Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi): Rà soát giá tính thuế tài nguyên nước theo pháp luật về thuế, giá

Kinh tế - Ngày đăng : 16:49, 23/03/2023

(BKTO) - Mặc dù tài chính về tài nguyên nước (TNN) đã được quy định trong Luật TNN năm 2012, tuy nhiên thực tế triển khai đã bộc lộ nhiều mâu thuẫn, bất cập. Theo đó, Dự thảo Luật TNN (sửa đổi) đã bổ sung quy định về nội dung này. Giới chuyên gia khuyến nghị, cần tiếp tục đối chiếu, rà soát quy định giá tính thuế TNN theo quy định của pháp luật về thuế, giá.
a.jpg
Mục tiêu sửa nội dung tài chính về TNN là tính đúng, tính đủ giá trị của nước nhằm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Ảnh sưu tầm

Tài chính cho ngành nước vẫn thiếu so với nhu cầu

Theo Báo cáo Tổng kết thi hành Luật Tài nguyên nước năm 2012, đầu tư và tài chính cho ngành nước thời gian qua tuy được quan tâm nhưng vẫn đang thiếu so với nhu cầu. Đặc biệt, đầu tư kinh phí cho các hoạt động điều tra cơ bản, kiểm kê, đánh giá TNN, các hoạt động bảo vệ TNN, phòng, chống suy thoái, cạn kiệt TNN chưa tương xứng với nhiệm vụ và yêu cầu để phục vụ công tác quản lý cũng như để triển khai, thực thi các quy định của pháp luật TNN.

Đáng nói, tài chính cho ngành nước còn hạn chế, hiện mới chỉ thu được từ thuế tài nguyên, cấp quyền khai thác, phí thẩm định cấp phép TNN; giá nước chưa được tính đúng, tính đủ; chưa thu hút được đầu tư của khu vực tư nhân cho lĩnh vực này; việc sử dụng nước còn chưa tiết kiệm. Thực tế, nguồn thu từ các danh mục thu nêu trên chỉ đạt gần 10.000 tỷ đồng/năm, gồm: Thuế tài nguyên khoảng 8.500 tỷ đồng/năm, tiền cấp quyền khai thác TNN khoảng 1.500 tỷ đồng/năm; tiền thu từ dịch vụ cung cấp nước còn thấp, giá nước sinh hoạt, nước cho sản xuất nông nghiệp thấp hơn giá thành, nhà nước và doanh nghiệp đang phải bù lỗ. Giá nước sinh hoạt nông thôn hiện nay rất rẻ, dao động khoảng 5.000-6.000 đồng/m3, chỉ bằng 1⁄2 giá thành. Đặc biệt, tình trạng chưa thu giá nước cho nông nghiệp, coi nước là “của trời cho” gây thất thoát, lãng phí lớn, sử dụng nước không tiết kiệm, thiếu hiệu quả, làm triệt tiêu động lực phát triển và không xã hội hóa được việc cấp nước cho nông nghiệp.

Bên cạnh đó, Luật TNN 2012 chưa có chính sách, quy định cụ thể nhằm tính toán đầy đủ giá trị của TNN, dẫn đến các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp chưa tính toán đủ giá thành sản phẩm, chưa xác định chính xác hiệu quả sử dụng nước; việc tính thiếu, thu không đủ dẫn đến việc sử dụng nước không tiết kiệm, thất thoát, lãng phí nước, gây thất thu ngân sách nhà nước và triệt tiêu động lực phát triển, không kêu gọi được việc xã hội hóa trong ngành nước, nhất là cấp nước cho nông nghiệp. Ngoài ra, chưa có chính sách cụ thể, rõ ràng về sử dụng và phân bổ nguồn thu cho hoạt động bảo vệ nguồn sinh thủy, dẫn đến không thúc đẩy phát triển kinh tế các vùng miền, đặc biệt không bố trí đầy đủ kinh phí hoặc nhiều địa phương không có quỹ đất để trồng rừng thay thế đã giảm ý nghĩa chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, sử dụng tiền chưa thực sự đúng mục tiêu dẫn đến giảm động lực tham gia đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong bảo vệ, phát triển rừng và các hoạt động tạo nguồn sinh thuỷ.

