Tái định vị doanh nghiệp để phát triển bền vững

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 14:00, 24/03/2023

(BKTO) - Trong bối cảnh nền kinh tế được dự báo có nhiều “gam màu xám”, bên cạnh các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, bản thân các doanh nghiệp cũng phải có giải pháp căn cơ để vượt khó.

Một trong những yêu cầu cấp thiết đặt ra là doanh nghiệp cần thực hiện tái định vị doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh để tạo nền tảng phát triển bền vững trong bối cảnh mới.

Chia sẻ tại Diễn đàn “Tái định vị doanh nghiệp để phát triển bền vững”, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, nền kinh tế Việt Nam đã xuất hiện những dấu hiệu đáng quan ngại khi đà tăng trưởng kinh tế đang có dấu hiệu suy giảm. Các thị trường xuất khẩu trọng điểm giảm nhu cầu, ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

20230323_143111.jpg
Diễn đàn “Tái định vị doanh nghiệp để phát triển bền vững” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức vào chiều 23/3, tại Hà Nội. Ảnh: D.THIỆN

Hơn thế nữa, lực lượng doanh nghiệp Việt Nam, do phần lớn có quy mô vừa và nhỏ nên rất dễ bị tổn thương khi gặp các yếu tố bất lợi từ bên ngoài.

“Nhiều kết quả khảo sát gần đây của VCCI đều chỉ ra cộng đồng doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh do những tác động tiêu cực từ sự suy thoái kinh tế trên toàn cầu” - ông Công nhấn mạnh.

Cũng bày tỏ quan ngại về khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp hiện nay, bà Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết có 4 thách thức chính mà doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt trong năm 2023.

Trước hết, trên bình diện chung, sự tăng trưởng chậm lại ở những thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Hoa Kỳ, Trung Quốc và khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có thể ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đang chuyển dần sang áp dụng các tiêu chuẩn về phát triển bền vững một cách chặt chẽ hơn, đã và đang tạo nên những sức ép không nhỏ cho các doanh nghiệp.

Ngoài ra, doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, chất lượng nguồn nhân lực của doanh nghiệp cũng còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến việc tăng năng suất lao động và khả năng đáp ứng yêu cầu của việc chuyển đổi mô hình, phương thức sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh mới.

Từ thực tế trên, theo ông Phạm Tấn Công, một trong những yêu cầu cấp thiết đặt ra là doanh nghiệp cần thực hiện tái định vị doanh nghiệp, tái cấu trúc hoạt động sản xuất, kinh doanh để có thể trụ vững trong khó khăn, từ đó tạo nền tảng phát triển bền vững trong tương lai.

Thêm một yếu tố nữa mà doanh nghiệp cần quan tâm đó là bối cảnh, mục tiêu phát triển của Việt Nam đã khác. Chủ tịch VCCI cho biết, từ Đại hội XIII của Đảng, một giai đoạn phát triển mới của đất nước bắt đầu, Việt Nam phấn đấu trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045, vì thế yêu cầu đặt ra đối với nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp cũng cao hơn rất nhiều.

Theo đó, trong những thập niên phát triển tiếp theo, yêu cầu đặt ra đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam không chỉ đơn thuần là sự tăng trưởng về doanh thu, lợi nhuận nữa, mà còn đòi hỏi doanh nghiệp phải quan tâm nhiều hơn đến vấn đề kinh doanh có trách nhiệm, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững…

“Chính vì vậy, ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy, nhận thức, định vị lại doanh nghiệp của mình từ tầm nhìn, mục tiêu phát triển, vị thế của doanh nghiệp trong chuỗi liên kết ngành nói riêng và trong tổng thể nền kinh tế nói chung” - Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Đưa ra khuyến nghị, bà Đinh Thị Quỳnh Vân - Tổng Giám đốc Dịch vụ Tư vấn thuế Công ty trách nhiệm hữu hạn PwC Việt Nam cho rằng, để vượt qua khó khăn, thách thức hiện nay, các doanh nghiệp cần nhìn lại những ưu tiên chiến lược, xác định các điểm khác biệt, lợi thế của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị để đẩy mạnh.

Đồng thời tăng cường đào tạo nhân viên để đảm bảo nguồn nhân lực có khả năng thích ứng với các yêu cầu đặt ra trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số.

Cùng với sự nỗ lực của doanh nghiệp, theo các chuyên gia, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tạo không gian rộng mở hơn nữa cho các mô hình kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế chia sẻ… phát triển một cách bền vững; gia tăng các chính sách khuyến khích, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững…

Đồng thời, Chính phủ, các Bộ, ngành chức năng cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như về tiếp cận vốn; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển…/.

DIỆU THIỆN