Quản lý chặt chẽ, minh bạch nguồn vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Đầu tư - Ngày đăng : 09:40, 24/03/2023
Tạo “khoảng trống” pháp luật trong quản lý vốn
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng, một trong những mục tiêu sửa Luật Đấu thầu lần này là bảo đảm quản lý chặt chẽ, có hiệu quả nguồn vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp (DN), đồng thời tạo sự chủ động, linh hoạt và tự chịu trách nhiệm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.
Với quan điểm đó, Dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội bỏ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 1 của Luật Đấu thầu năm 2013. Theo đó, Dự thảo Luật quy định điều chỉnh đối với dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), không điều chỉnh đối với các dự án đầu tư có sử dụng vốn nhà nước, vốn của DNNN từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án như Luật hiện hành.
Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, liên quan đến đối tượng điều chỉnh đối với vốn nhà nước tại DN, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, cơ quan soạn thảo đề nghị giữ phương án này. Tuy nhiên, qua thảo luận, một số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng nếu quy định như Dự thảo mà Chính phủ trình sẽ thu hẹp đáng kể đối tượng dự án sử dụng vốn nhà nước phải đấu thầu, tạo khoảng trống pháp luật trong quản lý vốn nhà nước vì số lượng dự án đầu tư được triển khai thực hiện ở công ty con không phải thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu sẽ là khá lớn (công ty con không phải là DNNN).
Vì vậy, nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và quy định đối tượng áp dụng đối với dự án đầu tư của DNNN và DN có trên 50% vốn thuộc sở hữu của DNNN. Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, nếu mở thêm phạm vi các DN có vốn của DNNN thì phạm vi sẽ rất rộng, trong khi có nhiều ý kiến cho rằng khu vực DNNN đang kém cạnh tranh so với khối DN tư nhân do chịu sự ràng buộc quá nhiều quy định pháp luật. Do vậy, đề nghị cân nhắc để tránh làm hạn chế tính chủ động của các DN, trường hợp cần thiết, chỉ quy định các công ty con của các DNNN có 100% vốn điều lệ của DNNN.
Các dự án sử dụng vốn nhà nước đều phải đấu thầu
Góp ý vào Dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) là nội dung rất quan trọng, liên quan rất nhiều đến các vấn đề sử dụng vốn, tài sản nhà nước, thủ tục, cách thức, quy trình, cải cách hành chính, minh bạch, công khai môi trường đầu tư kinh doanh, ngăn ngừa các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quá trình này.
Trích: Nhiều DN tư nhân không có đồng vốn nhà nước nào nhưng sử dụng vốn nhà nước để đầu tư, do Nhà nước giao nhiệm vụ đầu tư thì phải đấu thầu và Kiểm toán nhà nước hoàn toàn có quyền kiểm toán đối với hoạt động này.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Bày tỏ băn khoăn về phạm vi, đối tượng áp dụng đối với vốn nhà nước tại DN, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nên quy định theo phương án áp dụng cả đối với việc sử dụng vốn nhà nước trong đầu tư, đối với các DN dưới 50% vốn điều lệ, kể cả những DN không có vốn nhà nước vẫn phải áp dụng. Bởi việc sử dụng vốn nhà nước với vốn nhà nước tại đơn vị là hai khái niệm khác nhau. “Chúng ta không sợ làm chậm quá trình mà làm minh bạch, công khai thì vẫn tốt, cho nên cần thiết kế lại quy định này để đảm bảo khái quát. Nếu Dự thảo Luật vẫn giữ phương pháp liệt kê thì nên viết bổ sung thêm cả các dự án đầu tư khác mà có sử dụng vốn nhà nước; có nghĩa là kể cả DNNN, DN dưới 50% vốn, DN không có vốn nhà nước mà có sử dụng vốn nhà nước đều phải đấu thầu, không hạn chế tỷ lệ phần trăm hay bao nhiêu tỷ đồng trở lên” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đối với đối tượng là DNNN, cơ quan soạn thảo đề nghị áp dụng với DN sở hữu vốn nhà nước từ 51% trở lên theo Nghị quyết số 12-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước” của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Theo Bộ trưởng, trước đây chúng ta quy định sở hữu 100% vốn nhà nước thì mới là DNNN, bây giờ đã hạ xuống đến 51% và trên thực tế thì các gói thầu chủ yếu nằm ở loại DN mà Nhà nước đóng góp vốn thấp hơn. “Chúng tôi đề nghị vẫn giữ nguyên theo định nghĩa của Luật Doanh nghiệp là từ 51% trở lên thì chúng ta phải kiểm soát. Thứ hai là dưới 51% thì chúng ta thực hiện theo Luật số 69 (Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN), tức là dành quyền chủ động, linh hoạt cho người được đại diện của vốn nhà nước trong các DN tự quyết định, tự chịu trách nhiệm vấn đề này” - Bộ trưởng nêu rõ.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng thống nhất với quan điểm của Chủ tịch Quốc hội, đối với một số trường hợp là DN tư nhân không có vốn nhà nước nhưng lại sử dụng vốn nhà nước để thực hiện cung cấp các dịch vụ thì cần nghiên cứu, bổ sung vào Dự thảo Luật để có thể kiểm soát được vấn đề này./.