Macedonia: Yếu kém trong công tác quản lý rủi ro hỏa hoạn

Kiểm toán quốc tế - Ngày đăng : 18:24, 21/03/2023

(BKTO) - Kiểm toán nhà nước Cộng hòa Macedonia (SAO) vừa qua đã công bố một báo cáo có tiêu đề “Công tác quản lý rủi ro hỏa hoạn không hiệu quả”.

Theo đó, cơ quan này đã nhận định, hệ thống quản lý khủng hoảng và phòng cháy chữa cháy không có khả năng quản lý rủi ro và xử lý cháy rừng hiệu quả. SAO đã tiến hành cuộc kiểm toán hoạt động chuyên đề về “Quản lý khủng hoảng và hệ thống phòng cháy chữa cháy” trong Chương trình công tác hàng năm để đánh giá liệu “hệ thống phòng cháy và chữa cháy đang hoạt động có bảo vệ môi trường, sức khỏe và tính mạng con người hiệu quả không”.

09virus-macedonia01-videosixteenbynine3000.jpg
Công tác quản lý rủi ro hỏa hoạn tại Macedonia cần cải thiện. Ảnh sưu tầm

SAO đã đưa ra nhiều phát hiện kiểm toán nổi bật như các vụ hỏa hoạn bùng phát trên lãnh thổ Cộng hòa Bắc Macedonia từ năm 2019 đến 2021 đã gây ra thiệt hại to lớn về môi trường. Trong giai đoạn đó, tổng diện tích bị cháy là 29.224,51 ha, tương đương 3% tổng diện tích rừng trong cả nước và khối lượng gỗ bị phá hủy là 594.009,68 m3;

Nội dung kiểm toán về khung pháp lý đối với hệ thống và chính sách về phòng cháy, chữa cháy quốc gia chỉ ra việc chậm áp dụng các biện pháp chiến lược và chương trình phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ. Các dự án phát triển không lường trước được và thiếu các hành động, hoạt động và thủ tục phòng ngừa, vận hành cho những người tham gia Hệ thống bảo vệ, cứu hộ. Ngoài ra, còn thiếu sự phối hợp ở cấp địa phương, quốc gia, khu vực, quốc tế trong việc đối phó với thiên tai và các tai nạn khác.

Từ năm 2018, chiến lược bảo vệ và cứu hộ quốc gia giai đoạn 5 năm và các chương trình bảo vệ và cứu hộ hàng năm chưa được ban hành. Năm 2019, Chính phủ đã ban hành Cương lĩnh quốc gia về giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Tuy nhiên, trong giai đoạn kiểm toán (2019 – 2021), không có Kế hoạch hành động nào được thông qua. Việc đào tạo không đầy đủ cho lực lượng bảo vệ và cứu hộ cũng làm giảm hiệu quả ứng phó với cháy rừng của các cơ quan.

SAO cho rằng, các cơ quan có thẩm quyền cần thực hiện các hoạt động để xem xét việc đánh giá các loại rủi ro, nâng cao hiệu quả công tác quản lý rủi ro hỏa hoạn. Công tác bổ sung và tuyển dụng nhân sự cũng được đánh giá cao, các cán bộ quản lý các hoạt động chữa cháy phải trải qua bài kiểm tra nghiệp vụ dành cho cán bộ quản lý hoạt động chữa cháy, cứu người và tài sản, tuân theo các Chương trình đào tạo tương ứng tại mỗi cơ quan./.

Yến Nhi – Đàm Hương