Đề án 911: Kỳ I - Chậm triển khai thực hiện, không đạt nhiều mục tiêu đề ra

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 09:05, 18/06/2018

(BKTO) - Thông báo kết quả kiểm toán công tác quản lý, sử dụng NSNN thực hiện Đề án “Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sỹ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010-2020” giai đoạn 2012-2016 (Đề án 911) của KTNN cho biết: sau 7 năm triển khai, Đề án 911 đã không đạt được mục tiêu đề ra cả về số lượng và chất lượng, dẫn đến phải dừng thực hiện và thay thế bằng đề án khác. Từ kết quả kiểm toán, KTNN đã phân tích nguyên nhân và chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập trong xây dựng, triển khai thực hiện Đề án này.


Xây dựng Đề án thiếu cơ sở, chưa sát thực tế
Theo kết quả kiểm toán, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) là cơ quan chủ trì quản lý Đề án, đã tổ chức thẩm định, lựa chọn, giao nhiệm vụ cho 59 cơ sở đào tạo, trong đó có 7 cơ sở đào tạo theo phương thức phối hợp và tổ chức tuyển nghiên cứu sinh (NCS) cử đi học nước ngoài theo Đề án. Bộ đã có nhiều cố gắng trong triển khai Đề án nhưng kết quả đạt được rất hạn chế.
Theo đánh giá của KTNN, việc xây dựng Đề án thiếu cơ sở, trong đó, xác định mục tiêu đến năm 2020 đào tạo được ít nhất 20.000 tiến sỹ với kinh phí 14.000 tỷ đồng là quá cao, vượt quá khả năng về nguồn tuyển sinh đào tạo và khả năng cân đối của NSNN. Mặt khác, trong quá trình triển khai, không xác định rõ, kịp thời nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế, chính sách để thực hiện các mục tiêu cũng là nguyên nhân dẫn đến Đề án bị phá sản, phải thay thế bằng đề án mới.

KTNN đánh giá việc xây dựng Đề án 911 vượt quá khả năng cân đối của ngân sách - Ảnh: Minh họa
Bên cạnh đó, việc ban hành cơ chế, chính sách để thực hiện Đề án chậm, thiếu đồng bộ, chưa sát thực tế nên hiệu quả thấp. Cụ thể, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 35/2012/TT-BGDĐT ngày 12/10/2012 quy định đào tạo trình độ tiến sỹ theo Đề án 911 chậm; đồng thời yêu cầu cao về chất lượng đào tạo nhưng thực tế không cơ sở đào tạo nào đạt được, như: quy định chất lượng đào tạo NCS cao hơn, phải có bài báo đăng tạp chí quốc tế. Tương tự, Thông tư liên tịch số 130/2013/TTLT-BTC-BGDĐT hướng dẫn chế độ tài chính thực hiện Đề án 911 ban hành quá chậm; quy định mức chi thấp, chưa tương xứng với yêu cầu chất lượng đào tạo; quy định học phí đối với hình thức toàn thời gian ở nước ngoài chưa phù hợp với các đề án tương tự của Nhà nước nên không thu hút được NCS tham gia.
Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát trong thực hiện của Bộ GD&ĐT chưa được chú trọng, chỉ kiểm tra chủ yếu về tài chính, chưa chú ý kiểm tra về tuyển sinh và đào tạo.
Kết quả tuyển sinh, đào tạo, tốt nghiệp đạt quá thấp so với mục tiêu
Đánh giá về kết quả thực hiện Đề án, kết quả kiểm toán nêu:
Đối với đào tạo trong nước, tổng số NCS trúng tuyển theo học tính đến hết năm 2016 là 2.062 NCS, đạt 36% chỉ tiêu của Đề án tính đến năm 2016 và bằng 20,6% tổng chỉ tiêu của cả Đề án. Về đào tạo ở nước ngoài, do triển khai nội dung, nhiệm vụ của Đề án chậm nên từ năm 2010-2012 không tuyển sinh. Tổng số NCS trúng tuyển trong giai đoạn 2012-2016 là 2.926 NCS, đạt 50% chỉ tiêu của Đề án tính đến năm 2016 và đạt 29,6% tổng chỉ tiêu của cả Đề án. Nếu loại trừ 681 chỉ tiêu năm 2012 của Đề án 356 (Đề án "Đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng NSNN”) thì số trúng tuyển của Đề án là 2.245 NCS, đạt 42% chỉ tiêu tuyển sinh của Đề án tính đến năm 2016 và đạt 23% chỉ tiêu của cả Đề án. Đối với NCS đào tạo theo hình thức phối hợp, tính đến thời điểm 31/12/2016, chỉ có 1 NCS đang thực hiện học tập, nghiên cứu tại Pháp.

