Bộ Y tế đề xuất áp thuế Tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường

Xã hội - Ngày đăng : 17:50, 25/03/2023

(BKTO) - Bộ Y tế đề xuất, tất cả các đồ uống có đường theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) có mặt trên thị trường đều cần chịu thuế Tiêu thụ đặc biệt. Việc đánh thuế dựa trên hàm lượng đường có trong đồ uống.
23.3.2023-quang-canh-ht-3.jpg
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Bộ Y tế

Tại Hội thảo khoa học về tiêu thụ đồ uống có đường với sức khỏe và tác động của chính sách thuế, giá do Bộ Y tế tổ chức ngày 23/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, mức tiêu thụ đồ uống có đường tăng nhanh là yếu tố quan trọng góp phần làm gia tăng tình trạng thừa cân, béo phì ở Việt Nam.

Tại nước ta, tỷ lệ thừa cân, béo phì đã tăng gấp 7 lần ở thanh thiếu niên 5-19 tuổi (từ 2,6% năm 2002 lên 19% năm 2020) và tăng gấp đôi ở người lớn (từ 10,9% năm 2002 lên 18,3% năm 2016).

Thừa cân, béo phì cũng làm tăng các yếu tố nguy cơ của một số bệnh không lây nhiễm, bao gồm: ung thư, bệnh tim, trẻ hóa độ tuổi mắc nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, đột quỵ, đái tháo đường tuýp 2 và tử vong sớm liên quan.

Thực trạng trên đã đặt ra yêu cầu bức thiết cần giảm lượng tiêu thụ đồ uống có đường, từ đó góp phần giảm tỷ lệ bệnh tật, tử vong, đặc biệt là bảo vệ sức khỏe trẻ em.

Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, kinh nghiệm quốc tế cũng như kinh nghiệm từ việc phòng, chống tác hại của thuốc lá, rượu, bia cho thấy, để hạn chế tiêu thụ đồ uống có đường thì can thiệp về thuế và giá được chứng minh rất hiệu quả.

WHO cũng khuyến cáo, đánh thuế đối với đồ uống có đường là chính sách quan trọng nhằm giảm mức tiêu thụ, từ đó ngăn ngừa thừa cân, béo phì và tác hại của đồ uống có đường đến sức khỏe.

Hiện, Bộ Tài chính cùng các Bộ, ngành liên quan đang xây dựng dự thảo về thu thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường.

Bộ Y tế đề xuất áp dụng đánh thuế dựa trên hàm lượng đường. Cụ thể là sử dụng phương thức đánh thuế theo hàm lượng đường trong 100 ml đồ uống và sẽ quy định ngưỡng, dưới ngưỡng không đánh thuế, trên ngưỡng này thì đánh thuế và đánh theo mức thuế càng nhiều đường càng cao.

Một số sản phẩm dinh dưỡng (sữa, các sản phẩm từ sữa...) có hàm lượng đường thấp được đề xuất chưa áp thuế Tiêu thụ đặc biệt.

Bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) nhấn mạnh, việc áp thuế sẽ giúp giảm tỷ lệ bệnh tật và tử vong, từ đó giảm áp lực lên hệ thống y tế, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước. Giải pháp thuế khiến tăng mức giá bán lẻ ngày càng cao thì lợi ích thu được về là sức khỏe cộng đồng và nguồn thu ngân sách sẽ càng lớn.

Đ. KHOA