Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi): Nhiều vấn đề cần tiếp tục làm rõ

Pháp luật - Ngày đăng : 08:25, 18/06/2018

(BKTO) - Ngày 13/6, Quốc hội dành cả ngày thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) (sửa đổi). Tại phiên thảo luận, các quy định liên quan đến việc mở rộng phạm vi kê khai tài sản, thu nhập; xử lý tài sản kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà không giải trình được nguồn gốc hợp lý… là những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận, làm rõ để đảm bảo tính khả thi của Luật.


Minh bạch, công khai trong xử lý tài sản, thu nhập không hợp lý

Tại phiên thảo luận, liên quan đến quy định về xử lý tài sản kê khai không trung thực hoặc tài sản thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, 2 phương án đưa ra trong Dự thảo Luật khiến không ít đại biểu băn khoăn, quan ngại về tính khả thi. Nhiều đại biểu đề xuất, quy định này cần tiếp tục được làm rõ hơn.

Theo đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước), đây là lần đầu tiên Luật đặt ra vấn đề xử lý loại tài sản, thu nhập này nên cần cân nhắc và có bước đi phù hợp. Cần làm rõ tính công khai, minh bạch của vấn đề này, trong đó, cần làm rõ khái niệm tài sản không rõ nguồn gốc mà Nhà nước không chứng minh được trong trường hợp này. Cần có tiêu chí, định lượng, phạm vi để tránh cách hiểu nhiều nghĩa và vận dụng khác nhau; thước đo để đánh giá tính hợp lý khi giải trình về nguồn gốc tài sản vì ranh giới giữa hợp lý và không hợp lý là rất khó phân định.

Các đại biểu Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) - Ảnh: TTXVN

Đặt câu hỏi: “Tại sao lại chỉ xử lý 45% tài sản bất minh, như vậy có phải vô tình hợp lý hóa 55% tài sản còn lại?”, đại biểu Hạnh đề nghị Ban Soạn thảo cần làm rõ căn cứ pháp lý để xử lý thu thuế thu nhập cá nhân hoặc xử phạt hành chính. Theo đó, nên nghiên cứu xử lý theo hướng vi phạm ở mức độ nào thì xử lý ở mức độ đó, không gộp chung hành vi sai phạm để thể hiện rõ tính công khai, minh bạch.

Đồng quan điểm, đại biểu Đỗ Văn Bình (Hải Phòng) cũng cho rằng, việc xây dựng các quy định về xử lý tài sản thu nhập kê khai không trung thực hay không chứng minh được cần phải nghiên cứu, xem xét, đảm bảo các quy định của pháp luật phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi cao. “Cần có quy định làm rõ thế nào là giải trình không hợp lý vì tài sản hình thành từ nhiều nguồn khác nhau trong khi nhiều người không muốn kê khai tài sản. Điều này có thể dẫn đến tranh luận khiếu nại kéo dài” - đại biểu Bình lo ngại.

Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) cũng đề nghị, Luật phải xác định thế nào là “hợp lý”. “Theo tôi, đó là thước đo để xác định tính pháp lý của tài sản thu nhập, từ đó xác định được phương án xử lý là đánh thuế hay phạt hành chính hay thu hồi. Còn nếu không, các phương án đưa ra mới chỉ phù hợp với nguyện vọng của cử tri, chưa phù hợp thực tiễn và đang non về cơ sở pháp lý” - đại biểu Trang nói.

Quy định PCTN trong khu vực tư còn thiếu khả thi

Liên quan đến việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật PCTN ra khu vực ngoài nhà nước, nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, cùng với PCTN trong khu vực công, đã đến lúc cần từng bước mở rộng phạm vi PCTN ra khu vực tư. Bước đầu, việc mở rộng phạm vi này chỉ áp dụng với loại hình công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và một số tổ chức xã hội. Tuy nhiên, các quy định trong Dự thảo Luật về nội dung này còn thiếu khả thi và gây khó khăn cho DN.

Tập trung góp ý về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nhận xét, trong khi đối với khu vực nhà nước, Dự thảo Luật dành tới 110 điều để quy định những việc mà cơ quan, đơn vị, công chức phải làm hoặc không được làm thì đối với khu vực tư, Dự thảo Luật lại giao trách nhiệm cho các DN tự căn cứ vào các quy định PCTN trong khu vực nhà nước để ban hành quy định áp dụng cho DN. Điều này rất khó cho DN, bởi ngay quá trình xây dựng Luật cũng chưa phân định rõ quy định nào chỉ áp dụng cho khu vực công, quy định nào áp dụng cho cả khu vực công và khu vực tư.

Dự thảo Luật cũng giao trách nhiệm cho các cơ quan thanh tra các cấp tiến hành thanh tra DN. Căn cứ để thanh tra lại theo các quy định do DN tự ban hành. Điều này cũng sẽ phát sinh nhiều khó khăn bởi ngay các cơ quan thanh tra cũng không biết phải dựa vào đâu để kết luận quy định do DN ban hành là phù hợp hay không phù hợp với Luật PCTN. Đồng thời, cách quy định không chặt chẽ như Dự thảo Luật sẽ không chỉ ra được nghĩa vụ cụ thể mà DN phải thực hiện, dễ tiềm ẩn nguy cơ nhũng nhiễu DN.

Bên cạnh đó, đại biểu Thủy cũng chỉ ra những điểm bất hợp lý trong các quy định về kê khai tài sản, kiểm soát tài sản trong khu vực tư. Theo đại biểu, PCTN trong khu vực tư chính là hướng tới mục tiêu xây dựng một môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, thúc đẩy liêm chính, thiết lập đạo đức kinh doanh. Trong bối cảnh lần đầu tiên mở rộng phạm vi PCTN sang khu vực tư, cần phải đánh giá kỹ tác động của từng chính sách sẽ áp dụng lên khu vực này, làm từng bước, khả thi. “Các biện pháp áp dụng đối với khu vực tư phải thiên về các biện pháp kinh tế, các biện pháp thị trường, chứ không phải là các biện pháp hành chính như áp dụng đối với các cơ quan nhà nước” - đại biểu Thủy nhấn mạnh.

Cũng đồng tình với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực tư song đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) đề nghị, chỉ nên áp dụng bắt buộc một số chế định như công khai minh bạch hoạt động, trách nhiệm của người đứng đầu mà không áp dụng toàn bộ các chế định của Luật PCTN.

Đặc biệt, để quy định này có tính khả thi cao, đại biểu lưu ý việc mở rộng PCTN ra khu vực tư phải không làm phân tán nguồn lực, gây ảnh hưởng đến PCTN trong khu vực công. PCTN trong khu vực công vẫn là chủ đạo, tránh nguy cơ chuyển định hướng của cơ quan chuyên trách PCTN từ khu vực công sang khu vực tư. Trong thanh tra, kiểm tra PCTN, cần tránh nguy cơ lạm dụng quyền lực, gây khó khăn cho tổ chức, DN.

NGUYỄN HỒNG
Theo Báo Kiểm toán số 24 ra ngày 14-6-2018