Tháo gỡ vướng mắc cho ngân hàng trong thực thi các quy định kiểm toán

Pháp luật - Ngày đăng : 06:45, 25/03/2023

(BKTO) - Các tổ chức tín dụng (TCTD) đang gặp phải một số vướng mắc trong thực thi quy định về kiểm toán độc lập. Để tháo gỡ vướng mắc này, tại Dự thảo Luật các TCTD (sửa đổi), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đề xuất 2 phương án.
kiem-toan-doc-lap.jpg
Các ngân hàng rất khó tìm được tổ chức kiểm toán có mong muốn thực hiện kiểm toán lại báo cáo tài chính.
Ảnh: Internet

Ngân hàng khó tìm được tổ chức kiểm toán lại báo cáo tài chính

Khoản 3 Điều 42 Luật các TCTD hiện hành quy định: “TCTD phải thực hiện kiểm toán độc lập lại trong trường hợp báo cáo kiểm toán có ý kiến ngoại trừ của tổ chức kiểm toán độc lập”.

Theo NHNN, quy định hiện hành dẫn đến 2 cách hiểu: Một là, khi kiểm toán độc lập có ý kiến ngoại trừ thì phải thực hiện kiểm toán lại ít nhất 1 lần. Hai là, khi kiểm toán độc lập có ý kiến ngoại trừ thì phải thực hiện kiểm toán lại cho đến khi hết ý kiến ngoại trừ. Thực tế có những trường hợp kiểm toán, công ty kiểm toán độc lập sẽ có ý kiến ngoại trừ liên tục.

Thời gian qua, 3 trường hợp có báo cáo tài chính kiểm toán với ý kiến ngoại trừ, trong đó có Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á (DAB)Căn cứ quy định tại Điều 42 Luật các TCTD, NHNN đã yêu cầu DAB kiểm toán lại báo cáo tài chính năm 2015. Tuy nhiên, đến nay, DAB và Ban Kiểm soát đặc biệt DAB vẫn đang tiếp tục kiến nghị NHNN cho phép DAB không phải kiểm toán lại báo cáo tài chính năm 2015.

Các TCTD phản ánh, trong quá trình thực hiện, họ rất khó tìm được tổ chức kiểm toán có mong muốn thực hiện kiểm toán lại báo cáo tài chính. Bởi lẽ, việc một doanh nghiệp thực hiện kiểm toán lại một báo cáo tài chính đã được một doanh nghiệp kiểm toán khác kiểm toán cũng làm phát sinh nguy cơ tương tự và có thể ở mức độ nghiêm trọng hơn so với kết quả kiểm toán lúc trước (theo quy định tại chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán được ban hành kèm theo Thông tư số 70/2015/TT-BTC ngày 08/05/2015).

Trường hợp báo cáo tài chính có ý kiến ngoại trừ, ý kiến kiểm toán khi thực hiện kiểm toán lại sẽ khó thay đổi và vẫn là ý kiến ngoại trừ. Như vậy, việc kiểm toán lại không mang giá trị tăng thêm cho người sử dụng báo cáo tài chính mà phát sinh thêm chi phí và thời gian cho TCTD.

Theo Chuẩn mực kiểm toán số 705 (Ý kiến kiểm toán không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần), các công ty kiểm toán có thể đưa ra 3 dạng ý kiến kiểm toán không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần và được chia theo mức độ tiêu cực tăng dần như sau: Ý kiến ngoại trừ, từ chối đưa ra ý kiến, ý kiến trái ngược. Tuy nhiên, trường hợp tổ chức kiểm toán “từ chối đưa ra ý kiến” hoặc có “ý kiến trái ngược” chưa được quy định có kiểm toán lại hay không.

Đề xuất 2 phương án liên quan đến kiểm toán độc lập

Từ thực tế trên, NHNN đề xuất Chính phủ xem xét cho ý kiến đối với 2 phương án, cụ thể như sau:

Phương án 1: Bỏ khoản 3 Điều 42 Luật các TCTD. Ưu điểm của phương án này là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên thực tế của TCTD trong việc tìm tổ chức kiểm toán có mong muốn thực hiện kiểm toán lại báo cáo của TCTD; giúp giảm chi phí và thời gian cho TCTD trong việc thuê tổ chức kiểm toán thực hiện kiểm toán lại.

