Đào tạo nhân lực ngành kiểm toán: Cần xây dựng chuẩn đầu ra phù hợp với yêu cầu của hội nhập quốc tế
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 09:10, 18/06/2018
(BKTO) - Dư thừa nguồn nhân lực song lại thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, thực trạng này đang đặt ra cho ngành kiểm toán yêu cầu về một hướng đi mới trong đào tạo nhân lực.
Thừa số lượng,thiếu chất lượng
Thời gian qua, sự gia tăng nhu cầu sử dụng nguồn lao động kế toán đã dẫn đến sự phát triển nhanh chóng của các trường đào tạo ngành kế toán, trong khi các chuẩn mực giáo dục nghề nghiệp chưa rõ ràng. Đáng nói, theo PGS,TS. Nguyễn Hữu Ánh - Viện trưởng Viện Kế toán - Kiểm toán (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), do thiếu đội ngũ giảng viên kế toán tốt trong khi sinh viên quá đông và năng lực học tập hạn chế, nhiều chương trình đào tạo giảm chuẩn, dạy ghi chép sổ sách thay vì phân tích bản chất, lại thiếu thực hành nên chất lượng đầu ra không đáp ứng được yêu cầu.
Theo PGS,TS. Vũ Hữu Đức - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mở TP. HCM, nguồn nhân lực cho ngành kiểm toán cũng chịu ảnh hưởng của hệ lụy này. Nhiều trường có xu hướng dạy quá nhiều lý thuyết kiểm toán trong khi sinh viên cần hơn một nền tảng kế toán, tài chính vững chắc và những kỹ năng thực hành hiệu quả. Sự phát triển nghề nghiệp kế toán, kiểm toán đang ở trạng thái “khủng hoảng” về tiêu chuẩn, gây mất niềm tin và khó khăn cho người sử dụng lao động.
Còn theo TS. Lê Đình Thăng - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III, quá trình tuyển dụng Kiểm toán viên của KTNN cũng cho thấy những khó khăn này. Nguyên nhân là do chương trình đào tạo trong nhà trường nặng tính lý thuyết, phần khác do năng lực và khả năng hội nhập công việc của người lao động hạn chế.
Vì vậy, các chương trình đào tạo, bồi dưỡng hằng năm của KTNN một mặt giúp cập nhật, nâng cao kiến thức chuyên ngành cho đội ngũ Kiểm toán viên, mặt khác, giúp Kiểm toán viên tiếp cận hệ thống thông tin, chuẩn mực KTNN cũng như lấp “lỗ hổng” kiến thức được đào tạo trong nhà trường.
Đồng quan điểm, TS. Phan Thị Anh Đào (Học viện Ngân hàng) cho rằng, dù dư thừa nhân lực nhưng đến nay, kế toán và kiểm toán vẫn là chuyên ngành thu hút nhiều thí sinh dự thi hằng năm nhờ sức hấp dẫn về thu nhập cao, dễ kiếm việc làm ở nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, nếu xét về khía cạnh chất lượng đào tạo thì còn có độ lệch khá lớn giữa các trường và nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao. “Do đó, để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho thị trường trong giai đoạn mới, cần xem xét lại định hướng đào tạo nhân lực cho ngành kiểm toán hiện nay” - TS. Đào cho biết.
Sớm xây dựngtiêu chuẩn đào tạo kế toán, kiểm toán
Từ tiếng nói chung về thực trạng đào tạo ngành kế toán, kiểm toán, các chuyên gia trong lĩnh vực này cũng bày tỏ nhiều quan điểm khác nhau trong việc xác định hướng đào tạo nhân lực kiểm toán.
“Việc lựa chọn đào tạo nhân lực phục vụ nhu cầu trong nước hay hướng đến yêu cầu hội nhập là không dễ, bởi điều đó còn phụ thuộc vào đặc điểm của trường. Điều quan trọng là các trường cần xây dựng được chuẩn đầu ra phù hợp với yêu cầu của thị trường mà trường hướng đến” - PGS,TS. Nguyễn Hữu Ánh lưu ý.
Nằm trong những nỗ lực cải thiện chất lượng đầu ra của sinh viên ngành kế toán, kiểm toán, thời gian gần đây, một số trường đã hợp tác đào tạo và cấp chứng chỉ quốc tế của các tổ chức như: Hiệp hội Kế toán công chứng Anh quốc (ACCA), Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW), CPA Australia,...
Từ năm học 2016-2017, Trường Đại học Ngoại thương mở chuyên ngành kế toán - kiểm toán định hướng nghề nghiệp ACCA. Chương trình đưa việc giảng dạy các môn học cấp độ cơ bản từ F1 - F9 của ACCA vào trong chương trình cử nhân kế toán - kiểm toán. Tất cả các tài liệu của 9 môn theo chuẩn quốc tế, bằng tiếng Anh, có tính cập nhật cao. Sau khi tốt nghiệp chương trình đào tạo 4 năm tại trường, sinh viên được nhận Bằng Cử nhân ngành Kế toán chuyên ngành kế toán - kiểm toán hoặc nhận Bằng Cao cấp về kế toán và kinh doanh của ACCA sau khi hoàn thành 9 môn F1 - F9.
Tại Đại học Kinh tế Quốc dân, từ năm 2015, Viện Kế toán - Kiểm toán đã có thỏa thuận với ICAEW trong việc hỗ trợ đào tạo và định hướng nghề nghiệp cho sinh viên. Theo PGS,TS. Nguyễn Hữu Ánh, ngoài chương trình học do ICAEW xây dựng, việc đưa các môn học chuyên ngành bằng tiếng Anh vào giảng dạy đã giúp khắc phục rào cản ngôn ngữ, phát triển khả năng tiếng Anh cho sinh viên, giúp sinh viên hòa nhập tốt hơn với môi trường làm việc quốc tế.
Tuy nhiên, phần lớn các chương trình này hiện nay đều mới được triển khai và ở mức thí điểm tại một số cơ sở đào tạo uy tín. Trong khi lao động kế toán, kiểm toán được đào tạo tại hàng trăm cơ sở khác vẫn sử dụng chương trình nặng tính hàn lâm và ít đổi mới, cập nhật. Điều này đang trở thành thách thức trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán. Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm xây dựng tiêu chuẩn về đào tạo ngành kế toán, kiểm toán dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế và đưa vào giảng dạy đại trà. “Chỉ có mạnh dạn áp dụng thì các trường còn lại mới có sức ép để đổi mới hoạt động đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung cho thị trường” - PGS,TS. Nguyễn Hữu Ánh nói.
Cũng nhấn mạnh về sự cần thiết phải ban hành chuẩn đào tạo theo xu hướng quốc tế, TS. Vũ Hữu Đức cho rằng, trong bối cảnh các trường đang đẩy mạnh quyền tự chủ, đi đôi với việc tăng kiểm định chất lượng bởi các tổ chức độc lập, các nhà kiểm định sẽ căn cứ trên các tiêu chuẩn này để đánh giá và công bố kết quả đến xã hội.
NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số 24 ra ngày 14-6-2018