phát thải carbon thấp...
Với chủ đề “Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng xanh”, chúng tôi hiểu được đây là con đường tất yếu nhưng dài hạn, cần có những thay đổi cơ chế, chính sách... để phát huy nguồn lực, động lực.
Mục tiêu xuyên suốt của VBF là đại diện tiếng nói của doanh nghiệp, chuyển tải những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp tới Chính phủ, sát cánh cùng với Chính phủ tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi - ông Soren Roed Pedersen - đồng chủ trì Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam bày tỏ.
Phiên kỹ thuật của VBF 2023 có sự tham gia của 12 Nhóm công tác, gồm: điện, năng lượng, môi trường, nông nghiệp, đầu tư và thương mại, kinh tế số, cơ sở hạ tầng, thuế, hải quan, nguồn nhân lực, đào tạo, du lịch, khoáng sản...
Các nội dung kiến nghị gửi tới phiên kỹ thuật khá đa dạng. Trong đó, có một số vấn đề còn vướng mắc, chưa thống nhất được phản ánh tới các cơ quan chức năng, như chính sách mới về giá bán điện cho các dự án năng lượng tái tạo, tiếp cận thị trường quyền sử dụng đất với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các kiến nghị về thuế, hải quan...
Đáng chú ý, tại phiên họp kỹ thuật, ông Trần Anh Đức - đại diện Nhóm công tác Đầu tư và thương mại đánh giá nỗ lực của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc cải thiện thủ tục liên quan đầu tư, đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn một số quy định phức tạp, yêu cầu bản giấy trong khi các doanh nghiệp hiện nay hầu hết chuyển sang làm trực tuyến.
Về thủ tục hành chính, nhiều doanh nghiệp đã có báo cáo phàn nàn về tình trạng nhiều thủ tục giấy tờ phức tạp trong lĩnh vực như kinh doanh bán lẻ liên quan đến các Sở Công Thương, Bộ Công Thương. Trong đó, nhiều thủ tục kéo dài, thậm chí hơn 6 tháng chưa được chấp thuận cấp phép.
Trong giai đoạn vừa qua, lĩnh vực kinh doanh bất động sản gặp nhiều khó khăn, trong đó, có một phần nguyên nhân từ các vướng mắc về thủ tục. Có doanh nghiệp cho biết phải mất 3-5 năm, thậm chí hơn 5 năm để thực hiện xong hết thủ tục phát triển dự án bất động sản tại Việt Nam. Nhiều văn bản pháp lý có quy định chồng chéo gây khó khăn và kéo dài.
Ông Seck Yee Chung - đại diện Nhóm công tác Kinh tế số khuyến nghị, Việt Nam cần cải cách mạnh mẽ hơn bằng cách áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế đã được ban hành, loại bỏ các hình thức về bản chất là giấy phép, các yêu cầu báo cáo trong tất cả các quy định hiện hành và trong tương lai áp dụng cho những ngành có ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông và dịch vụ kỹ thuật số.