Khoản 3 Điều 48 Luật Kiểm toán độc lập quy định: “Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, đại diện vốn chủ sở hữu đối với đơn vị được kiểm toán có quyền yêu cầu doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam và đơn vị được kiểm toán giải trình về các nội dung ngoại trừ trong báo cáo kiểm toán”.

Theo đó, trong trường hợp có ý kiến ngoại trừ, NHNN có quyền yêu cầu doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam và đơn vị được kiểm toán giải trình về các nội dung ngoại trừ trong báo cáo kiểm toán.

Tuy nhiên, nhược điểm của phương án này là chưa quy định rõ thẩm quyền của NHNN trong việc yêu cầu TCTD kiểm toán lại trong trường hợp báo cáo có ý kiến ngoại trừ, ý kiến kiểm toán trái ngược, từ chối đưa ra ý kiến của tổ chức kiểm toán độc lập

Phương án 2: Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 41 Dự thảo Luật như sau: “3. NHNN có quyền yêu cầu TCTD thực hiện kiểm toán độc lập lại khi báo cáo có ý kiến ngoại trừ, từ chối đưa ra ý kiến, ý kiến kiểm toán trái ngược của tổ chức kiểm toán độc lập”.

Phương án 2 có ưu điểm là đảm bảo NHNN có quyền yêu cầu TCTD thực hiện kiểm toán độc lập lại khi xét thấy ý kiến ngoại trừ, từ chối đưa ra ý kiến, ý kiến kiểm toán trái ngược của kiểm toán độc lập có dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro, ảnh hưởng đến việc đánh giá tình hình tài chính của TCTD để phục vụ mục tiêu quản lý nhà nước về tiền tệ và ngân hàng.

Phương án này cũng giúp tiết kiệm chi phí và thời gian cho TCTD do không bắt buộc phải kiểm toán lại trong mọi trường hợp chỉ thực hiện khi có yêu cầu của NHNN.

Tuy nhiên, nhược điểm của phương án này là có thể vẫn phát sinh vướng mắc của TCTD trong việc tìm tổ chức kiểm toán có mong muốn thực hiện kiểm toán lại báo cáo của TCTD khi có yêu cầu của NHNN. Do đó, phương án này chưa giải quyết được triệt để các khó khăn, vướng mắc trong thực tế.

Giới chuyên gia kỳ vọng, khi 1 trong 2 phương án được thông qua, những vướng mắc của các TCTD liên quan đến kiểm toán độc lập như hiện nay sẽ được tháo gỡ.

Ngoài ra, góp ý cho Dự thảo Luật các TCTD (sửa đổi), một số ý kiến đề nghị, Dự thảo Luật cần làm rõ các quy định về kiểm toán nội bộ để tránh gây khó khăn cho các TCTD trong quá trình thực thi khi Luật được ban hành.

Đơn cử, góp ý về khoản 3, Điều 39 Dự thảo Luật: “3. NHNN có quyền yêu cầu TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thuê công ty kiểm toán độc lập đánh giá một phần hoặc toàn bộ hệ thống kiểm soát nội bộ khi xét thấy cần thiết”, Ngân hàng ANZ Việt Nam đề nghị, NHNN khi ban hành Thông tư hướng dẫn về vấn đề này, cân nhắc đến khả năng cung cấp dịch vụ của các công ty kiểm toán độc lập để đảm bảo quy định được thực thi hiệu quả.

Với quy định về kiểm toán nội bộ tại khoản 3 Điều 40 Dự thảo Luật, đại diện ANZ Việt Nam đề nghị Ban soạn thảo xem xét sửa đổi theo hướng cho phép các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có thể quyết định phạm vi đánh giá dựa trên cơ sở phân tích, đánh giá hằng năm cũng như là chính sách quản lý rủi ro của tổ chức./.

THÀNH ĐỨC