Nhiều dư địa thúc đẩy phát triển quan hệ Việt Nam - Anh
Kinh tế - Ngày đăng : 17:02, 22/03/2023
Đây là chủ đề được trao đổi, thảo luận tại Hội thảo quốc tế “50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Vương quốc Anh: Thành tựu và triển vọng”. Hội thảo do Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO), Hội hữu nghị Việt - Anh, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam, Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp tổ chức vào ngày 21/3, tại Hà Nội.
Chia sẻ tại Hội thảo, TS. Phan Anh Sơn - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký VUFO cho biết, Việt Nam và Anh chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 11/9/1973. Trong suốt 50 năm qua, mối quan hệ giữa hai nước không ngừng được củng cố và phát triển. Đặc biệt, sau khi hai nước nâng tầm quan hệ lên mức Đối tác chiến lược vào tháng 9/2010 đã mở ra nhiều khuôn khổ, cơ chế hợp tác giữa hai nước như Đối thoại chiến lược, Ủy ban hỗn hợp hợp tác về kinh tế và thương mại, Nhóm công tác về quốc phòng...
Về hợp tác trên các lĩnh vực, hai nước không ngừng thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực quan trọng như an ninh - quốc phòng, kinh tế, giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ, phát triển bền vững, giao lưu nhân dân… tạo nền tảng vững chắc cho việc phát triển quan hệ song phương.
Cụ thể, về hợp tác kinh tế, hai bên đã triển khai có hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), góp phần đưa quan hệ hợp tác kinh tế song phương có nhiều bước phát triển tích cực. Theo đó, năm 2022, tổng kim ngạch thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa hai nước đạt khoảng 5,9 tỷ bảng Anh (GBP), tăng 12,4% so với năm 2021.
Về lĩnh vực giáo dục, Anh hiện là đối tác hàng đầu của Việt Nam với 74 chương trình giáo dục xuyên quốc gia của 23 trường đại học Anh quốc.
Hợp tác trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng cũng ghi nhận những bước phát triển mới, trong bối cảnh Anh đang tăng cường sự hiện diện tại khu vực biển Đông và khu vực Đông Nam Á, đồng thời coi Việt Nam là một đối tác chính tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Ngoài ra, Việt Nam và Anh cũng không ngừng củng cố quan hệ hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề toàn cầu, đặc biệt là ứng phó với biến đổi khí hậu. Hai nước cũng đang hợp tác để hướng tới Chương trình Chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP). Bên cạnh đó, hai bên cũng có sự hợp tác chặt chẽ và hiệu quả trên các diễn đàn quốc tế và khu vực…
Cũng đánh giá cao những kết quả tích cực trong quan hệ hợp tác Việt Nam - Anh thời gian qua, tuy nhiên ông Bùi Thế Giang - Nguyên Vụ trưởng Vụ Tây Âu - Bắc Mỹ, Ban Đối ngoại Trung ương cho rằng vẫn còn khá nhiều dư địa để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Đơn cử như về kinh tế, hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Anh hiện nay chỉ chiếm chưa tới 1% nhu cầu nhập khẩu của Anh. Ở chiều ngược lại, hàng nhập khẩu của Việt Nam từ Anh chỉ chiếm khoảng 0,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của Anh ra thế giới. Tương tự, về đầu tư, Anh hiện mới chỉ đứng thứ 16 trong gần 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Việt Nam.
Hay như trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, hiện nay, nhu cầu tiếp cận hệ thống giáo dục của Anh và nhu cầu học tiếng Anh của học sinh, sinh viên Việt Nam ở mức rất cao, trong khi học bổng của Chính phủ Anh trao cho học sinh, sinh viên Việt Nam còn khá hạn chế, có tới hơn 95% số học sinh, sinh viên Việt Nam sang Anh học là tự túc tài chính…
Từ thực tế hợp tác Việt Nam - Anh còn nhiều tiềm năng, dư địa để phát triển hơn nữa, ông Ben Bland - Giám đốc Chương trình châu Á - Thái Bình Dương và quan hệ song phương Anh - Việt (thuộc Viện Nghiên cứu Chatham House, Anh) đã nêu một số gợi ý để đẩy mạnh quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới.
Theo ông Ben Bland, hai nước Việt Nam và Anh có nhiều điểm chung, tương đồng nhưng cũng có một số điểm khác biệt. Do vậy, hai bên cần thẳng thắn, trung thực trao đổi về những điểm khác biệt để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, làm cơ sở cho việc thiết lập những lĩnh vực hợp tác hiệu quả. Đồng thời, hai bên cũng cần tiếp tục tìm những điểm chung, những lĩnh vực có thể phát huy tối đa mối quan hệ hợp tác song phương để cùng đẩy mạnh.
Bên cạnh đó, hai nước cũng cần tăng cường trao đổi, đối thoại để đề ra những mục tiêu và tầm nhìn dài hạn, từ đó xây dựng các chiến lược, các kế hoạch hành động phù hợp, hiệu quả.../.