Cần minh bạch doanh thu tại các dự án BOT
Xã hội - Ngày đăng : 13:00, 04/08/2016
(BKTO) - Hiện nay, các dự án giao thông đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) đang được thực hiện ngày càng nhiều. Tuy nhiên do thiếu sự giám sát, nhiều trạm thu phí BOT đã luồn “lách” để tận thu, làm thất thoát tiền của Nhà nước, gây thiệt hại cho người dân và DN. Câu chuyện chênh lệch doanh thu tại trạm thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ những ngày qua là một ví dụ điển hình.
Nhà đầu tư trạm BOT cần công khai, minh bạch lưu lượng phương tiện qua lại, doanh số thu phí mỗi ngày để người dân giám sát. Ảnh: TK
Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa thành lập đoàn kiểm tra, giám sát đột xuất công tác thu phí tại trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ. Kết quả chỉ trong 10 ngày kiểm tra (từ ngày 10 - 20/7), doanh thu tại đoạn cao tốc này là 19,85 tỷ đồng, bình quân mỗi ngày trạm thu được 1,985 tỷ đồng. Trong khi đó, kết quả thu phí hồi tháng 2/2016 (đợt cao điểm vận tải tết Nguyên đán Bính Thân) doanh thu chỉ đạt 35,9 tỷ đồng, bình quân thu gần 1,2 tỷ đồng/ngày. Như vậy, số tiền thu được trên thực tế cao hơn rất nhiều so mức thu phí bình quân hằng ngày của các tháng trước đó mà nhà đầu tư đã báo cáo.
Sự chênh lệch này đã khiến hàng triệu người phải giật mình sửng sốt và cho rằng thời gian để hoàn vốn cho dự án BOT này không thể kéo dài tới 17 năm 3 tháng như hợp đồng mà Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã ký với nhà đầu tư. Điều này đồng nghĩa với khoảng thời gian mà người tham gia giao thông phải trả phí trên tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ sẽ được rút ngắn xuống rất nhiều.
Qua sự việc này, nhiều chuyên gia kinh tế - giao thông nhận định, đang có sự gian lận trong việc thu phí tại tuyến đường trên. Chưa cần nói đến các quy định của pháp luật, mà trong hợp đồng BOT cũng ghi rất rõ: Theo định kỳ hằng tháng, quý nhà đầu tư phải báo cáo doanh thu, lưu lượng phương tiện qua trạm thu phí kèm tài liệu chứng minh về Bộ GTVT. Do vậy hoạt động thu phí tại tuyến đường trên được Bộ GTVT nắm rất rõ. Trường hợp nhà đầu tư không khai báo có nghĩa đã vi phạm hợp đồng, cơ quan quản lý có quyền xử lý nặng. Vậy nhưng, đến khi dư luận phản ứng với việc thu phí trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Bộ GTVT mới yêu cầu báo cáo, thậm chí mới thành lập đoàn kiểm tra, giám sát mới đây.
Không chỉ gây ra bức xúc cho người dân và DN, câu chuyện tại trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cũng trở thành tâm điểm bàn luận tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV diễn ra vừa qua. Trong đó, không ít đại biểu bày tỏ sự băn khoăn khi cho rằng, nếu không quyết liệt yêu cầu minh bạch doanh thu của trạm này thì liệu con số chênh lệch trên có bị phát hiện? Với việc chỉ rađược con số chênh lệch từ trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, câu hỏi được nhiều người đặt ra, đó là có hay không những Pháp Vân - Cầu Giẽ khác vẫn đang tồn tại?
Tuy nhiên, thời gian qua , việc đầu tư, xây dựng và khai thác các công trình BOT thời gian qua cũng đã gây ra nhiều bức xức trong nhân dân. Cụ thể, làm tăng giá cước vận tải; thu phí không đúng dự án đầu tư; người dân, DN bị ép buộc khi không có nhu cầu qua trạm. Bên cạnh đó, việc bố trí quá nhiều trạm thu phí không đúng khoảng cách theo quy hoạch đã gây ùn tắc giao thông, nhiều dự án cũng chưa bảo đảm tiêu chuẩn thu phí BOT.
Theo xu hướng như hiện nay, BOT trong thời gian tới sẽ còn phát triển. Theo Thống kê, trên cả nước hiện có 96 trạm thu phí BOT, quy hoạch đến năm 2020 tăng lên 102 trạm và đến năm 2030 sẽ là 121 trạm. Nhiều ý kiến cho rằng, để vừa có thể đạt được mục tiêu xã hội hóa lại vừa đảm bảo được lợi ích người tiêu dùng, chống thất thoát trong BOT thì yếu tố rất quan trọng là khâu lập dự án, thẩm định các dự toán và triển khai giám sát quá trình tổ chức thực hiện các dự án BOT. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư cần công khai mức đầu tư của các dự án BOT sau khi kiểm toán; đồng thời giám sát chặt chẽ, minh bạch các nguồn thu - chi của các dự án này theo quy định của pháp luật. Có như vậy thì người dân, DN càng dễ hiểu và cảm thông mỗi khi tăng hay giảm mức thu phí từ các dự án BOT.
LÊ HÒA