         
Đề án 911 là một nội dung kiểm toán trong Chuyên đề công tác quản lý, sử dụng NSNN thực hiện Đề án “Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sỹ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010-2020” giai đoạn 2012-2016 và Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” giai đoạn 2015-2016 của Bộ GD&ĐT, được KTNN thực hiện từ ngày 06/7/2017 đến 03/9/2017.
   Ngày 09/11/2017, KTNN đã gửi đến Bộ GD&ĐT một số kết quả chủ yếu từ cuộc kiểm toán này.
Trong khi tuyển sinh đã đạt thấp thì nhiều trường hợp còn bỏ học hoặc không hoàn thành khóa học đúng hạn nên số NCS tốt nghiệp trở về làm giảng viên không đáng kể so với yêu cầu của Đề án. Theo đó, đối với đào tạo tiến sỹ trong nước, số NCS trúng tuyển không dự học, bỏ dở hoặc chuyển sang nghiên cứu theo hình thức đại trà là 143 NCS, chiếm 6,9% số trúng tuyển. Số NCS kết thúc thời gian nghiên cứu là 703 người, trong đó: số NCS hoàn thành khóa học, bảo vệ thành công và được cấp bằng là 222 người, đạt tỷ lệ 32%. Số NCS hết thời gian nghiên cứu nhưng chưa tốt nghiệp 501 người; 238 NCS tốt nghiệp trở về nơi công tác giảng dạy.
Về đào tạo ngoài nước, tính đến hết năm 2016 đã cử đi học 1.961 người, đạt 67% số NCS trúng tuyển và đạt 34% chỉ tiêu của Đề án. Nếu loại trừ 655 NCS của Đề án 356 thì số NCS nhập học là 1.306 người, đạt 55% NCS trúng tuyển, bằng 23% chỉ tiêu của Đề án đến năm 2016 và bằng 13% tổng chỉ tiêu của cả Đề án; số NCS bỏ không theo hết khóa học là 45 người (2% số NCS nhập học).
Số NCS kết thúc thời gian nghiên cứu là 735 người, trong đó: số NCS hoàn thành khóa học bảo vệ thành công về nước là 549 người, đạt 75% số NCS hết thời gian nghiên cứu (tốt nghiệp đúng hạn 387 NCS; chậm 1 năm: 134 NCS, chậm 2 năm: 28 NCS); số NCS hết thời gian nghiên cứu nhưng chưa tốt nghiệp là 186 người, trong đó đã xin gia hạn 96 NCS, quá thời hạn nhưng chưa báo cáo 90 NCS. Như vậy, số NCS đã hết thời gian nghiên cứu nhưng chưa bảo vệ đề án hoặc bảo vệ đề án chậm 1 - 2 năm tương đối cao 48% (355/735NCS). Có 45 NCS bỏ học, trong đó, đến thời điểm kiểm toán (tháng 7/2017) còn 30 NCS chưa bồi hoàn theo quy định số tiền 20 tỷ đồng. Có 7 NCS không thực hiện đúng cam kết quay về cơ sở đào tạo cử đi học, trong đó có 4 NCS chưa bồi hoàn số tiền hơn 4,5 tỷ đồng.
Kết quả kiểm toán cũng cho thấy, mục tiêu nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo tiến sỹ không đạt yêu cầu của Đề án. Theo đó, chương trình đào tạo tiến sỹ theo Đề án 911 không cao hơn đào tạo tiến sỹ nói chung như mục tiêu đề ra là có bài đăng báo, tạp chí quốc tế và có thực tập ở nước ngoài. Số NCS tham gia đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ không nhiều (119 công trình); số lượng đăng bài báo quốc tế hạn chế (387 bài, bình quân 1,63 bài/NCS).
Theo báo cáo của Cục Hợp tác quốc tế (Bộ GD&ĐT), hiện nay, đã có 542/549 NCS hoàn thành khóa học trở về nước công tác theo quy định. Các NCS đã có 1.029 bài được đăng trên tạp chí quốc tế, 1.411 bài được đăng trên kỷ yếu hội thảo quốc tế, 401 bài đăng trên tạp chí trong nước và 336 bài đăng trên kỷ yếu hội thảo trong nước. Kết quả trên thể hiện trình độ, năng lực tiến sỹ được nâng lên so với đào tạo trong nước; tuy nhiên, số lượng còn thấp, không tăng đáng kể và chưa làm thay đổi về cơ cấu giảng viên, tác động không lớn đến công tác giảng dạy chung của các trường đại học.
         
Đánh giá chung kết quả thực hiện mục tiêu Đề án, theo kết quả kiểm toán, tính đến hết năm 2016, số NCS trúng tuyển nhập học là 4.024 NCS, đạt 31,4% so với chỉ tiêu của Đề án tính đến năm 2016 và bằng 17,5% của cả Đề án. Số NCS tốt nghiệp được cấp Bằng là 787 NCS, đạt 6% so với chỉ tiêu của Đề án tính đến năm 2016 và bằng 3,4% của cả Đề án. Số NCS quay về cơ sở đào tạo cử đi học là 780 NCS, chiếm 99% NCS tốt nghiệp được cấp Bằng; 7 NCS không quay về cơ sở đào tạo cử đi học.

HOÀNG MINH
Theo Báo Kiểm toán số 24 ra ngày 14-6-2018