Hoàn thiện pháp luật kiểm toán nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, lãng phí
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 18:51, 23/03/2023
Tổng Kiểm toán nhà nước, Chủ nhiệm Ban Đề tài cấp quốc gia Ngô Văn Tuấn và GS, TS. Đoàn Xuân Tiên - Nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, Thành viên chính của Ban Đề tài - đồng chủ trì Hội thảo.
Dự Hội thảo có Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung, đại diện các đơn vị trực thuộc và một số chuyên gia, nhà nghiên cứu.
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết: Sau hơn 2 năm triển khai, Ban Đề tài đã tổ chức 2 hội thảo, 10 tọa đàm khoa học; khảo sát thực tiễn tại 5 địa phương trong nước. Đến nay, Đề tài đã cơ bản hoàn thiện, đảm bảo tiến độ và yêu cầu đề ra.
Những kết quả nghiên cứu nổi bật
Tại Hội thảo, GS, TS. Đoàn Xuân Tiên - Nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, Thành viên chính của Ban Đề tài - trình bày cơ sở lý luận về hoàn thiện pháp luật KTNN nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí ở Việt Nam.
Theo đó, với mục tiêu làm rõ cơ sở lý luận để làm căn cứ cho việc nghiên cứu, phân tích, đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật KTNN nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, Ban Đề tài đã hệ thống hóa và phân tích sâu hơn, làm sáng tỏ hơn các vấn đề về hoàn thiện pháp luật KTNN và vai trò của pháp luật đối với tổ chức và hoạt động của cơ quan KTNN, từ khái niệm, bản chất, đặc điểm pháp luật KTNN; những vấn đề lý thuyết về hoàn thiện pháp luật.
Đề tài cũng đã hệ thống hóa và phân tích sâu hơn những vấn đề lý luận về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và hiệu quả, hiệu lực của hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Ban Đề tài cũng đã phân tích rõ và sâu hơn vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan KTNN trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; tác động của hoạt động của các cơ quan KTNN đối với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; tác động của hoạt động kiểm toán của các cơ quan KTNN đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Đồng thời, phân tích rõ và cụ thể các nhân tố chủ yếu tác động đến hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí của các cơ quan KTNN.
Việc xác định hành vi tham nhũng, tiêu cực trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ là nhiệm vụ rất khó đối với KTNN. Theo quy định hiện hành, triết lý của hoạt động kiểm toán sẽ là phân tích rủi ro, xác định trọng yếu để nhận xét, đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị.
Điều đó đặt ra vấn đề, khuôn khổ pháp lý hiện hành, chuẩn mực KTNN hiện tại còn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của KTNN trong bối cảnh mới nữa không?
Mọi hoạt động của các cơ quan, đơn vị đều phải gắn với bối cảnh cụ thể. Vì thế, trong môi trường mới, bối cảnh mới, triết lý và phương pháp hoạt động của KTNN cũng phải thay đổi cho phù hợp.
Trong bối cảnh ấy, hoạt động kiểm toán sẽ như thế nào; vai trò của cơ quan kiểm toán và các cơ quan có chức năng thanh tra, giám sát ra sao; phân khúc giữa cơ quan kiểm toán và cơ quan điều tra như thế nào… Đó là những vấn đề cần phải được làm rõ.
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn
Chia sẻ kết quả nghiên cứu về thực trạng pháp luật KTNN và hoạt động kiểm toán của KTNN Việt Nam trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, TS. Lê Hoài Nam - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, KTNN - đặc biệt nhấn mạnh tới những phát hiện và kiến nghị kiểm toán.
Cụ thể, giai đoạn 2011-2022, qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 605.016,5 tỷ đồng, trong đó kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước là 99.668,2 tỷ đồng, kiến nghị giảm chi ngân sách nhà nước là 159.720,7 tỷ đồng, kiến nghị xử lý tài chính khác là 345.627,6 tỷ đồng.
