Công nghệ Blockchain giúp nông sản Việt vươn ra thế giới

Đầu tư - Ngày đăng : 09:25, 18/06/2018

(BKTO) - Theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ chuỗi khối (Blockchain) sẽ là giải pháp giúp minh bạch thông tin, dễ dàng truy xuất nguồn gốc nông sản. Đây cũng là “chìa khóa” để giữ và quảng bá thương hiệu nông sản Việt Nam ra thế giới.


Truy xuất nguồn gốc nông sản - Việt Nam đang đi ngược xu thế

Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế. 4 tháng năm 2018, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp tăng 11,9% so với cùng kỳ 2017, trong đó, giá trị xuất khẩu nông sản đạt 6,5 tỷ USD, giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 2,4 tỷ USD... Dự kiến năm nay, tổng giá trị xuất khẩu nông sản sẽ đạt 40 tỷ USD. Hiện nông sản Việt Nam đang có mặt tại khoảng 180 nước trên thế giới, kể cả một số thị trường khó tính như: Mỹ, Australia...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành nông nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều bất cập, đặc biệt là những khó khăn về việc minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc nông sản. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty VietTrace Verified Nguyễn Thị Hồng Minh cho rằng, việc truy xuất nguồn gốc nông sản ở Việt Nam hiện đang đi ngược với xu thế trên thế giới. Bởi, trên thực tế, sau khi có sự cố về chất lượng sản phẩm, các cơ quan chức năng mới yêu cầu các đơn vị truy vết nguồn gốc của sản phẩm. Điều này đã gây khó khăn cho nông dân Việt Nam trong việc đưa nông sản vào các chuỗi siêu thị.

Việc ứng dụng công nghệ cao sẽ giúp nông sản Việt Nam đáp ứng nhu cầu của thị trường - Ảnh: NguyễnNgọcDũng

Cũng theo bà Hồng Minh, sở dĩ vấn đề truy xuất nguồn gốc xuất xứ quan trọng là vì nhiều loại thực phẩm đang phải đối mặt với tình trạng không an toàn. Ngay cả mẫu rau lấy từ gia đình hay siêu thị đều có hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép.

Chủ tịch Hiệp hội Chuỗi cung ứng thương mại điện tử Hong Kong (Trung Quốc) Terry Chan dẫn chứng, ở Trung Quốc, chuỗi siêu thị WalMart đã sử dụng các công nghệ để truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Nhờ đó, họ có thể theo dõi nguồn thịt lợn nhập từ Trung Quốc đến Hoa Kỳ, giúp giảm số lượng thực phẩm bị hư hỏng, thậm chí có thể ngăn chặn nguy cơ xảy ra dịch bệnh.

Theo ông Terry Chan, chuỗi siêu thị đòi hỏi các loại hàng hoá phải ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc. Thực tế ở Việt Nam, nông dân đang gặp phải sự cạnh tranh lớn khi các chuỗi siêu thị lớn của nước ngoài thường yêu cầu nghiêm ngặt về sản phẩm theo nhiều tiêu chí như: nhiệt độ, độ ẩm, cách bảo quản, cách chế biến, đóng gói… Vì vậy, nông dân Việt Nam cần quan tâm ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc để nâng cao chất lượng.

Công nghệ Blokchain và lợi ích “kép” cho phát triển nông sản

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam chuyên đề về nông nghiệp với chủ đề "Giải pháp phát triển thương mại cho nông sản Việt" do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ tổ chức mới đây, khi đề cập về yêu cầu truy xuất nguồn gốc, minh bạch thông tin cho nông sản, ông Srikanth Mangalam (chuyên gia từ IFC thuộc World Bank) cho rằng, Việt Nam có thể nghiên cứu áp dụng công nghệ Blockchain, vì điều này sẽ giúp đảm bảo tăng cường truy xuất nguồn gốc xuất xứ... Đồng thời, người nông dân có thể sử dụng để tăng uy tín với ngân hàng, từ đó vay được vốn nhiều hơn để đầu tư cho sản xuất.

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Công nghệ khởi nghiệp Lina Network Vũ Trường Ca, dù có lợi thế về điều kiện địa lý, con người, thổ nhưỡng… nhưng nông sản Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Việc ứng dụng công nghệ sẽ giải quyết được bài toán này. Trong đó, công nghệ Blockchain phát triển mạnh sẽ thay đổi toàn bộ hoạt động của xã hội trong những năm tới khi có thể truy xuất nguồn gốc, minh bạch thông tin nông sản, an toàn chuẩn hóa và liên kết chuỗi với nhau.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Hồng Minh cho rằng, công nghệ Blockchain được coi như một phương thức có thể dùng trong các mô hình nông nghiệp và mang lại tính ứng dụng khá cao. Nhưng hiện nay, tính ứng dụng của công nghệ Blockchain vào sản xuất nông nghiệp hầu như là mô hình thử nghiệm mà chưa có mô hình thực tế cụ thể áp dụng rộng rãi. Do đó, một mong muốn đặt ra là cần có mô hình công nghệ thật tốt để liên kết với nông dân và áp dụng vào sản xuất một cách hiệu quả.

Ông Terry Chan cho rằng, hiện hệ sinh thái nông nghiệp từ người nông dân đến người tiêu dùng trải qua quá nhiều khâu trung gian. Chính vì thế, lợi ích của Blockchain là tăng cường tính minh bạch, tăng trách nhiệm giải trình, tăng hiệu suất. Công nghệ này sẽ giúp kiểm chứng các hồ sơ giao dịch, quản lý hồ sơ, quản lý quá trình hợp tác...

Đánh giá ứng dụng Blockchain trong truy xuất nguồn gốc nông sản, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Đào Ngọc Chiến khẳng định, ứng dụng Blockchain trong truy xuất nguồn gốc là cần thiết. Tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ này cũng cần phải kết hợp nhiều yếu tố khác. Bộ KH&CN sẽ sớm triển khai kế hoạch liên quan và đồng hành cùng DN trong lĩnh vực này. Các giải pháp, đề xuất sẽ được tổng hợp báo cáo, trình lên Thủ tướng Chính phủ tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam phiên toàn thể dự kiến diễn ra vào tháng 12/2018.
LÊ HÒA
Theo Báo Kiểm toán số 24 ra ngày 14-6-2018