Dự thảo Luật TNN (sửa đổi) gồm 88 điều, được bố cục thành 10 chương. So với Luật TNN 2012, Dự thảo Luật không tăng về số chương, trong đó giữ nguyên 10 điều; sửa đổi, bổ sung 62 điều; bổ sung mới 16 điều và bãi bỏ 8 điều. Theo dự kiến, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật TNN (sửa đổi) vào Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).

Tiếp tục đối chiếu, rà soát quy định giá tính thuế tài nguyên nước

Để khắc phục những bất cập trên, Dự thảo Luật TNN (sửa đổi) đã bổ sung mới Điều 68 về thuế, phí về TNN theo hướng quy định về thuế tài nguyên liên quan đến TNN; giá tính thuế tài nguyên. Theo Cục trưởng Cục Quản lý TNN (cơ quan chủ trì soạn thảo Dự thảo Luật) Châu Trần Vĩnh, mục tiêu sửa nội dung tài chính về TNN là tính đúng, tính đủ giá trị của nước nhằm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, giảm thất thoát, lãng phí, tránh thất thu ngân sách nhà nước; là động lực phát triển, kêu gọi các nhà đầu tư ở các thành phần kinh tế tham gia vào công tác bảo vệ và phát triển TNN.

Đồng thời, phân bổ nguồn thu cho các đối tượng thụ hưởng từ hoạt động bảo vệ nguồn sinh thủy một cách hợp lý để khuyến khích quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và các hoạt động tạo nguồn sinh thuỷ. Với các mục tiêu đó, nội dung chính sách bổ sung quy định liên quan đến cơ chế tài chính nhằm làm rõ giá trị kinh tế, giá trị hàng hóa (ngoài giá trị xã hội) và nâng cao giá trị đóng góp của TNN trong phát triển kinh tế xã hội; bổ sung công cụ kinh tế, cơ chế tài chính liên quan đến phân bổ nguồn thu cho các đối tượng thụ hưởng từ hoạt động bảo vệ nguồn sinh thủy.

Tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý về Dự thảo Luật TNN (sửa đổi) mới đây, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, Thường trực Ủy ban thống nhất với việc bổ sung quy định liên quan đến cơ chế tài chính nhằm làm rõ giá trị kinh tế của TNN trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, ông Huy đề nghị nghiên cứu bổ sung công cụ kinh tế, cơ chế tài chính liên quan đến phân bổ nguồn thu cho các đối tượng thụ hưởng từ hoạt động bảo vệ nguồn sinh thủy cho phù hợp; đối chiếu, rà soát quy định giá tính thuế TNN theo quy định của pháp luật về thuế, giá và mục đích sử dụng, điều kiện khai thác, đặc điểm kinh tế - xã hội của khu vực, lưu vực sông.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường nêu rõ, khoản 1 Điều 69 quy định các trường hợp phải nộp tiền cấp quyền khai thác TNN nhưng chưa rõ ràng, trùng lặp với khoản 2 quy định khai thác nước để phục vụ hoạt động dịch vụ sản xuất đã bao hàm các hoạt động sản xuất kinh doanh trên mọi lĩnh vực, kể cả nông nghiệp, trừ khai thác nước sử dụng cho sinh hoạt của hộ gia đình. Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo thiết kế lại rõ ràng hơn. Khoản 1 Điều 72 Dự thảo Luật quy định về chính sách ưu đãi, hỗ trợ về bảo vệ, phát triển tích trữ nước và nguồn phục hồi, theo ông Cường, các quy định về ưu đãi, hỗ trợ đối với dự án đầu tư thuộc ngành nghề ưu đãi miễn, giảm thuế, mức độ, phạm vi ưu đãi… được quy định trong hệ thống pháp luật về đầu tư, đất đai, thuế, vì vậy đề nghị cân nhắc nội dung tại khoản này.

Thống nhất với các ý kiến trên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục đối chiếu, rà soát quy định về giá tính thuế TNN theo quy định pháp luật về thuế, giá. “Giá nước không chỉ là vấn đề mục đích sử dụng, điều kiện khai thác và đặc điểm kinh tế - xã hội trong khu vực mà còn theo mức độ khan hiếm TNN ở khu vực. Do đó, các luật thuế cũng phải nghiên cứu có những tỷ lệ thuế suất khác nhau, nhất là những nơi khan hiếm TNN thì phải đánh thuế cao” - Chủ tịch Quốc hội lưu ý./.

HỒNG NHUNG