Kiến nghị xử lý tài chính ngân sách thông qua hoạt động kiểm toán giai đoạn 2011-2022 (Thống kê theo năm kiểm toán):
Đơn vị: Tỷ đồng
Nội dung |
Giai đoạn 2011-2019 |
Năm 2020 |
Năm 2021 |
Năm 2022 |
Tăng thu ngân sách nhà nước |
81.157,7 |
4.604,3 |
8.802,7 |
5.103,5 |
Giảm chi ngân sách nhà nước |
100.006,7 |
29.873,3 |
16.593,7 |
13.247,0 |
Kiến nghị khác |
224.793,1 |
35.856,4 |
41.567,3 |
43.410,8 |
Tổng |
405.957,5 |
70.334,0 |
66.963,7 |
61.761,3 |
Nguồn: KTNN
Giai đoạn 2011-2022, công tác phát hiện, phòng ngừa và xử lý tham nhũng của KTNN cũng đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận:
Một số kết quả liên quan đến phát hiện, phòng ngừa và xử lý tham nhũng giai đoạn 2011-2020 (Thống kê theo năm kiểm toán)
Đơn vị: Số lượng
Nội dung |
Giai đoạn 2011-2019 |
Năm 2020 |
Năm 2022 |
Năm 2022 |
Số vụ việc có dấu hiệu vi phạm phát luật chuyển sang cơ quan điều tra |
26 |
5 |
1 |
8 |
Số lượng hồ sơ, báo cáo kiểm toán… cung cấp cho các cơ quan để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát |
410 |
131 |
265 |
830 |
Nguồn: KTNN
Cũng tại Hội thảo, TS. Đặng Văn Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, KTNN - đã chia sẻ kết quả nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí của cơ quan KTNN và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam.
Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu, Ban Đề tài đã đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật KTNN nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Đây là nội dung đã được ThS. Trần Kim Lộc - Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán - trình bày.
Tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện Đề tài
Các ý kiến tại Hội thảo đều đánh giá cao tinh thần nghiên cứu công phu, nghiêm túc, khoa học của Ban Đề tài; đồng thời khẳng định: Đề tài vừa có ý nghĩa về mặt lý luận vừa có giá trị thực tiễn sâu sắc. Mục tiêu và nhiệm vụ được giải quyết thỏa đáng.
Tuy nhiên, để Đề tài được hoàn thiện hơn, PGS,TS. Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam - khuyến nghị: Đề tài cần bổ sung một số nội dung mang tính cơ bản, chiến lược hơn về chủ đề hoàn thiện pháp luật KTNN để nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng chống tham nhũng, lãng phí ở Việt Nam.
Đồng thời, Đề tài cần nêu rõ các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí của KTNN. Các giải pháp cần mang tính chiến lược hơn, đặt trong bối cảnh thể chế kinh tế của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050, cần tính tới mối quan hệ giữa các định chế trong hệ thống quyền lực của nhà nước Việt Nam.
Ban Đề tài cần lý giải và làm rõ vai trò của KTNN trong chống tham nhũng và tham gia xử lý các vụ việc tham nhũng, lãng phí.
Đối với kinh nghiệm quốc tế về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí của các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI), Ban Đề tài cần làm rõ thể chế của các nước và thể chế của Việt Nam, từ đó áp dụng vào thực tiễn Việt Nam cho phù hợp.
Liên quan đến kinh nghiệm quốc tế về nội dung này, TS. Vũ Thanh Hải - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành IV - cũng cho rằng, đây là vấn đề cần được nghiên cứu sâu, đơn cử như chức năng điều tra của cơ quan kiểm toán, cần tìm hiểu việc áp dụng của các SAI gắn với thể chế, môi trường, bối cảnh của từng quốc gia.
Từ góc độ pháp lý, PGS, TS. Trương Thị Hồng Hà - Phó Vụ trưởng, Vụ nghiên cứu Tổng hợp, Ban Nội chính Trung ương - đề nghị: Đề tài cần đi sâu phân tích về lý luận hoàn thiện pháp luật KTNN để pháp luật là công cụ sắc bén cho KTNN nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở Việt Nam.
Từ đó, Đề tài tập trung làm rõ khái niệm, đặc điểm, vai trò của pháp luật KTNN; xây dựng tiêu chí đánh giá pháp luật KTNN nhằm mục đích phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Đề tài cần bổ sung kiến nghị với các cơ quan và lộ trình thực hiện về xây dựng pháp luật và các kiến nghị về cơ chế bảo đảm để phát huy vai trò của KTNN trong tổ chức thực hiện pháp luật.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã cho ý kiến về địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ của KTNN; phạm vi, đối tượng kiểm toán của KTNN... ; đồng thời đề nghị: Đề tài cần làm sáng tỏ thêm một số vấn đề về phương pháp nghiên cứu, phương pháp tiếp cận và một số khái niệm; đặc biệt bổ sung, phân tích, làm rõ thêm hiệu lực, hiệu quả phòng chống tham nhũng qua hoạt động kiểm toán, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của KTNN...
Các ý kiến tại Hội thảo đã gợi mở nhiều vấn đề để Ban Đề tài tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện cả về nội dung, hình thức theo hướng đầy đủ hơn, mang tính cơ bản hơn, chiến lược hơn - GS,TS. Đoàn Xuân Tiên khẳng định./.